Trong bộ bốn tranh tường với bốn chủ đề: Triết học, Thần học, Luật học và Thơ- Ca- Nhạc- Họa của danh họa Rafael (1483- 1520) ở Tòa thánh Vatican, thì bức “The School of Athens”- Trường học Athens- tác phẩm biểu tượng của Mỹ Thuật Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân tạo AIWS, chủ đề Triết học, hơn 500 năm sau vẫn được bàn luận và giải mã những thông điệp và mang đến nhiều cảm xúc đến khách thưởng lãm, trong đó có tôi.

Có một sự choáng ngợp ban đầu khi ngắm bức bích họa “Trường học Athens”, không hẳn từ chi tiết sắc xảo tinh tế từng nét vẽ sinh động, hay thời gian phủ trên màu sắc tạo nên cảm giác lộng lẫy kỳ ảo bàng bạc, mà còn là từ hình ảnh những vĩ nhân của nhân gian có mặt trong tranh, mang theo lịch sử tri thức nhân loại như một cuốn từ điển đặc biệt và độc đáo.

{keywords}
 

Trước khi chia sẻ cảm xúc về bức bích họa này, có một chút giới thiệu sơ lược về tác phẩm.

Theo tư liệu về bức tranh, thì danh họa Rafael vẽ nó trong 2 năm 1509-1510 khi được Giáo hoàng Julius II yêu cầu trang hoàng Tòa thánh Vatican. Đây là bức tranh được Rafael tưởng tượng về một ngôi trường Athens quy tụ toàn bộ những vĩ nhân của nhân lọai, không chỉ của châu Âu mà còn của một số quốc gia châu lục khác như Ba Tư cổ đại, Hồi giáo thời Trung cổ, trong các ngành triết gia, toán học, vật lý học, khoa học nổi tiếng, với những phát minh, công trình đặt nền móng cho sự phát triển mọi mặt của thế giới loài người.

Trong tranh có 21 nhân vật, chỉ có hai triết gia Plato và Aristotle là đúng với “nhân diện”, còn lại các nhân vật khác chỉ là “phỏng đoán”: Zeno of Citium, Epicuru, Raphael tự họa?, Boethius, Anaximander (có thể là Empedocles?), Averroes, Pythagoras, Alcibiades (Alexander the Great?), Antisthenes (Xenophon, Timon?), Raphael (Francesco Maria della Rovere?), Aeschines (Xenophon?), Parmenides (Leonardo da Vinci?), Socrates? Heraclitus? Michelangelo?, Plato (Leonardo da Vinci?), Aristotle (Giuliano da Sangallo?), Diogenes of Sinope, Plotinus (Donatello?), Euclid (Archimedes with students Bramante?), Strabo (Zoroaster? Baldassare Castiglione?), Ptolemy, Protogenes (Il Sodoma, Perugino, Timoteo Viti?).

Rafael đã sử dụng kỹ thuật vẽ chiều sâu để mở rộng không gian và nghệ thuật phối cảnh làm nổi bật hình ảnh những nhân vật trung tâm. Ngoài ra, ông sử dụng kỹ thuật “giải phẫu học” của Michelangelo để khắc họa từng chi tiết vẻ đẹp cơ thể của mỗi nhân vật, kết hợp nghệ thuật sử dụng ánh sáng theo phương pháp của Leonardo de Vinci làm bức bích họa chan hòa ánh sáng.

Tâm điểm của bức tranh, và cũng là cảm hứng khi ngắm bức tranh là hai nhân vật chính, hai triết gia Hy Lạp cổ đại, “tổ” của nền triết học nhân loại: Plato (427-347 TCN), tay phải hướng lên trên, tay trái ôm cuốn sách “The Timaeus” viết những quan điểm của ông về Khoa Học Thiên Nhiên và Vũ Trụ Học.

Aristotle (384-322 TCN), học trò xuất sắc của Platon và thầy dạy của Alexander Đại đế, tay cũng ôm cuốn sách của ông “Aristotle’s Ethic”?, nhấn mạnh về mối quan hệ con người, tình bạn, nhà nước, chính phủ, và việc tại sao con người nên nghiên cứu những vấn đề này. Các tác phẩm của ông làm nền tảng cho logic học hiện đại và thuyết siêu hình học của ông cũng trở thành một phần không thể tách rời trong thần học của Thiên chúa giáo. Ông có một câu nói nổi tiếng về thầy Platon: “Platon là thầy nhưng chân lý thì quý hơn thầy”.

Vâng! “Platon là thầy nhưng chân lý thì quí hơn thầy”. Và đây có thể đã tạo nên nguồn cảm hứng cho người thưởng lãm bức tranh. Bởi Plato và Aristotle là hai nhà đại hiền triết cổ Hy Lạp có mối quan hệ thầy trò, nhưng lại thuộc hai trường phái triết học đối nghịch nhau, tương phản, tạo nên hai trục tư tưởng triết học nhân loại cho đến tận hôm nay rất khác biệt.

Platon có thuyết Hình thức (Theory of Forms), nơi sự "tồn tại" là cái phi vật chất, là nhận biết được bằng trí tuệ siêu nhiên, còn "không tồn tại" là vật chất; Aristotle lại coi sự tồn tại vật lý là thực, và hiện thực là chân lý. Một người theo đuổi lý thuyết siêu hình, còn một người bảo vệ những logic khoa học thực tế.

