Mô hình đào tạo song hành của Đức (Dual vocational training) tại Trung tâm van Laack VTC mở ra cơ hội cho sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Trong những năm gần đây, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” luôn diễn ra. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.
Thực tế, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường ngày một nhiều, trong khi công nhân có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc thì luôn thiếu. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Trung tâm van Laack VTC ra đời nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên |
Trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam là quốc gia sản xuất các mặt hàng dệt may lớn thứ năm trên thế giới, tuy nhiên trong lĩnh vực này, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do thiếu hệ thống đào tạo chuyên môn có tay nghề giỏi.
Đánh giá về vấn đề này, bà Phan Thanh Thảo - Viện Trưởng viện Dệt May - Da Giày và Thời Trang thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, ngành dệt may đang trong xu thế phát triển. Trong toàn ngành có trên 8.000 doanh nghiệp, thu hút hơn 2 triệu lao động. Các hiệp định FTA, CPTTP đang mở ra rất nhiều triển vọng cho ngành dệt may.
Bên cạnh những cái thuận lợi, đặt ra nhiều thách thức như chất lượng sản phẩm, đầu ra đáp ứng yêu cầu của các thị trường khắt khe cao như EU, Mỹ, Nhật Bản. Theo bà Thảo, bên cạnh phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, tăng cao tỷ lệ nội địa hóa, cần đầu tư về công nghệ, trang thiết bị hiện đại. Nhưng để làm chủ được trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nguồn nhân lực rất quan trọng.
Đào tạo song hành theo tiêu chuẩn Đức
Nắm bắt được vấn đề này cũng ý nghĩa xã hội, Trung tâm van Laack VTC đã ra đời, nhằm hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, giúp sinh viên học theo hệ thống đào tạo đại học song hành của Đức (Dual vocational training).
Sinh viên được tham gia các tiết học, hướng dẫn thực hành bởi các giảng viên đại học, chuyên gia từ Việt Nam và Đức ngay tại nhà máy của van Laack với dây chuyền và máy móc hiện đại, đào tạo các kỹ năng mềm (ngoại ngữ, tin học, làm việc nhóm…), đào tạo chuyên môn cao và kỹ thuật lành nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên sau khi kết thúc đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo nghề song hành theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức DIHK, CHLB Đức do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cấp.
Các chuyên gia chia sẻ tại buổi ra mắt Trung tâm van Laack VTC |
Giúp sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Hệ thống đào tạo nghề song hành này giúp sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên sẽ học lý thuyết trên trường và thực hành tại công ty van Laack trong 2 năm. Để theo học, sinh viên cần sẵn sàng trải nghiệm và thay đổi tư duy thụ động. Doanh nghiệp cam kết tuyển dụng 10-15% sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Đánh giá về ý nghĩa của dự án, bà Phan Thanh Thảo - Viện Trưởng viện Dệt May - Da Giày và Thời Trang thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Đức là nước có hệ thống giáo dục rất phát triển. Chúng tôi rất mong muốn triển khai tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Mô hình đào tạo song hành kết hợp giữa lý thuyết và thực hành của Đức sẽ giúp cho học viên nắm được lý thuyết mà cả kinh nghiệm thực tiễn. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay của ngành dệt may cũng như sự phát triển trong tương lai. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường phát huy thế mạnh của cả hai bên. Đây là sự kết hợp toàn diện hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Sinh viên tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia dự án trong buổi lễ OPEN DAY ngày 13/6/18 |
Với vai trò doanh nghiệp, đại diện của trung tâm van Laack VTC, bà Kim Thu Hương - Tổng Giám đốc công ty TNHH van Laack Asia, chia sẻ: “Với kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam trên 20 năm, bên cạnh đầu tư và kinh doanh, chúng tôi đặt ra sứ mệnh ý nghĩa xã hội tại các trung tâm đào tạo nghề, liên kết các trường đại học.
Dự án cũng sẽ thay đổi cách đào tạo, nâng cao chất lượng sinh viên ra trường. Sau khi ứng dụng hệ thống đào tạo đại học song hành trong chương trình giảng dạy, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ được thực hành trong môi trường chuyên nghiệp, hướng tới bắt kịp xu thế công nghệ chung của thế giới. Những sinh viên ‘học đi đôi với hành’ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tiếp cận những công nghệ mới, có thể trở thành những thành viên của van Laack và đóng góp cho xã hội.
Có thể nói, kết hợp việc học lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp, hứa hẹn sẽ tạo nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng và tay nghề cao, tạo ra sự gắn kết, giải quyết các vấn đề thất nghiệp do thiếu kỹ năng”.
Trung tâm đào tạo van Laack VTC- Công ty TNHH van Laack Asia Cụm công nghiệp Ngọc Hồi - huyện Thanh Trì – TP.Hà Nội Tel: (84 24) 36840070 Fax: (84 28) 36892198 Email: vocationaltrainingcenter@vanlaack.com.vn |
Lệ Thanh