Tôi không muốn bình luận hay giải thích thêm về những chuyện vớ vẩn này!
Tin vào duyên phận
Chị nghĩ gì khi nhiều người vẫn xem Trương Ngọc Ánh là hình mẫu phụ nữ thành đạt
khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao và bên cạnh là gia đình hạnh phúc?
Tôi còn đang đi tiếp, bạn cho tôi lên đỉnh cao là bắt tôi đi xuống sao (cười
lớn)? Nói đùa vậy thôi chứ tôi vẫn là một người phụ nữ của công việc. Phụ nữ khi
có sự nghiệp mà muốn giữ gia đình yên ổn thì phải nỗ lực nhiều lắm.
Sự nghiệp của tôi không chỉ là một công ty, mà còn là hình ảnh gắn bó với công
chúng yêu nghệ thuật. Tôi ăn cơm nghệ thuật từ năm 16 tuổi và được nhiều người
yêu mến nên phải gìn giữ thật tốt. Mặt khác, mình cũng đam mê kinh doanh, nếu
không quản lý được thì phải giải quyết hậu quả lâu dài. Tôi có nhiều thứ, nhưng
không thể có tất cả. Chính vì thế, tôi phải nỗ lực rất nhiều để giữ được những
gì mình đang có.
Vì những nỗ lực đó mà mới đây, chị đã nhận lời tham gia bộ phim điện ảnh Hương
Ga?
Phải đợi ba năm sau bộ phim Ngọc Viễn Đông, tôi mới dành thời gian cho dự án
phim hiện tại. Còn ba năm qua, tôi lo cho con và gia đình, cũng như phát triển
kinh doanh. Cuộc sống của tôi bây giờ được mặc định bằng mỗi sáng thức giấc
chuẩn bị cho con đi học, rồi sau đó mình mới đi làm. Tôi đi đóng phim Hương ga
về rất khuya, vì thường xuyên quay đêm. Có khi tới 6 giờ sáng mới xong cảnh
quay, tôi cũng cố gắng chạy về nhà để chuẩn bị quần áo đẹp cho con tới lớp. Con
gái tôi rất nhạy cảm, cháu sẽ cảm thấy tổn thương nếu như mẹ vô tâm mà quên
mình.
Được biết nhân vật trong phim Hương ga là một hình mẫu mới được chị kỳ vọng rất
nhiều?
“Hương ga” là một nhân vật nữ đặc biệt nhất mà tôi thủ vai. Đặc biệt không phải
vì nó là vai diễn lớn, mà nó đòi hỏi sự thay đổi liên tục trong diễn xuất, khi
thì bi thương, lúc lại dữ dội. Hương ga là hành trình đi tìm tình yêu đích thực
của một nữ trùm giang hồ, một mình phải chiến đấu, giành giật, chinh phạt và trả
giá giữa hùm sói của giang hồ.
Tôi đã mất ba năm theo đuổi nhân vật và đây là
lúc tôi cần “lột xác” để thay đổi hình ảnh “gái quê hiền lành” cũng như tạo dựng
một hình tượng mới trong điện ảnh. Phim đã quay gần xong và hy vọng sẽ kịp phát
hành trong mùa hè 2014. Đạo diễn phim là Cường Ngô, người đã thành công với phim
Ngọc Viễn Đông. Với phim này, dàn diễn viên cũng khiến mọi người tin tưởng và
chú ý, như diễn viên Kim Lý, Chi Bảo, Trang Trần, Harry Lu, Chi Pu, Hiếu Nguyễn,
Cao Lâm Viên, Quang Hòa... Chúng tôi đã hết sức nỗ lực cho phim và hy vọng nó sẽ
tạo được tiếng vang.
Con nhỏ luôn muốn có mẹ bên cạnh, chị có sợ công việc hiện tại cuốn mình đi như
thế sẽ không thể dành trọn tình thương cho con?
Nuôi con là một hành trình và bạn tìm được hạnh phúc trên chính hành trình ấy.
