Với sự tài trợ vốn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giờ đây tất cả những điểm đảo (9 đảo nổi, 24 đảo chìm) thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và 15 nhà giàn DK1 trong thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã được thắp sáng bởi ánh điện từ năng lượng gió và mặt trời.



Chiếc tàu HQ 957 chở đoàn công tác của chúng tôi tới đảo Song Tử Tây khi mặt trời đã lặn sâu xuống phía dưới những con song trùng trùng của biển Đông. Đêm cuối tháng, bầu trời và mặt biển cùng bị bao trùm bởi một màu đen đặc. Từ boong tàu ngắm Song Tử Tây và chếch về Đông Nam chừng 2 hải lí là đảo chìm Đá Lát lung linh trong ánh điện, khiến chúng tôi không khỏi trào dâng lên niềm cảm xúc tự hào. Sự bừng sáng – theo đúng nghĩa đen của từ này đã khiến những hòn đảo ngoài khơi xa của Tổ quốc như rất gần và có một sức sống mãnh liệt giữa phong ba, bão tố…

Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: “Trước đây, nguồn điện phục vụ cho công tác sinh hoạt, huấn luyện chiến đấu của quân dân trên hệ thống các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa chạy bằng máy nổ. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên các đảo chỉ được dùng điện trong giờ cao điểm. Nhưng từ khi dự án Năng lượng sạch được triển khai đồng loạt tại Quần đảo Trường Sa đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo đã được cải thiện một cách vượt bậc”.

Quả đúng như lời Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn nói, từ khi lưới điện đi vào hoạt động, các đảo đã chủ động đảm bảo điện sinh hoạt… Có điện, các dịch vụ khác như sóng điện thoại di động, truyền hình vệ tinh cũng đã được “phủ” ổn định trên đảo. Thiếu úy Nguyễn Văn Thái, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) hiện đang đóng quân trên đảo Song Tử Tây cho biết: “Trước đây hầu hết liên lạc giữa các lính đảo với đất liền đều phải thông qua thư từ. Mỗi lần có tàu từ đất liền ra là các đảo vui như mở hội. Không phải chỉ vui vì được nhận quà, mà vui nhất là được nhận những lá thư từ gia đình, bạn bè. Tất cả “tin nhà” đều đến chậm khoảng 4 – 6 tháng. Còn bây giờ thì chỉ cần một cuộc điện thoại là chiến sĩ đã biết được tin tức ở quê nhà, kịp thời động viên, chia sẻ những niềm vui, nỗi lo toan với gia đình. Cảm giác mình vẫn có mặt trong những sự kiện ở đất liền, nên tư tưởng anh em ổn định hơn trước rất nhiều…”.

Còn ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Trước đây khi ra Trường Sa nhận công tác, ngoài quân tư trang, các chiến sĩ thường tự mua sắm thêm quạt, đèn tích điện… để chống chọi với thời tiết nắng nóng trên đảo. Còn bây giờ thì mọi chuyện đã khác, điện ổn định 24/24 giờ, nên đời sống của quân và dân trên đảo đã được cải thiện rất nhiều. Nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện…”.

Đặc biệt, khi chủ động được nguồn điện, việc tăng cường các trang thiết bị y tế, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho quân dân trên đảo Trường Sa cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Khi chúng tôi vừa kết thúc chuyến đi công tác dài ngày ở Trường Sa, thì tại Trường Sa Lớn đã diễn ra ca mổ sinh đặc biệt với sự hỗ trợ kỹ thuật từ đất liền thông qua cầu truyền hình trực tiếp. Nếu không có điện ổn định, không có mạng Internet, thì chắc chắn, ca mổ đã không thể diễn ra. Và với tình hình lúc đó, chỉ còn mỗi cách là dùng trực thăng bay ra đảo đưa sản phụ vào đất liền mới xử lý được.

Ông Phạm Đình Đức, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết: “Dự án Năng lương sạch và chiếu sáng ở Trường Sa do Bộ Tư lệnh hải quân làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa đảm trách việc thi công, còn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia là đơn vị tài trợ vốn. Điều hết sức thú vị là tất cả hệ thống đèn chiếu sáng được cài đặt tự động bất sáng khi trời tối và tự tắt khi trời sáng. Đây là hệ thống năng lượng sạch có quy mô lớn nhất ở nước ta hiện nay…”

Trao đồi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Đảo trưởng Đảo Trường Sa Lớn khẳng định: “Khi dự án đi vào hoạt động, cùng với các nguồn năng lượng đã được triển khai trước đây, riêng đảo Trường Sa Lớn đã có tổng lượng điện mỗi ngày là 463 KWH, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của bộ đội, nhân dân trên đảo và đáp ứng được các mục tiêu mà dự án đặt ra là: Cung cấp điện năng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của đảo Trường Sa Lớn; giảm thiểu việc sử dụng các nguồn nhiên liệu truyền thống; nâng cao đời sống bộ đội và nhân dân trên đảo; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trên quần đảo Trường Sa”.

Trong những ngày công tác ở Trường Sa, ông Phan Đình Đức, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã dành phần lớn thời gian để làm việc, tìm hiểu về quy trình vận hành hệ thống năng lượng sạch trên các điềm đảo, nhằm đề xuất với các đơn vị thi công, cung cấp thiết bị, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất cho dự án này. Ông Đức cho biết: “Khi khánh thành và đưa vào khai thác, toàn bộ hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời đã được bàn giao cho lực lượng bộ đội trên đảo quản lý vận hành. Tuy nhiên do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nên hệ thống các tua bin phát điện gió rất hay bị hỏng hóc. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị với Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ với đơn vị phụ trách công nghệ của dự án để đào tạo trước một cách cơ bản cho những chiến sĩ được cử luân phiên ra đảo quản lý, vận hành hệ thống năng lượng này, đồng thời cần chủ động các thiết bị thay thế, các tua bin dự phòng trên đảo để sẵn sàng khắc phục khi có sự cố, bảo đảm nguồn điện ổn định lâu dài cho quần đảo Trường Sa”.

Có thể nói với sự đầu tư đồng bộ, dự án năng lượng sạch ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 đang thực sự phát huy hiệu quả to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của quân và dân trên quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thêm vào đó, sự thành công của dự án này cũng mở ra cơ hội để nước ta tận dụng nguồn tài nguyên vô tận là gió và mặt trời, sản xuất điện năng, phục vụ công cuộc hiện đại hóa đất nước.

  • Lâm Ngọc