Bảo hiểm nhân thọ có tốt không?
Bảo hiểm có chức năng cốt lõi là bảo vệ rủi ro. Bằng phương pháp chuyển giao rủi ro, bảo hiểm thực hiện với nguyên tắc lấy số đông bù cho số ít. Vì vậy, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chủ yếu sẽ có giá trị khi người mua tử vong hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như: ung thư, liệt toàn thân…
Lấy ví dụ, một sản phẩm bảo hiểm của công ty A. Khi người mua 25 tuổi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giá trị 500 triệu đồng. Mức phí đóng là 13,5 triệu/năm và đóng phí trong vòng 10 năm, thời gian hợp đồng đến lúc 75 tuổi.
Giả sử người mua tử vong, bảo hiểm sẽ chi trả 500 triệu đồng cộng các lãi suất nếu có. Lợi ích này bắt đầu kể từ khi người mua ký hợp đồng. Nếu người mua là người chồng, lao động chính trong nhà, điều này giúp cho người vợ được an tâm về tài chính, có thể tiếp tục nuôi con… Đây chính là ý nghĩa nhân văn và giá trị tốt nhất của bảo hiểm.
Bảo hiểm có thêm chức năng tích lũy. Tùy theo các hợp đồng bảo hiểm mà giá trị tích lũy khác nhau.
Nếu hợp đồng như trên, tổng số tiền đóng cho bảo hiểm là 135 triệu đồng. Nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm (tử vong, ung thư…), khi đáo hạn hợp đồng vào năm 75 tuổi, người mua có thể sẽ nhận được 2,2 tỷ. Nghĩa là sau 50 năm số tiền gửi sẽ sinh lãi tùy theo mức độ làm ăn của công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, thị trường bảo hiểm còn phát triển rất nhiều sản phẩm bổ trợ, thêm những quyền lợi về thai sản, nghỉ hưu, học hành cho con. Nhưng thực chất đây chỉ là những lợi ích đi kèm do nhu cầu khách hàng ngày càng cao và yêu cầu bảo vệ nhiều hơn.
Những quyền lợi bổ trợ này thông thường chỉ được các công ty bảo hiểm bảo vệ trong phạm vi hẹp. Họ chỉ tung ra các quyền lợi bổ trợ và nhấn mạnh vào các lợi ích này để thu hút khách hàng, làm cho nhiều người quên đi rằng mục đích và ý nghĩa chính của bảo hiểm là bảo vệ rủi ro.
Đóng tiền vào các công ty bảo hiểm có an toàn không?
Đây là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn nhất. Nếu công ty bảo hiểm phá sản thì hợp đồng sẽ tính như thế nào?
Xét về năng lực, các công ty bảo hiểm thường có quy mô toàn cầu với nguồn tài chính rất lớn. Hơn nữa, các công ty bảo hiểm đã tồn tại nhiều năm không dễ gì có thể phá sản.
Xét về quy định, các công ty bảo hiểm luôn phải trích ra một nguồn quỹ rủi ro đủ lớn theo quy định của Bộ tài chính, đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng. Số tiền các công ty bảo hiểm thu được có phần lớn được dùng để mua trái phiếu chính phủ.
Mặt khác, toàn bộ các hoạt động của công ty bảo hiểm nằm dưới sự quản lý, phê duyệt của bộ tài chính.
Nếu như vẫn phá sản mà không đủ chi cho khách hàng thì sao? Câu trả lời là tất cả các hợp đồng bảo hiểm đều có Bộ tài chính quản lý. Khi xảy ra sự cố, Bộ tài chính có trách nhiệm xử lý, chuyển hợp đồng của người mua sang cho công ty bảo hiểm khác.
Những lưu ý khi mua bảo hiểm
Như đã nói ở trên, các công ty luôn nhấn mạnh vào các lợi ích bổ trợ hoặc lợi ích tích lũy. Họ hướng đến những mong muốn, nhu cầu thực sự của khách hàng: an nhàn khi về hưu, có tiền cho con du học sau khi con 18 tuổi…
Nhưng những lợi ích này thường có phạm vi hạn hẹp, nhiều điều khoản loại trừ mà các nhân viên tư vấn đều nói rất qua loa.
Các nhân viên tư vấn bảo hiểm thường xuyên đề cập đến việc sau khi đáo hạn hợp đồng người mua sẽ có một số tiền lớn. Đây chính là lợi ích tích lũy của bảo hiểm. Tuy nhiên, lợi ích tích lũy này còn phụ thuộc vào tình hình làm ăn của các công ty bảo hiểm.
1. Bảo vệ hay tích lũy là cốt yếu ?
Hãy xác định rõ bảo hiểm là để bảo vệ rủi ro. Khi một năm qua đi mà bạn không bị bệnh gì, con bạn và bố mẹ khỏe mạnh thì hãy cảm ơn cuộc đời này đã cho mình và gia đình một năm bình an. Hãy quên số tiền đóng ấy đi, như một số tiền phí bảo vệ gia đình bạn suốt 1 năm qua. Như vậy mới không nảy sinh những thất vọng.
