Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên “luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy”(1).

Góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ (bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ngày 1-3-1923, tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào tháng 12-1939, khi mới 16 tuổi.

Trưởng thành từ phong trào cách mạng của quê hương Quảng Bình, được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tiếp thu đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên sớm nhận thức rõ vai trò của chiến tranh nhân dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Chiến khu Trung Thuần làm căn cứ cho cuộc kháng chiến trên địa bàn, đẩy mạnh thành lập các đơn vị bộ đội của huyện, các đơn vị du kích tập trung của xã làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Đồng chí đã chỉ đạo chọn một số làng ở vị trí có địa hình hiểm yếu, huy động nhân dân xây dựng làng chiến đấu. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, lực lượng vũ trang phát triển, làng chiến đấu được hình thành đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, huy động toàn dân đánh giặc, khôi phục được phong trào kháng chiến trên địa bàn, hạn chế tổn thất trước sự tiến công ồ ạt của kẻ thù; tổ chức được trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại, phải bỏ cuộc tiến công vào Chiến khu Trung Thuần (15-4-1947).

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn_Ảnh: TTXVN

Cuối năm 1947, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được giao trọng trách Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Trên cương vị mới, đồng chí cùng Ban Chỉ huy Tỉnh đội đề ra chủ trương rút cán bộ xã đội, chỉ huy du kích có năng lực tăng cường cho các xã yếu, địa bàn xung yếu; củng cố các đơn vị bộ đội của huyện và tỉnh, xây dựng cụm làng chiến đấu liên hoàn, tạo lực lượng và thế trận vững chắc cho cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Bình, với những làng chiến đấu điển hình, như: Cảnh Dương, Hoàn Lão, Cự Nẫm,…

Giữa năm 1949, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được giao chức vụ Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Đồng chí đã cùng Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo quân và dân tiếp tục củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh tiến công địch, lấy ngày 15-7-1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”, phát động quân và dân trong tỉnh đánh mạnh vào hệ thống đồn bốt của địch, kết hợp tiêu hao tiêu diệt địch từ quy mô nhỏ đến vừa; xóa bỏ hệ thống tháp canh, đồn hương vệ, ban hội tề, tạo bước phát triển mới cho phong trào kháng chiến ở Quảng Bình.

Với những thành công trong chỉ đạo phong trào kháng chiến ở quê nhà, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động ra Bộ Tổng Tư lệnh, là phái viên của các chiến dịch, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung - Hạ Lào. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, từ năm 1956 đến năm 1960, đồng chí giữ các chức vụ Cục phó rồi Cục trưởng Cục Động viên và Dân quân, đồng chí đã lãnh đạo cơ quan hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu chiến lược về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, trong đó tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân từ Trung ương đến cơ sở ngày càng vững chắc.

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ hậu phương miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo Cục Động viên và Dân quân tổng kết quá trình thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ, xác định rõ nhiệm vụ của dân quân tự vệ trong giai đoạn cách mạng mới là bảo vệ an ninh, trật tự; sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; là lực lượng hậu bị, khi xảy ra chiến tranh thì bổ sung vào bộ đội chủ lực, cùng bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu với những hình thức nhất định. Cùng với đó, đồng chí đã chỉ đạo Cục Động viên và Dân quân phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xây dựng Luật Nghĩa vụ quân sự và tiến hành thí điểm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để triển khai ra diện rộng trên toàn miền Bắc.

Đồng thời, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần giúp Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo chuyển từ chế độ tự nguyện tòng quân sang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, góp phần xây dựng bộ đội chính quy ngày càng hùng mạnh, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, tạo nên lực lượng quan trọng trong thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng, tạo nguồn lực lượng dự bị quan trọng cho quá trình đấu tranh, thống nhất nước nhà.

Góp phần xây dựng đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (năm 1967 đến năm 1976), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên thể hiện rõ phẩm chất của một nhà chính trị, quân sự quyết đoán, mưu lược. Đồng chí có những quyết định đúng đắn trong công tác  chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là người sâu sát thực tiễn, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã đi thực địa từng tuyến đường, tận mắt quan sát mọi diễn biến “địch đánh, ta sửa ta đi”, đồng chí cho rằng cách làm này không hiệu quả vì sửa đường mất nhiều công sức. Bằng tư duy của một nhà chính trị, quân sự mưu lược, từ sự phân tích khoa học và thực tiễn nhiệm vụ đặt ra, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đưa ra nhận định, địch đã chuyển từ cuộc chiến tranh phá hoại sang cuộc chiến tranh ngăn chặn tổng hợp ác liệt nhất bằng không quân, bộ binh, phương tiện điện tử, hóa học,... tạo thành nhiều trọng điểm, tập đoàn trọng điểm. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và các lực lượng phục vụ khác có tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, nhưng do chủ trương chỉ đạo lấy phòng tránh là chính, nên không dám làm đường ban ngày, không dám bám đường, không dám lợi dụng tất cả sơ hở của địch (2), thể hiện sự thụ động trong thực thi nhiệm vụ.