Ai cũng làm mẹ và cũng phải lo công việc. Ở Việt Nam bây giờ, phụ nữ lấy chồng
rồi trở thành nội trợ ít hơn những người phụ nữ của xã hội. Tình thương yêu con
cái không nằm trong việc có bao nhiêu tiền, mua gì cho con... mà là sự chăm sóc
hàng ngày. Tôi cùng chồng đang nỗ lực mọi thứ để con có được cuộc sống đủ đầy về
mọi mặt.
Những nỗ lực ấy có mang lại một gia đình hạnh phúc?
Với tôi, gia đình hạnh phúc là sáng tối đều có thể ngồi ăn những bữa cơm ngon và
nói với nhau những câu chuyện bình thường nhất.
Gia đình chị có thường xuyên ngồi ăn cùng nhau?
Cả hai vợ chồng đều cố gắng thu xếp công việc. Nếu tôi bận thì anh Sơn sẽ về ăn
cơm cùng Bảo Tiên hoặc ngược lại. Quan niệm của chúng tôi con cái luôn được đặt
lên vị trí đầu tiên, tất cả mọi thứ phải dành cho con.
Vậy mà trong thời gian gần đây lại có thông tin chị và chồng “cơm không lành
canh không ngọt”?
Tôi không muốn bình luận hay giải thích thêm về những chuyện vớ vẩn này!
Thường trong gia đình, người phụ nữ phải hy sinh một vài sở thích cá nhân để gia
đình được ấm êm. Chị có từng như thế?
Tôi cũng nghĩ, muốn mọi chuyện êm ấm, thì cả chồng lẫn vợ đều phải dẹp bớt một
vài thú vui thời độc thân. Cái này cũng chẳng phải tôi nói đâu mà chúng ta cũng
thấy trên phim Hollywood nhiều rồi. Mà đúng là như vậy. Có điều, chúng tôi không
quan niệm hy sinh gì cả, chỉ là dung hòa giữa hai người để có được một nền tảng
chung thống nhất.
Có phải những người làm nghệ thuật tính tình phóng khoáng và cái tôi quá lớn nên
ít cặp đôi nào gắn bó nhau lâu dài?
Hạnh phúc không phải là điều dễ nói nhưng đừng đổ lỗi cho nghệ sĩ. Có rất nhiều
gia đình nghệ sĩ gắn kết rất bền chặt, như gia đình NSƯT Lân Bích - Minh Đức, vợ
chồng NSND Như Quỳnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, hay vợ chồng NSƯT Chí Trung
- Ngọc Huyền... Họ đều là những cặp nghệ sĩ vô cùng nổi tiếng, nhưng vẫn sống
với nhau rất chung thủy, keo sơn.
Nhìn xung quanh cuộc sống, có những gia đình không phải nghệ sĩ vẫn chia tay
hằng ngày. Chúng ta chỉ nói được trường hợp của chính mình, chứ không đủ tư cách
để nói về cả giới làm nghệ thuật. Với tôi, tình cảm và hạnh phúc là do mỗi
người, chứ không do nghề nghiệp của họ. Bởi vì khi yêu một người, biết rõ họ là
nghệ sĩ, bạn vẫn yêu, yêu rồi vẫn muốn cưới mà, vậy tại sao khi có chuyện lại đổ
lỗi vì họ là nghệ sĩ được? Vấn đề cuối cùng là yêu hoặc không yêu mà thôi. Riêng
tôi thì tin đó là duyên phận.
Một ngày của anh chị và con gái hiện nay diễn ra thế nào?
Gia đình tôi cũng giống như mọi gia đình khác. Có điều, thời gian này thì hơi
tất bật, vì cả tôi và chồng đều đi đóng phim. Anh ấy cùng đoàn phim ở tận Long
Xuyên và miền Tây, nên có khi cả tuần mới về nhà một lần. Còn những lúc khác,
mọi thứ khá bình thường, sáng chúng tôi cùng dậy sớm, anh ấy lên sân thượng tập
thể dục, còn tôi đánh thức con gái, chuẩn bị quần áo và đồ dùng cho cháu tới
lớp.