Trong tranh của Rafael, họ - một già một trẻ, một có vẻ sang trọng quý phái, một chân chất giản dị. Nhưng cả hai đều như không có giới hạn khoảng cách và bình đẳng tranh luận một vấn đề gì đó để bào vệ quan điểm của cá nhân mình. Làm nền cho cuộc tranh luận này là rất nhiều gương mặt vĩ nhân “cổ đại” và “đương đại”, đại diện cho tri thức của loài người quần tụ trong không khí hòa hợp, nhưng tự do, riêng tư… rất sinh động.

Phục Hưng là thời mà những giá trị Hy Lạp và La Mã cổ xưa sống dậy, vẻ đẹp tự nhiên của con người, những tư tưởng quan điểm cũ được tôn vinh. Rafael chọn triết học làm đề tài cũng không nằm ngoài xu hướng của chủ nghĩa nhân văn thời kỳ này.

Cảm giác danh họa Rafael không phải ngẫu nhiên đưa các nhân vật kiệt xuất cả cổ đại lẫn đương đại vào tác phẩm của mình. Như chính tác giả đang muốn bày tỏ suy nghĩ của mình qua bức tranh, và cũng là muốn truyền tới công chúng thông điệp về nhu cầu tri thức của loài người.

Toàn cảnh bức tranh toát ra tinh thần tìm kiếm tri thức bất chấp những ranh giới về thời đại, địa lý, văn hóa, như những cuộc đối thoại của các nền văn minh khác nhau.

Không vì một sự ích kỷ, không vì một sự ganh đua, không vì hơn thua, không phân biệt các xu hướng, các lĩnh vực… mà tất cả như cùng chung tay để truyền cảm hứng đến nhân gian những tri thức cuộc sống mà họ đã khám phá, trải nghiệm, chiêm nghiệm, đúc kết…
Cho dù họ theo những trường phái đối lập và khác biệt, chủ yếu theo hai phe: Plato- nghiên cứu sự huyền bí của vũ trụ, Aristotle- theo dõi những quy luật phát triển tự nhiên của con người, nhưng rõ ràng trong tranh lại thấy một sự hòa hợp của cả hai: siêu hình và thực tế, lồng ghép vào nhau như một tổng thể, để tôn trọng và tôn vinh nhau.

Một bức bích họa cách thời hiện đại của chúng ta hơn 500 năm mà tư tưởng rất tiến bộ, đã nghĩ đến sự hòa hợp những khác biệt trong các cuộc đối thoại rất văn minh, để không phải là công kích nhau mà là tìm ra những ưu khuyết để hoàn thiện một cách hoàn hảo, để truyền đạt cho nhân loại những tinh hoa nhất, nhằm hướng tời sự phát triển cuả thế giới loài người ngày càng đẹp hơn.

Từ bức tranh “Trường học Athens” của danh họa Rafael, nghĩ tới thực tế của ngày hôm nay, có rất nhiều điều suy tư. Chúng ta đã được hưởng những thành quả ưu việt của rất nhiều vĩ nhân nhân loại, để có một thời đại hiện tại, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang có rất nhiều giá trị khác biệt.

Làm thế nào để tôn trọng các sự khác biệt ấy, làm thế nào để hòa hợp trong một tổng thể để tìm ra những ưu điểm bổ xung cho nhau, để cùng nhau phát triển, chứ không phải là mang ra để cố chứng minh sự ưu việt hơn thua, để chèn ép, áp đặt, phá hỏng hay tiêu diệt nhau?

Từ chính hình ảnh trong bức tranh “Trường học Athens”, thầy trò Plato và Aristotle bên nhau trong một cuộc trao đổi rất bình đẳng. Theo hình ảnh, thì họ rất trái ngược nhau, ngay cả cuốn sách họ cầm người ngang, người dọc, tay thì người chỉ trời, kẻ chỉ đất, trang phục cũng phân biệt đẳng cấp quý phái và bình dân. Nhưng giữa họ không có khoảng cách, thầy và trò đều ngang hàng nhau trong cuộc đối thoại học thuật với vẻ mặt tôn kính nhau, không phải hai thầy trò.

“Trí tuệ nhân tạo”- AI: Artificial Intelligence, là một hệ thống phần mềm máy tính do con người sáng tạo, tổng hợp, trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi... như trí tuệ con người, xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Từ đó Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân tạo AIWS ra đời nhằm xây dung những mô hình xã hội mới với sự ứng dụng AI vào tổ chức và vận hành xã hội. Và tác phẩm Trường học Athens được coi là tác phẩm biểu tượng của Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo AIWS.

Trong “Trường học Athens”, các vĩ nhân nhân loại đều ngồi chung “chiếu” trong một gian phòng, và điềm đạm thảo luận, nêu chính kiến của mình… Và nếu như có thể, “sao chép” được tinh hoa các công trình của họ, tổng hợp lại, để có một “trí tuệ nhân tạo” siêu việt nhất? Tại sao không?

“Trường học Athens” như là khởi thuỷ vĩ đại, biểu tượng trí tuệ của nhân loại, đã được giới thiệu ở Việt Nam từ rất sớm, và hy vọng tinh thần của Trường học Athens truyền cảm hứng cho sự hòa hợp, cho những tinh hoa đa sắc kết hợp với nhau, tạo nên một xã hội phát triển toàn diện./.

Hoài Hương