Trên cơ sở nắm bắt những thế mạnh cơ bản và những hạn chế của lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược, cũng như ưu thế và những hạn chế của địch, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã khẳng định tư tưởng chỉ đạo của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là tư tưởng tiến công. Với đồng chí, khi đối phương đã thay đổi chiến lược, nếu chúng ta không có sự thay đổi, vượt lên khó khăn thì số hàng vận chuyển được không đủ cho đội ngũ làm công tác vận tải chi viện cho chiến trường. Bởi vậy, tổ chức vận tải cơ giới quy mô lớn là con đường phát triển tất yếu, là yếu tố sống còn của tuyến chi viện chiến lược.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo nắm vững quy luật thời tiết, đặc điểm khí hậu của Trường Sơn, quy luật đánh phá của địch,... từ đó nhanh chóng “đá hóa” mặt đường. Hơn nữa, phải khắc phục tình trạng độc tuyến, trong lúc chờ sửa chữa, tất cả xe vận tải đều bị đình trệ, có khi cả tháng không đưa hàng tới chiến trường. Do đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo cùng với “đá hóa” đường chính, phải mở đường phụ, đường tránh, đường nhánh; kiên quyết xóa thế độc đạo. Từ vận chuyển ban đêm đến tổ chức ô tô chạy lấn sáng, lấn chiều; rồi làm đường kín, tiến tới chủ động đánh địch để chạy ban ngày, từ đơn thuần đường bộ, kết hợp vận tải đường sông. Chỉ đạo táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần phát triển tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thành một hệ thống với hàng trăm ngả, như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” có tổng chiều dài hơn 17.000km, gồm mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, trải trên địa bàn rộng 132.000km2, xuyên qua 21 tỉnh của ba nước (Việt Nam - Lào - Campuchia), trở thành nơi tập kết hàng hóa, xe vận tải, binh chủng kỹ thuật, bộ binh hành quân bổ sung cho chiến trường, là nơi nối tất cả các chiến trường, nơi điều trị, điều dưỡng thương bệnh binh; huấn luyện bộ đội; bảo đảm kỹ thuật xe - máy, pháo; là nơi trú quân của bộ đội chủ lực các chiến trường khi gặp khó khăn, là nơi đóng sở chỉ huy, cơ quan đầu não một số chiến trường; là bàn đạp chuẩn bị các chiến dịch tiến công, “tạo thành một hệ thống căn cứ địa - hậu phương liên hoàn, ngày càng rộng lớn, vững chắc”(3).

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho rằng, muốn làm tốt nhiệm vụ chi viện thì trước hết Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phải có đủ sức chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn do không quân và bộ binh Mỹ thực hiện. Theo đó, phải hiệp đồng binh chủng, bảo vệ tuyến vận tải cơ giới để vừa chi viện, vừa đẩy lui địch trên chiến trường. Đồng chí đã vận dụng tư tưởng tiến công và nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường, khắc phục tư tưởng phòng, tránh tiêu cực để vận tải cơ giới quy mô lớn thành công. Đồng chí chỉ đạo các lực lượng trên tuyến phải chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong thế trận hiệp đồng binh chủng.

Với lực lượng phòng không, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên xác định nhiệm vụ hiệp đồng bảo vệ tuyến vận tải quân sự là bảo vệ trục đường vận chuyển và các mục tiêu vận chuyển như xe, hàng, kho... Theo đó, các trận địa phòng không được thiết lập ngay trên trọng điểm đánh phá của địch, phải “quay nòng pháo theo bánh xe” để đánh địch, bảo vệ đội hình vận tải. Kết hợp chốt trận địa tại các trọng điểm với cơ động phục kích. Kết hợp hỏa lực binh chủng chủ lực, kể cả tên lửa với hỏa lực tầm thấp của lực lượng tại chỗ, tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều vòng; nơi nào, lúc nào cũng đánh được máy bay địch. Ở những trọng điểm ác liệt, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên điều động lực lượng pháo cao xạ, tên lửa đến bảo vệ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường và đã quyết định chuyển cách đánh từ chỗ đánh máy bay bằng các trận địa cố định ở các trọng điểm sang kết hợp trận địa cố định với cơ động phục kích, chuyển từ đánh bằng lực lượng cao xạ các cỡ sang kết hợp với tên lửa hiện đại, khiến địch không thể ngang nhiên đánh phá. Đây chính là sự phối hợp tiến công tích cực của lực lượng phòng không chi viện đắc lực cho hành động kiên quyết và liên tục tiến công của lực lượng vận tải.