Mỗi sáng, bà ngoại của Bảo Tiên và người giúp việc cũng đã chuẩn bị xong điểm
tâm, tôi chỉ thêm vào một số món mà Bảo Tiên đặc biệt yêu thích. Ăn sáng xong,
cả hai vợ chồng đưa con đi học, hoặc nếu ai bận thì ba hoặc mẹ sẽ đưa con tới
trường. Rồi ai vào việc nấy.
Vậy gia đình đã có kế hoạch gì cho những ngày Tết sắp đến?
Nói ra thật có lỗi với con gái, vì hai vợ chồng lo đóng phim nên không có sự
chuẩn bị chu đáo như mọi năm. Phim Hương ga của tôi đóng máy vào chiều giao
thừa, còn phim Đoạt hồn của anh Sơn cũng đóng máy vào những ngày giáp Tết. Mọi
năm, cả nhà thường dẫn nhau đi sắm Tết, lên kế hoạch sang Mỹ thăm bà nội hoặc đi
du lịch nước ngoài để hưởng không khí mùa lễ hội. Năm nay thì cả nhà sẽ quây
quần ăn Tết ở Việt Nam và bà nội cũng quyết định sẽ bay về để ăn Tết cổ truyền.
Thế nên cả nhà sẽ có chuyến du xuân miền Trung đơn giản thôi. Tôi nghĩ, ăn Tết ở
đâu cũng được, quan trọng là được đón Tết với những người thương yêu của mình.
Ký ức luôn là một phần lộng lẫy
Từ một cô gái 16 tuổi vào Sài Gòn lập nghiệp rồi trở thành diễn viên nổi tiếng
và nữ doanh nhân thành đạt. Có bí quyết nào dẫn đến thành công đó không?
Tôi kể bạn nghe câu chuyện này để dễ hình dung những ngày đầu tôi lập nghiệp.
Lúc mới khởi sự kinh doanh, tôi có một công ty quảng cáo và phát hành một số ấn
phẩm giải trí. Khi ấy, tôi đã được mọi người biết tới với tư cách là một hoa
hậu, người mẫu và diễn viên. Nhưng ngay sau khi ấn phẩm Hoa hậu ra đời, tôi bị
“tuýt còi”, vì những lý do nhỏ thôi, nhưng do mình chưa quen việc nên không chú
ý đến. Lúc đó, tôi cuống cuồng, tất tả lo giải quyết. Cả công ty rối tung lên.
May mắn nhờ sự cố ấy mà tôi hiểu ra nhiều chuyện, quen được nhiều người. Về sau,
cứ có vấn đề gì chưa chắc chắn, tôi lại tới nhờ tư vấn. Hầu hết những anh chị ấy
đến giờ có người coi tôi như người thân trong nhà, người khác thì thành cộng sự
và còn lại đều là bạn bè thân thiết.
Tôi cũng có những va vấp nhưng nhờ đó mà tích lũy được kinh nghiệm. Cộng thêm sự
nhạy cảm của cá nhân mà mình xây dựng được đội ngũ đáng tin cậy. Chính các cộng
sự đã giúp tôi quản lý hầu hết dự án kinh doanh. Tôi chỉ nắm trên tổng thể, chứ
mình làm nhiều thứ mà đi vào chi tiết chắc chắn sẽ hỏng hết việc và không phát
huy được tiềm năng của những người bên cạnh.
Thời gian đầu gặp không ít khó khăn, có bao giờ chị thấy nản và muốn bỏ cuộc?
Tôi không bao giờ nản để bỏ cuộc, nhưng cũng có những việc mở ra và đóng lại,
cái đó giới làm ăn gọi là sự tính toán hợp lý. Thời điểm này mình mở rộng, thời
điểm khác có thể thu hẹp hoặc chuyển hướng. Chẳng hạn, trước đây tôi có mở nhà
hàng Java, nhưng rồi tôi muốn chuyển hướng sang bất động sản nên ngừng lại. Chỉ
đơn giản là vậy, không bao giờ nản, vì trước khi làm điều gì tôi đã suy nghĩ rất
kỹ và làm rồi thì không hối tiếc.