Nếu muốn tích lũy, nên gửi tiết kiệm ngân hàng. Lãi suất ngân hàng luôn được đảm bảo, có thể rút tiền bất cứ lúc nào.
Xác định đúng lợi ích mà mình mong muốn là điều quan trọng nhất khi quyết định ký một hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, đừng bao giờ chỉ vì lợi ích tích lũy mà tham gia bảo hiểm.
2. Phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân
Nhiều người đóng bảo hiểm rồi dẫn đến tình trạng “đứt gánh giữa đường” vì không còn khả năng tài chính để đóng. Khi muốn lấy lại số tiền thì lấy được quá ít so với số tiền mình đã nộp cho công ty bảo hiểm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do người mua không xác định rõ mục đích tham gia bảo hiểm và xác định không đúng khả năng tài chính của mình.
3. Nắm rõ điều kiện và điều khoản loại trừ của bảo hiểm
Thông thường trong bảo hiểm nhân thọ có 3 người tham gia vào một hợp đồng:
Người đóng bảo hiểm
Người được bảo hiểm
Người thụ hưởng
Ví dụ, một hợp đồng bảo hiểm do ông mua cho cháu, nếu cháu không may tử vong, số tiền bảo hiểm sẽ do cha đứa bé nhận. Như vậy, người đóng bảo hiểm là ông, người được bảo hiểm là cháu, người thụ hưởng là cha đứa bé.
Thông thường cha mẹ hay mua bảo hiểm cho con cái trước. Nhưng theo đúng chức năng bảo vệ rủi ro của bảo hiểm, nên bảo vệ cho người nào có thu nhập cao nhất trong gia đình.
Thời gian đóng phí: Là thời gian cần đóng tiền bảo hiểm, thông thường từ 10 – 20 năm. Sau thời gian này, người đóng bảo hiểm không cần đóng nữa, các quyền lợi được giữ nguyên và số tiền lãi tiếp tục gia tăng cho đến khi hết hạn hợp đồng.
Thời hạn hợp đồng: Thông thường với bảo hiểm nhân thọ, thời hạn hợp đồng kéo dài khi người được bảo hiểm 70 – 75 tuổi. Tức là sau thời gian này, công ty bảo hiểm sẽ trả cả vốn lẫn lãi. Lúc này, số tiền lấy về sẽ lớn hơn rất nhiều so với số tiền đóng.
Giá trị hoàn lại: Trong bảng minh họa quyền lợi kèm trong hợp đồng, có mục Giá trị hoàn lại. Nghĩa là trong trường hợp bạn muốn rút tiền về, giá trị hoàn lại là số tiền bạn sẽ nhận được.
Ví dụ, người mua bắt đầu tham gia đóng phí khi 25 tuổi, mỗi năm đóng 13,5 triệu. Vào năm thứ năm, khi người mua 30 tuổi đã đóng được 67,5 triệu muốn rút tiền về, số tiền nhận được là khoảng 10,3 triệu đồng. Vào năm thứ mười, khi người mua 35 tuổi đã đóng được 135 triệu, số tiền khi rút về sẽ là 71,5 triệu.
Bảo tức tích lũy minh họa: Trong bảng minh họa quyền lợi, là phần bảo tức tích lũy minh họa – số tiền lãi dự kiến của công ty bảo hiểm. Số tiền lãi có thể thấp hơn hoặc cao hơn trong bảng minh họa tùy vào tình hình kinh doanh của công ty. Hiện nay, các công ty bảo hiểm đang chi trả khá phù hợp với lãi suất dự kiến.
Quyền lợi bảo hiểm đảm bảo: Chắc chắn được nhận khi xảy ra rủi ro.
4. Nên thật thà khi khai thông tin
Thông thường người càng trẻ, ít bệnh tật thì số tiền đóng bảo hiểm càng thấp cho cùng một giá trị hợp đồng. Vì vậy công ty thường yêu cầu khách hàng đi khám sức khỏe.
Tuy nhiên, việc khám sức khỏe chưa phát hiện được 100% các bệnh của khách hàng. Do đó, có khách hàng cố tình giấu bệnh của mình, kê khai không trung thực. Điều này là không nên. Vì khi công ty bảo hiểm điều tra lại, bạn có thể sẽ mất nhiều tiền hơn.
5. Tìm người tư vấn có kiến thức
Với chủ trương lấy khách hàng làm đại lý, việc đào tạo nhân viên tư vấn không được các công ty bảo hiểm chú trọng. Vì vậy, không khó hiểu khi bắt gặp những tư vấn viên thậm chí còn chẳng biết rõ toàn bộ những điều khoản của hợp đồng. Họ cố tình vẽ ra cho khách hàng những lợi ích về tích lũy (không chắc chắn) trong tương lai mục đích cốt yếu là cho khách hàng ký vào hợp đồng và hưởng hoa hồng.
Vì vậy, hãy tìm cho mình một tư vấn viên có kiến thức, hiểu biết về bảo hiểm để giúp bạn lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của bản thân.
Theo Pháp luật & Bạn đọc/ Gia đình & Xã hội