Quán triệt và thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chuyển hẳn cơ quan Bộ Tư lệnh sang chỉ huy hiệp đồng binh chủng; chỉ thị các binh trạm phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu của binh chủng hợp thành. Lực lượng bộ binh, công binh bám sát đội hình vận chuyển, vận chuyển hàng trong thế trận hiệp đồng binh chủng, không “đơn phương, hở sườn”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống thông tin dây bọc đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Lực lượng thông tin liên lạc, lực lượng hậu cần - kỹ thuật là những khâu công tác có liên quan, tác động trực tiếp đến hành động kiên quyết và liên tục tiến công của lực lượng vận tải, do vậy, đồng chí yêu cầu các lực lượng phải sáng tạo ra những biện pháp thích hợp để làm cho thông tin liên lạc thông suốt, làm cho bộ đội khỏe, vũ khí phương tiện kỹ thuật tốt, kho tàng được an toàn và sẵn sàng xếp dỡ được nhanh chóng, chính xác. Lực lượng thông tin liên lạc được xây dựng rộng khắp, bảo đảm thông tin chỉ huy đồng bộ, liên tục, kịp thời, bí mật, an toàn.

Trước yêu cầu bảo đảm xăng dầu cho chiến trường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh 559 đề nghị Quân ủy Trung ương cho phép tổ chức lực lượng khảo sát thi công, xây dựng tuyến đường ống dài khoảng 1.400km xuyên suốt Trường Sơn từ hậu phương miền Bắc vào tới chiến trường xa nhất là miền Đông Nam Bộ. Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và Bộ Tư lệnh được Quân ủy Trung ương phê duyệt. Nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống hiện đại và quy mô trong điều kiện vô cùng phức tạp về địa hình, thời tiết, sự đánh phá ác liệt của địch, đòi hỏi phải huy động nhân lực, vật lực khổng lồ là vấn đề rất lớn và khó khăn. Tuy vậy, với tài thao lược của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã đưa đường ống xăng dầu nối từ hậu phương miền Bắc vào đến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Với việc đưa tuyến đường ống xăng dầu vào sử dụng, ta có thêm một phương thức vận chuyển, đáp ứng vận tải cơ giới quy mô lớn và cơ động lực lượng binh chủng; tiết kiệm thời gian, hạn chế tác hại đánh phá của địch. “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn” (4).

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27-1-1973), nhằm tạo thế và lực mới cho tuyến chi viện chiến lược, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã đề xuất Quân ủy Trung ương cho xây dựng đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn, chỉ đạo đưa toàn bộ lực lượng công binh "lật cánh" sang phía đông để đẩy nhanh tiến độ, cùng với đó là củng cố các sư đoàn, trung đoàn vận tải ô tô, sẵn sàng cho tổng công kích giành toàn thắng. Đường Trường Sơn Đông và lực lượng vận tải ô tô của Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kịp thời cơ động lực lượng đáp ứng yêu cầu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, “Bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự - cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực, nhanh chóng đè bẹp mọi sự phản kháng của kẻ thù, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng” (5).

Trên cương vị Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, bằng tài trí, chỉ huy của nhà chính trị, quân sự mưu lược, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng Bộ đội Trường Sơn xây dựng nên nghệ thuật chỉ đạo và thực hành hoạt động vận tải sáng tạo, linh hoạt; “các chiến dịch vận tải” được thực hiện bằng việc tiến hành vận chuyển hiệp đồng quy mô lớn, kết hợp với chiến đấu chống địch ngăn chặn, tăng cường đánh địch trên không, mặt đất, bảo vệ tuyến đường và hành lang vận tải theo kế hoạch thống nhất. Đây là nét độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, một biểu hiện cụ thể của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam vào điều kiện chiến trường Trường Sơn, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. “Đồng chí đã có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các mặt trận phía Nam. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với chiến trường Trường Sơn, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc”(6).

Nhà chính trị, quân sự mẫu mực, hết lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ.

Là một cán bộ trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng từ cơ sở, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã sớm rèn luyện cho mình tác phong làm việc sâu sát, mẫu mực trong nhiệm vụ chính trị, quân sự. Đồng chí luôn nhắc nhở “liên hệ kiểm thảo cá nhân triệt để, thẳng thắn, công khai, tiến hành tự phê bình và tập thể phê bình, lấy tự phê bình là chủ yếu”(7).