Thân gái dặm trường vào Nam với ước muốn “đổi đời”, có phải bố mẹ là động lực
giúp chị vượt lên mọi khó khăn?
Tôi là chị cả trong nhà, khi tôi bắt đầu có chút tiếng tăm và kiếm được tiền thì
em tôi vẫn còn rất nhỏ nên mình trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình. Nói
tôi là trụ cột kinh tế thì không phải, nhưng tôi có thể giúp đỡ cho gia đình
nhiều thứ. Chính vì thế, gia đình là điều khiến tôi có thể làm mọi việc, là động
lực để tôi kiếm tiền, thành công, nổi tiếng và còn là những điều giản dị trong
cuộc sống của mình nữa.
Bố mẹ tôi là công chức bình thường, sống có trách nhiệm và là người Hà Nội chất
phác. Chưa bao giờ họ đặt nặng vấn đề tiền bạc, chỉ cần cuộc sống yên ổn là đủ.
Tôi yêu quý gia đình vì sự đơn giản đó.
Có phải sự bươn chải đó đã tạo nên một nghị lực vượt khó cho chị khi bước chân
vào showbiz?
Làm nghệ thuật, đặc biệt khi xa nhà, mình phải cố gắng nhiều. Tôi xa nhà sớm,
vừa tham gia phim ảnh, vừa phải học xong trung học, mọi vất vả đều từng nếm
trải. Tôi cũng từng đi làm thêm nhiều việc trước khi trở thành một nghệ sĩ có
tên tuổi, miễn đó là việc chân chính. Đi lên từ con số không, lại một mình giữa
thành phố lạ, tôi buộc phải chấp nhận những khó khăn và dần vượt qua.
Tất cả những chuyện không may và tai nạn trong cuộc sống giúp tôi có được trải
nghiệm quý, làm nên bản lĩnh đến bây giờ. Tôi không đầu hàng trước khó khăn, bởi
vì tôi biết có nhiều cánh cửa đang mở ra, cái quan trọng là chúng ta có biết gõ
đúng cánh cửa mình cần mở hay không.
Sống ở Sài Gòn đã lâu, năm nay chị có ý định đưa gia đình về Bắc để đón Tết?
Gia đình tôi thường xuyên ra Bắc, vì bà ngoại thỉnh thoảng vào đây chăm cháu
nhưng ông ngoại vẫn sống chủ yếu trong căn nhà cũ trên phố Tràng Thi, gần hồ
Hoàn Kiếm. Quê anh Sơn cũng ở Nam Định, nên việc ra Bắc thăm gia đình cũng là
việc tất yếu. Chúng tôi không mặc định phải về Bắc đón Tết, nhưng cũng đã có
những cái Tết rất ấm áp cùng gia đình ở Hà Nội.
Tôi nhớ cái Tết đầu tiên không đón giao thừa cùng gia đình, khi ấy tôi mới 18
tuổi, phải diễn thời trang trong một đêm ca nhạc lớn. Tôi không có đủ tiền để
mua vé máy bay về nhà, mà vé tàu cũng không mua được. Thật sự ngày đó để mua
được vé máy bay rất khó, chứ không như bây giờ. Tôi diễn xong, về nhà, nằm khóc
một mình. Cảm giác đó cứ làm tôi nhớ mãi và chính vì thế, tôi không bao giờ muốn
phải xa người thân trong những ngày Tết.
Chị từng chia sẻ về tuổi thơ háo hức đếm từng ngày, từng giờ để chờ Tết đến. Có
nguyên nhân đặc biệt gì chăng?
Nói ra có thể bây giờ mọi người khó hình dung. Ngày đó nghèo, tôi và lũ trẻ
trong khu phố luôn háo hức và đếm ngược từng ngày Tết đến. Tết được tính bắt đầu
từ khi những người bán chổi lông gà dạo ngang qua phố. Lúc đó báo hiệu mọi người
đang dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Rồi người dân chợ Bưởi hay dưới Từ
Liêm chở xe đựng đầy chậu cây cảnh mang bán cho người trên phố. Người mài dao,
mài kéo, người thợ sơn tường đi quét vôi...tất bật lại qua. Rồi ngày 23 tháng
Chạp, cả lũ xúm lại trước bờ hồ Hoàn Kiếm, chạy theo người dân trên phố thả cá
chép cho ông Táo cưỡi về trời.
Lúc này hoa đào được chở ngập phố, ai bán ai mua cũng niềm nở cùng nhau. Những
chậu thủy tiên củ trắng ngần, lá xanh biếc được mang đến tận nhà. Người trồng
thủy tiên chích khéo, để đúng đêm giao thừa bông thủy tiên trắng ngần khai nhụy,
đẹp như một món quà xuân. Mẹ tôi tất bật lo từng món đồ Tết, mua gạo nếp, đậu
xanh, thịt lợn, quần áo mới cho hai chị em. Mọi người đều hồ hởi. Đêm giao thừa,
chúng tôi trông pháo hoa và đi nhặt pháo tép còn rớt bên hiên phố. Những chiếc
áo bông trần đỏ rực trong ngày mồng Một, lũ trẻ hè nhau đợi lì xì mừng tuổi rồi
tung tăng đánh đáo, đánh bi...
Chỉ có những khoảnh khắc đó, mọi nhà mới bớt lo toan, người lớn cười chào và trẻ
con được ăn uống vui đùa thỏa thích. Cái gì thiếu khi có cũng quý. Chứ bây giờ
đôi khi mọi thứ quá đủ đầy, chỉ cần chiều 30 Tết ghé siêu thị cũng có thể sắm
trọn vẹn một cái Tết không thiếu món gì. Ký ức luôn là một phần lộng lẫy và ký
ức về Tết với tôi luôn đặc biệt. Nó như nhắc về một thời nghèo khó, nhưng lại
rất ấm áp, chứ không nhuốm màu bi thương.
Nghe kể có vẻ như chị luyến tiếc Tết xưa nhiều vì trong nhịp sống hiện tại tất
bật, Tết đã không còn vẹn nguyên ý nghĩa như trước?
Tết bây giờ giản đơn hơn và ở Sài Gòn, mọi người thường có xu hướng vui Tết hết
đêm giao thừa, sau đó thì lên kế hoạch đi du lịch. Đó là sự dịch chuyển của Tết
theo nhu cầu sống của con người hiện đại. Điều đó đôi khi dễ làm cho trẻ em mất
đi sự háo hức về cái Tết bởi đây là dịp ý nghĩa để cho chúng có được những bài
học về giá trị sống và lễ nghĩa gia phong.
Tết của một gia đình nổi tiếng như chị có khác gì so với người bình thường?
Tôi thấy không khác gì cả. Năm nào, nhà tôi cũng làm củ kiệu dưa hành, con gái
Bảo Tiên cũng tham gia nhặt kiệu giúp bà ngoại. Chiều 30, mẹ tôi thường cất bếp
nấu bánh chưng. Mọi thứ đủ đầy, vui vẻ.
Là người Hà Nội vậy chị có mang cái Tết Hà Nội vào trong gia đình mình?
Tết nhà tôi đúng là Tết của người Bắc vì hai vợ chồng đều là người gốc Bắc. Ngày
Tết năm nào trong nhà cũng có đủ cả hoa mai và hoa đào, nồi canh măng lưỡi lợn
và nồi thịt kho trứng vịt. Tôi nghĩ là những ai từng trải qua thời thơ ấu ở Hà
Nội đều mong muốn cả đời được đón Tết trong niềm hạnh ngộ và ngọt ngào của gia
đình, với những lễ nghĩa và những sản vật chỉ dùng trong dịp Tết.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
TheoThebox.vn/Đất Việt