Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. |
Sẽ rất khổ cho nhà sản xuất
- Một đại biểu Quốc hội vừa đề xuất có thể xem xét đưa vào Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới việc một phim có thể bị dừng chiếu hoặc rút giấy phép nếu diễn viên dính scandal. Là diễn viên và cũng là nhà sản xuất, chị nghĩ sao về đề xuất này?
Tôi có đọc và thấy đề xuất đó không hợp lý vì như vậy sẽ rất khổ cho nhà sản xuất. Trong thời gian dịch bệnh, các nhà sản xuất hay rạp phim thiệt hại nặng nhất, diễn viên thiệt hại không thể bằng hơn nữa nếu đã gọi là luật thì phải quy định rõ ràng và đồng bộ. Nếu đã quy chuẩn như vậy thì ngay từ đầu phải ra luật rằng như thế nào thì phim sẽ bị dừng để nhà sản xuất khi mời họ phải cân đo đong đếm thái độ chuẩn mực của diễn viên đó.
Thêm nữa, trong hợp đồng đó cũng sẽ ghi thêm khoảng thời gian từ lúc tham gia đến lúc chiếu phim nếu phạm bất cứ điều khoản nào sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và đền toàn bộ chi phí cho bộ phim. Có như vậy nhà sản xuất mới chịu nổi. Chứ giờ diễn viên có thể trong thời gian đóng phim họ tốt nhưng biết đâu sau đó gặp chuyện đôi khi không thể lường trước sẽ ảnh hưởng xấu đến bộ phim.
Chúng ta có thể quy hết vào hợp đồng rằng diễn viên phải cam kết không vi phạm và nếu vi phạm sẽ phải đền toàn bộ chi phí sản xuất. Chỉ có vậy chúng tôi mới dám làm phim. Làm phim giờ đã khó rồi mà còn thêm những chuyện như vậy thì lo lắm. Đang chiếu phim mà diễn viên có chuyện thì lo vô cùng tận. Các đại biểu Quốc hội có quyền đưa ra ý kiến nhưng khi bàn thảo về Luật điện ảnh sửa đổi có lẽ nên tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ cả gạo cội lẫn đang làm nghề để họ đóng góp những ý kiến thực tế.
Nếu Luật cấm thì phải rõ ràng để người làm phim còn biết mà tránh. Nếu nói vi phạm sẽ cấm, vậy thế nào là vi phạm? Những người mới vào nghề làm phim họ phải dựa trên các luật định để viết kịch bản, xem cái gì được làm, cái gì không. Tôi nghĩ cần có một ban hỗ trợ các nhà làm phim trẻ, những người cần hiểu về Luật điện ảnh, cần gì là họ có thể hỏi để xem cái gì có thể làm, cái gì cần tránh.
'Truy sát', phim hành động do Trương Ngọc Ánh đóng chính kiêm sản xuất. |
- Một vấn đề nóng gần đây là chuyện kiểm duyệt phim được mổ xẻ rất nhiều. Có ý kiến cho rằng nên bỏ hội đồng duyệt để kích thích sự sáng tạo và có thể chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm, để khán giả tự giám sát và các bộ phim kém chất lượng, ý kiến chị ra sao?
Tôi thấy việc bỏ tiền kiểm chưa hợp lý bởi chúng ta vẫn cần phải có những quy định. Nếu sáng tạo bay quá làm xong hết rồi mà hậu kiểm cũng không được thì có phải phí tiền của nhà làm phim không? Bản thân tôi thấy việc duyệt kịch bản có yếu tố nước ngoài trước khi được sản xuất giờ đã thoáng hơn trước rất nhiều nhưng vẫn phải căn cứ theo luật cái nào được, cái nào không được làm. Nếu thả nổi cho hậu kiểm mà lúc đó phim bị cắt nhiều thì sao? Nếu làm phim hoành tráng rồi không được duyệt hoặc bị cắt đi nhiều thì phim nát còn tiền thì mất. Do vậy nếu làm thì phải làm triệt để ngay từ gốc.
Cần cơ chế cho người làm phim được thực sự sáng tạo
- Giới làm phim đều quan tâm sắp tới Luật điện ảnh sửa đổi khi được Quốc hội thông qua sẽ có thêm điểm mới gì, có cởi trói cho giới làm phim không? Là nhà sản xuất kiêm diễn viên, chị chờ đợi sự thay đổi nào trong Luật điện ảnh để sáng tạo?
Tôi mong chờ nhất vẫn là cơ chế cho người làm phim được thực sự sáng tạo. Ngoài chuyện luật lệ quy định rõ ràng sự sáng tạo của những biên kịch nhà làm phim trẻ đang bị hạn hẹp, lúc nào họ cũng lo ngại không được duyệt. Nếu làm đề tài hơi ma mị tâm linh thì họ lo "không được duyệt đâu". Làm phim hành động sợ bạo lực quá, cũng "không được đâu", lại cắt. Cứ như vậy cuối cùng sẽ bị tụt hết sáng tạo.
Tất nhiên khi làm phim thì không được phạm yếu tố chính trị, dung tục hay quá sex nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho các nhà làm phim sáng tạo một chút. Phải phân biệt được là phim và đời thật chứ đừng có suy nghĩ cái này đưa lên phim sẽ ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam.
Khán giả Việt Nam có thể xem 'Trò chơi con mực' (Squid Game) - bộ phim gây sốt thời gian qua trên nền tảng trực tuyến mà không bị rào cản kiểm duyệt nào dù phim có nhiều yếu tố bạo lực. |
Bởi thực tế trên mạng, họ chiếu phim bạo lực hơn gấp ngàn lần. Do vậy khán giả sẽ rất dễ so sánh phim Việt với các phim trên các nền tảng trực tuyến. Họ thay vì ra rạp ủng hộ phim Việt sẽ ở nhà xem trong khi nội dung các phim thế giới bạo lực và sex hơn nhiều các phim chiếu rạp.
Do vậy nếu cấm thì phải cấm toàn bộ chứ không phải chỗ lỏng chỗ chặt. Trong khi đó Cục Điện ảnh lại không được kiểm duyệt phim trên không gian mạng. Tất nhiên việc các nền tảng phim trực tuyến vào Việt Nam tôi rất ủng hộ vì tạo cơ hội cho khán giả tiếp cận với phim ảnh và cũng tạo cơ hội cạnh tranh cho phim Việt phát triển, như vậy cũng rất tốt. Nhưng không gian mạng thoải mái và có thể tiếp cận với đủ thể loại phim trong khi phim Việt Nam ra rạp lại cấm đủ thứ thì rất khó phát triển.
Một khi khán giả đã chán họ sẽ không ủng hộ phim Việt nữa. Phim hành động cần chút bạo lực thì xem mới đã nhưng phim Việt xem lại không đủ sự hấp dẫn vì thực tế bị cấm rất nhiều. Chúng ta đã khó về kinh phí, thị trường lại nhỏ, bị cấm nhiều thứ thì rất khó làm phim hay nên những người tâm huyết dễ bị nản và sẽ quay sang đầu tư phim chiếu mạng vì dễ làm hơn, ít tiền hơn mà lại không bị kiểm duyệt quá kinh khủng.
Quỳnh An
Diễn viên dính scandal, sao lại đòi cấm chiếu cả phim?
Giới làm phim phản ứng trước đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức của một đại biểu Quốc hội mới đây.