Với vai trò phái viên của Bộ tham gia Đảng ủy Chiến dịch Trung - Hạ Lào trong chiến cục Đông - Xuân (năm 1953 đến năm 1954), đồng chí đã “đi sâu công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ…; góp ý với Đảng ủy Mặt trận hết sức tôn trọng, củng cố mối đoàn kết giữa ta và bạn”(8). Đồng chí đề nghị các đơn vị “ngăn ngừa những biểu hiện thỏa mãn, tự kiêu, tự đại, thắng trận rồi càng phải chú ý công tác dân vận, chú ý quan hệ với nhân dân và bộ đội bạn”(9). Với sự đóng góp của Đặc phái viên Đồng Sỹ Nguyên, dù hoạt động trên đất bạn, xa hậu phương, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, nhưng các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam giữ vững mối quan hệ đoàn kết quốc tế, luôn tôn trọng lợi ích, phong tục, tập quán của nhân dân nước bạn, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ gắn bó với cách mạng Việt Nam. Đồng chí là một vị tướng đa tài, không chỉ đảm nhiệm các lĩnh vực chính trị, quân sự, hậu cần, cung cấp..., mà còn quan tâm giúp đỡ cách mạng Lào trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1965, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Nam Lào (Đoàn 565). Trên cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn 565 chú trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, giúp đảng viên, cán bộ, chiến sĩ thông suốt và nhất trí cao với chủ trương, nhiệm vụ giúp bạn; thực sự gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế vô tư, trong sáng, coi sự nghiệp cách mạng của bạn cũng như của Việt Nam. Đồng chí thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa bộ đội ta với quân và dân Lào, quán triệt tinh thần đồng cam cộng khổ, cùng quân và dân nước bạn chiến đấu, công tác, sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế theo yêu cầu của bạn. Quán triệt chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo chuyên gia ở các đơn vị giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần; giúp bạn xây dựng các phương án tác chiến, phối hợp với quân tình nguyện tại chỗ đánh địch. Đồng thời, giúp bạn củng cố, phát triển lực lượng, tăng cường cán bộ; tuyên truyền xây dựng cơ sở quần chúng ở những vùng sau lưng địch, tổ chức một số đội công tác cơ sở và đơn vị đặc công đẩy mạnh hoạt động ở các địa bàn trọng điểm.

Trong những năm tháng lăn lộn trên tuyến lửa Trường Sơn khốc liệt, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo các lực lượng trên tuyến phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, các tuyến phía sau; giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang; phối hợp với Quân khu Trung - Hạ Lào, quân và dân Đông - Bắc Campuchia xây dựng thành công tuyến chi viện chiến lược, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu ba dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn, đồng thời là căn cứ chiến lược cách mạng Nam Đông Dương. Đây là nhân tố quan trọng tạo điều kiện duy trì, phát triển thế và lực cách mạng ở mỗi nước đi đến thắng lợi. Để có được thành công đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ quán triệt phương châm “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, phát huy tình đoàn kết quốc tế trong sáng, giúp đỡ bạn chân thành, vô tư, hiệu quả, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phía bạn, tạo điều kiện cho Bộ đội Trường Sơn hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm đến đồng chí, đồng đội. Trong đạn bom ác liệt, đồng chí luôn có mặt tại trọng điểm, trên từng cung đường, quan tâm đến bảo đảm an toàn, bảo đảm hậu cần cho cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược. Sự có mặt của đồng chí là nguồn động viên, tạo sự tin tưởng để Bộ đội Trường Sơn vượt qua gian khổ, hy sinh, làm nên con đường huyền thoại trong cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đồng cảm với nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Từ giữa năm 1974, khi chiến tranh chưa kết thúc, ông đã đề xuất và chọn địa điểm để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tại Bến Tắt làm nơi quy tập, an nghỉ của các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh. Nghĩa trang Trường Sơn đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, nhắc nhở các thế hệ con cháu hiện nay và mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta. Đó cũng chính là sự tri ân, thể hiện tình cảm sâu sắc, trọn nghĩa vẹn tình với những đồng chí, đồng đội, những anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị, trọng trách; trong điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân; đồng thời, đồng chí cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với quê hương Quảng Bình, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu với Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà với mong muốn đưa Quảng Bình ngày càng phát triển giàu mạnh./.

--------------------------

(1) Điếu văn do Thủ tướng Chính phủ đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ngày 10-4-2019 
(2) Xem: Bộ Quốc phòng: Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn - Khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 363
(3) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 228
(4) Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2022, tr. 31 - 32
(5) Đồng Sỹ Nguyên: Trọn một con đường, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr. 517
(6) Điếu văn do Thủ tướng Chính phủ đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ngày 10-4-2019
(7), (8), (9) Đồng Sỹ Nguyên: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với cả cuộc đời, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2014, tr. 193, 200, 200

TS LÊ HUY VỊNH - Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng