- "Ban đầu họ có hỏi gia đình muốn bao nhiêu. Nhưng chúng tôi đâu phải bán con, bán cháu mà ra giá. Người mất cũng mất rồi, họ cũng xin cho họ cơ hội, mình nghĩ coi như làm phúc. Chính bác sĩ Sơn cũng gọi điện nói bác sẽ đóng cửa mãi mãi, rồi nói đóng cửa vài tháng để tự vấn lương tâm", lời chị Nguyệt.
Cất biển, đóng cửa
Ngày 26/11, sau gần 1 tuần xảy ra vụ cháu bé Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi, thôn Quế, xã Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội) tử vong, phòng khám Hương Sơn (90 phố Tía, xã Tô Hiệu, Thường Tín) của bác sĩ Phạm Anh Sơn đã đóng cửa.
Tấm biển giới thiệu phòng khám chuyên khoa nhi đã được cất, thay vào đó là tấm biển mới bán sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng của nhà kế bên.
Phòng khám - nhà riêng bác sĩ Sơn đóng cửa im ỉm. Biển hiệu phòng khám chuyên khoa nhi đã được thay bằng tấm biển sữa bột mới tinh. |
Theo những người dân xung quanh, sau khi xảy ra vụ việc, phòng khám và cũng là nhà riêng của bác sĩ Sơn đóng cửa im ỉm suốt ngày. PV VietNamNet gõ cửa nhưng không ai ra mở.
Ông Sơn là trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, hiện đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Chỉ còn ít năm nữa, ông Sơn sẽ nghỉ hưu. Ông Sơn đã mở phòng khám tư hơn 20 năm nay, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có giấy phép hoạt động.
Trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, chưa hết đau xót trước cái chết của con trai út, anh Nguyễn Văn Phóng, bố bé Quân cho biết, gia đình bác sĩ Sơn có đến chia buồn, thắp hương cho cháu và đặt vấn đề hai bên giải quyết tình cảm.
"Tuy nhiên gia đình chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi muốn vụ việc phải được làm sáng tỏ. Đến nay gia đình tôi chưa nhận một đồng nào từ phía gia đình bác sĩ Sơn", anh Phóng cho biết.
Khi được hỏi vì sao biết phòng khám bác sĩ Sơn từng gây chết người mà gia đình vẫn cho con đến chữa trị, anh Phóng lặng người một lát rồi nói: "Làm cha mẹ, thấy con cái có bệnh thì vái tứ phương. Ông Sơn là trưởng khoa Nhi, là người có mấy chục năm kinh nghiệm, nên gia đình tôi cũng tin tưởng, đưa cháu tới khám, ai ngờ...".
Chiều 19/11, thấy cháu Quân ho dai dẳng, chị Lương Thị Mỹ đưa con tới phòng khám của bác sĩ Sơn để khám và điều trị.
Bác sĩ Sơn chẩn đoán cháu bị viêm phổi nên đã cấp thuốc về nhà uống và chỉ định tiêm mũi đầu tiên. Trước khi tiêm, bác sĩ Sơn có tiến hành thử phản ứng.
Sau tiêm, gia đình thấy bệnh tình của cháu Quân thuyên giảm, ăn ngủ bình thường. Chiều 20/11, gia đình tiếp tục đưa cháu Quân đến tiêm mũi thứ 2. Lần này bác sĩ Sơn không thử phản ứng mà tiêm luôn.
Tuy nhiên vừa ra khỏi phòng khám, cháu Quân có biểu hiện tím tái, sùi bọt mép. Bác sĩ Sơn không chuyển cháu đi cấp cứu mà giữ lại, tiêm một mũi tiêm và truyền dịch (gia đình không rõ thuốc gì).
Thấy tình trạng cháu Quân ngày càng nguy cấp, chị Mỹ đã gọi taxi, đưa con đang thở bình oxy lên Bệnh viện Nông nghiệp (cách đó chừng 7km) để cấp cứu, tuy nhiên khi đến nơi, các bác sĩ cho biết, cháu bé đã tử vong.
Sau khi nhận được tin, công an huyện Thường Tín đã tiến hành lập biên bản. Gia đình đồng ý cho khám nghiệm tử thi để điều tra.
Phía công an huyện Thường Tín cho biết, khoảng 1 tuần nữa mới có kết quả giám định pháp y. Bước đầu, tại cơ quan điều tra, ông Sơn đã giao nộp đầy đủ toàn bộ số thuốc đã tiêm cho cháu Quân.
Sở Y tế Hà Nội xác nhận, loại thuốc dùng cho cháu Quân là 1 lọ Ceftriaxon 1g được tiêm vào tĩnh mạch và nửa ống Solumedrol 40mg tiêm tĩnh mạch chậm.
"Bác sẽ đóng cửa để tự vấn lương tâm"
Trước cháu Quân, vào tháng 6/2013, phòng khám Hương Sơn cũng từng tiêm cho một cháu bé khác và sau đó cháu bé này đã tử vong.
Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV đã hỏi dò nhiều người và tìm được nhà chị Lương Thị Nguyệt (30 tuổi, thôn Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín).
Chị Nguyệt chính là mẹ cháu bé Lê Khánh Linh (18 tháng tuổi) - tử vong sau tiêm tại phòng khám của bác sỹ Sơn.
Chị Nguyệt cùng 2 con gái lớn |
Cũng giống như trường hợp cháu Quân, khi thấy con bị ho nhiều, chiều 12/6, chị Nguyệt đưa con đến khám tại phòng khám Hương Sơn và được bác sĩ Sơn kê thuốc về uống. Theo chị Nguyệt, trong số đó có thuốc bổ và thuốc long đờm.
Khoảng 8h sáng 13/6, chị Nguyệt đưa con tới tiêm. Ngay sau đó cháu Linh có biểu hiện tím tái và được chuyển lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín.
"Cứ khoảng 10 phút, các bác sĩ lại tiêm 1 xi lanh nhỏ. Đến khoảng 9h, cháu hơi tỉnh nhưng quẫy đạp mạnh. Tôi và 2 người khác phải giữ chặt cháu để ống thở, kim truyền không bị trật ra. Không rõ đó là thuốc gì, tôi chỉ nghe 2 vị bác sĩ đứng gần đó to nhỏ: 'Thuốc này tiêm vào người lớn còn bị vật vã nói gì trẻ con", chị Nguyệt cho biết.
Khoảng 14h chiều cùng ngày, cháu Linh được chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ Sơn trực tiếp đi cùng. Tuy nhiên sau gần 1 ngày cấp cứu, khoảng 10h sáng 14/6, bé Linh đã tử vong. Các bác sĩ thông báo, cháu bé bị viêm phổi nặng, nhịp tim không ổn định.
Gia đình sau đó có viết đơn kiến nghị, báo tin cho công an xã Lê Lợi để lập biên bản. Tuy nhiên khi cơ quan công an cho biết phải mổ thi thể để giám định tử thi, gia đình chị Nguyệt đã xin rút lại đơn.
"Cháu còn bé quá, chúng tôi không muốn cháu bị đau thêm lần nữa", chị Nguyệt rơm rớm nước mắt nói.
Sau vụ việc, vợ bác sĩ Sơn trực tiếp tới nhà chị Nguyệt thăm hỏi, thắp hương.
"Ban đầu họ có hỏi gia đình muốn bao nhiêu. Nhưng chúng tôi đâu phải bán con, bán cháu mà ra giá. Người mất cũng mất rồi, họ cũng xin cho họ cơ hội, mình nghĩ coi như làm phúc. Chính bác sĩ Sơn cũng gọi điện nói sẽ đóng cửa mãi mãi, rồi nói đóng cửa vài tháng để tự vấn lương tâm", lời chị Nguyệt.
Cũng theo chị Nguyệt, chị rất hy vọng sau vụ việc của bé Linh, ông Sơn sẽ rút kinh nghiệm. "Thầy thuốc là nghề cứu người, không ai mong muốn chuyện không may xảy ra. Họ đã hứa, mình cũng tin và hy vọng sẽ không còn nạn nhân nào nữa. Nhưng ai ngờ, ông ấy vẫn mở phòng khám. Như thế là không có lương tâm".
Chị Nguyệt cho biết, mỗi mũi tiêm, bác sĩ Sơn lấy 120 - 130.000 đồng. Trung bình mỗi cháu phải tiêm 10 mũi. Có trẻ tiêm 1 mũi/ngày, có trẻ 2 mũi/ngày. Ở các phòng khác, bác sĩ chỉ tiêm từ 5- 7 mũi.
Sau sự việc của bé Linh, chỉ còn rất ít người dân tại Hà Vỹ cho con xuống khám và điều trị tại phòng khám Hương Sơn. "Nếu trước kia 10 người thì giờ chỉ còn 2 người quay lại đó", lời chị Nguyệt.
Thúy Hạnh - Nguyễn Nga