Bộ GD-ĐT cho biết Trường ĐH Văn Lang phải có trách nhiệm cấp lại hàng trăm bằng tốt nghiệp của sinh viên ra trường đợt tháng 3/2016.

Hơn 500 tân cử nhân của Trường ĐH Văn Lang đang lo ngại về giá trị pháp lý của tấm bằng tốt nghiệp mà họ mới nhận được.

Hơn 500 bằng tốt nghiệp ký sai quy định

Tháng 10/2015, Trường ĐH dân lập Văn Lang đã hoàn thành các thủ tục chuyển đổi sang loại hình ĐH tư thục và đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.

Đến tháng 2/2016, HĐQT nhà trường đã ra quyết định cử ông Nguyễn Đắc Tâm làm hiệu trưởng tạm quyền điều hành hoạt động nhà trường từ ngày 22/1 - 22/4. Sau đó, HĐQT cũng đã gửi công văn về UBND TP.HCM đề nghị công nhận hiệu trưởng đối với ông Tâm nhưng chưa có phản hồi. Ngày 22/4, chủ tịch HĐQT ký Quyết định số 74QĐ/VL-HĐQT tiếp tục cử ông Nguyễn Đắc Tâm làm hiệu trưởng tạm quyền từ ngày 23/4 - 22/7.

Trong quãng thời gian trên, tháng 3/2016, ông Nguyễn Đắc Tâm đã ký trên 500 bằng tốt nghiệp cho sinh viên với tư cách là quyền hiệu trưởng.

{keywords}
Bằng tốt nghiệp do ông Nguyễn Đắc Tâm ký

Tuy nhiên, khi soi chiếu với Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD-ĐT ban hành, thì bằng tốt nghiệp ĐH phải do hiệu trưởng trường ĐH cấp. Trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì cấp phó được giao phụ trách cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận là người ký cấp văn bằng, chứng chỉ.

Vì vậy, nhiều sinh viên và phụ huynh băn khoăn rằng việc ông Tâm ký bằng tốt nghiệp như thế có đúng không, và tấm bằng họ vừa nhận được có giá trị không?

Ngày 14/7, ông Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho VietNamnet biết rằng việc này đã được HĐQT của trường giải thích.

Cụ thể, theo ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Văn Lang thì trong thời gian chờ UBND TP.HCM công nhận hiệu trưởng, HĐQT đã quyết định cử ông Nguyễn Đắc Tâm làm hiệu trưởng tạm quyền để điều hành các hoạt động và ký các văn bằng cho người học theo quy định. HĐQT nhà trường đã nhất trí cử ông Nguyễn Đắc Tâm ký 520 bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên đến hạn được cấp bằng đợt tháng 3/2016.

Trước khi cử ông Nguyễn Đắc Tâm ký bằng, Đầu tháng 2/2016, Chủ tịch HĐQT nhà trường đã có công văn gửi Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT hỏi về việc thẩm quyền ký bằng tốt nghiệp. Tới ngày 21/2 trường vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Ngày 22/2, trường đã gọi điện trực tiếp tới Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) để xin ý kiến. Tới ngày 23/2, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế là ông Nguyễn Đức Cường gọi điện thoại lại lãnh đạo trường cho biết Vụ Pháp chế đã nhận được công văn, và ông Nguyễn Đắc Tâm có quyền ký bằng tốt nghiệp, nếu trong quyết định cử hiệu trưởng tạm quyền của HĐQT nhà trường giao cho ông Tâm thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, sau vài tháng, trường nhận được văn bản do bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ pháp chế ký ngày 29/6.

Văn bản này khẳng định rằng: “Bằng tốt nghiệp đại học do hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện được phép đào tạo trình độ đại học cấp. Trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì cấp phó được giao phụ trách cơ quan có thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ là người ký cấp văn bằng, chứng chỉ.

Khi Trường ĐH Văn Lang chưa có hiệu trưởng, để đảm bảo hoạt động bình thường của trường, HĐQT có thẩm quyền cử một phó hiệu trưởng phụ trách điều hành các hoạt động của nhà trường và ký cấp bằng.

Việc cử ông Nguyễn Đắc Tâm làm hiệu trưởng tạm quyền theo quyết định của HĐQT Trường ĐH Văn Lang và việc ông Nguyễn Đắc Tâm ký cấp bằng tốt nghiệp ĐH cho sinh viên với chức danh “Q.Hiệu trưởng” là không phù hợp. Vì không có văn bản pháp luật nào quy định về chức danh “Hiệu trưởng tạm quyền” và “ Quyền hiệu trưởng””.

Bà Dung đề nghị, Trường ĐH Văn Lang sửa tên và nội dung của quyết định của HĐQT thành: “Cử ông Nguyễn Đắc Tâm - Phó hiệu trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Trường ĐH Văn Lang trong khi Trường chưa có hiệu trưởng.

Khi ký cấp bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên, ông Nguyễn Đức Tâm ký với chức danh “KT. Hiệu trưởng - Phó hiệu trưởng”.

Trong văn bản này, bà Dung cũng đưa ra quan điểm về việc HĐQT Trường ĐH Văn Lang đề nghị UBND TP.HCM công nhận ông Nguyễn Đức Tâm chức danh hiệu trưởng.

Bà Dung cho rằng, “Theo Điểm b Khoản 2 điều 20 Luật GDĐH quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng ĐH, giám đốc học viện, đại học phải có trình độ tiến sĩ. Khoản 1, Điều 25 quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định  hiệu trưởng trường tư thục phải đảm bảo tiêu chuẩn điều 20 Luật Giáo dục Đại học.

Theo báo cáo của Trường ĐH Văn Lang, ông Nguyễn Đắc Tâm có bằng tiến sĩ do Trường ĐH Nam Califonia cấp, hiện đang đề nghị Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét công nhận văn bằng.

Vì vậy trong khi bằng tiến sĩ của ông Tâm chưa được công nhận thì ông Tâm chưa đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng theo quy định. Việc HĐQT bầu ông Tâm làm hiệu trưởng và đề nghị UBND TP.HCM công nhận hiệu trưởng đối với ông Tâm là chưa đúng quy định”.

{keywords}
Trường ĐH Văn Lang

Trường có trách nhiệm cấp lại bằng tốt nghiệp

Chiều ngày 14/7, trả lời VietNamNet về việc xử lý số văn bằng do ông Nguyễn Đắc Tâm ký, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT cho biết điều này đã có Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp quy định. Cụ thể là “Trường hợp văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học nhưng phát hiện bị viết sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan đã cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cấp lại cho người học”.

Bà Kim Dung khẳng định “Trường ĐH Văn Lang có trách nhiệm cấp lại văn bằng cho người học theo quy định”.

Trước những băn khoăn về việc trong trường hợp bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Đắc Tâm không được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục công nhận thì những văn bằng do ông Nguyễn Đắc Tâm ký tên cấp cho sinh viên có giá trị pháp lý không, bà Dung cũng viện dẫn Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân để giải thích.

Theo đó, Điểm c khoản 1 Điều 19 và khoản 2 Điều 23 của quy chế này quy định: “Bằng tốt nghiệp đại học do hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện được phép đào tạo trình độ đại học cấp”; “Trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì cấp phó được giao phụ trách cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ là người ký cấp văn bằng, chứng chỉ”.

Đối với trường hợp của Trường ĐH Văn Lang, bà Dung giải thích rằng trong khi Trường ĐH Văn Lang chưa có hiệu trưởng, để bảo đảm hoạt động bình thường của nhà trường, hội đồng quản trị nhà trường đã cử ông Nguyễn Đắc Tâm phó hiệu trưởng phụ trách điều hành các hoạt động của nhà trường và ký cấp văn bằng. “Do đó, các văn bằng do ông Nguyễn Đắc Tâm ký với chức danh phó hiệu trưởng ở thời điểm nhà trường chưa có hiệu trưởng là có giá trị pháp lý”.

Giải thích về câu trả lời của ông Nguyễn Đức Cường, bà Kim Dung cho rằng: "Trường ĐH Văn Lang hỏi ông Nguyễn Đắc Tâm được giao quyền hiệu trưởng có được ký bằng không, nhưng trường lại không hỏi việc phải ký với chức danh nào. Vì vậy câu trả lời của Phó vụ trưởng Nguyễn Đức Cường với nhà trường như vậy là đúng, vì một phó hiệu trưởng được giao quyền thì được ký cấp bằng tốt nghiệp”.

Lê Huyền – Ngân Anh