Câu chuyện ngụ ngôn kinh điển về sự thích nghi
Một trong những cuốn sách được gọi là "truyện ngụ ngôn hiện đại" và được nhiều độc giả yêu thích là cuốn Ai lấy miếng pho mát của tôi? kể về câu chuyện giữa hai chú chuột đánh Hơi, Nhanh Nhẹn và hai người tí hon Chậm Chạp, Ù Lì trong Mê Cung, ngày ngày tìm kiếm pho mát.
Với đầu óc đơn giản, những chú chuột nhanh chóng nhận ra sự thật là kho pho mát ngày càng vơi đi, ngay lập tức lên đường tìm kho pho mát mới. Còn hai người tí hon với trí óc phức tạp lại chọn cách ngồi lại để suy nghĩ, nuối tiếc về kho pho mát cũ.
Chậm Chạp, sau một thời gian lo sợ, cuối cùng cũng quyết định xỏ giày đi tìm kho pho mát mới. Quá trình cậu tự quăng mình vào mê cung để tìm lại thức ăn đã thức tỉnh con người cậu. Cậu nhận ra rằng sự thay đổi là tất yếu và phải sớm nhận ra nó để kịp chuẩn bị và thích ứng nhanh và cuối cùng cậu cũng tìm đường đến được kho pho mát mới, chỉ còn lại mỗi Ù Lì bị kẹt trong mê cung cạn kiệt pho mát.
Hành trình của Ù Lì trong cuốn sách tiếp theo - Đào thoát khỏi mê cung - đem đến nhiều bài học về vai trò của niềm tin trong những sự “chuyển mình”. Bỏ lại kho pho mát, hành trang cũ và niềm tin sai lầm phía sau, Ù Lì cuối cùng cũng lên đường và dám vượt qua những góc tối mê cung để tìm ra một vùng đất mới đầy pho mát, táo và ánh nắng mặt trời.
Từ bỏ niềm tin cũ là yếu tố cốt lõi của mọi cuộc "chuyển mình"
Trong Đào thoát khỏi mê cung, quá trình tìm nguồn thức ăn mới cũng chính là hành trình Ù Lì trút bỏ những niềm tin cũ, vốn đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Cậu không còn khăng khăng rằng pho mát là thức ăn duy nhất, rằng những dụng cụ cũ mãi mãi hữu dụng hay bên ngoài Mê Cung tràn ngập sự nguy hiểm. Cậu tư duy khác đi và dần tin vào những điều tưởng chừng bất khả thi.
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay nhầm lẫn rằng niềm tin định nghĩa con người chúng ta. Thế nên ta lo sợ khi thay đổi niềm tin, nghĩa là ta không còn là chính mình. Nhưng trên thực tế, niềm tin đúng đắn có thể nâng đỡ chúng ta phát triển nhưng niềm tin sai lầm có thể dẫn chúng ta tới thất bại và đau khổ.
Tôi biết nhiều người phụ nữ Việt Nam vẫn xem hôn nhân là mục đích đời mình nên khi người chồng vũ phu hay ngoại tình, họ không dám ly hôn vì sợ mang tiếng một đời chồng, sợ sẽ không thể có được hạnh phúc nữa và lúc đó hôn nhân thực sự trở thành một nấm mồ.
Trong kinh doanh, chỉ cần một niềm tin cố chấp có thể kéo đổ cả một doanh nghiệp. Hãng máy ảnh Kodak đã quá tin vào thành công của máy ảnh phim và phớt lờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số nên phải phá sản. Công ty băng đĩa Blockbuster Video đã tin rằng người ta sẽ xem bằng video mãi mãi.
Những niềm tin sai lầm đã dẫn đến họ không chịu thay đổi để thích nghi với thời đại và hậu quả phá sản là không thể tránh khỏi. Giá như Kodak chịu sản xuất máy ảnh số - một phát minh của nhân viên mình. Những chữ "giá như" nghe có vẻ đơn giản nhưng đằng sau đó là những nỗ lực, những dũng cảm dám thay đổi, dám tiến lên phía trước, dám vứt bỏ những niềm tin cũ (đôi khi đó còn là niềm tự hào, sự tự tin thái quá) để bỏ lại những điều không có ích để xây dựng một niềm tin mới như Ù Lì đã vứt bỏ búa và hành lý, bỏ đi niềm tin rằng mình đã đúng và bạn đã sai.
Cũng giống như phần đầu tiên Ai lấy miếng pho mát của tôi?, cuốn Đào thoát khỏi mê cung không phải là những triết lý đao to búa lớn. Đó là câu chuyện giữa những giờ nghỉ trưa dành cho những ai đang tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống và công việc.
Đào thoát khỏi mê cung tuy không dài nhưng rất hữu ích cho tất cả mọi người nghiền ngẫm về những quyết định của chính mình trong cuộc sống. Cuốn sách giúp ta rũ bỏ những hành trang cũ, những niềm tin sai lầm đang níu giữ bạn để tạo nên một tương lai hạnh phúc, mãn nguyện hơn.
Tú Oanh
Sách 'Tư duy đột phá': Lợi ích của việc xây dựng giải pháp tương lai
Một người muốn đạt được những kết quả đột phá liên tục thì người đó rất cần có những lý tưởng và tầm nhìn cao cả.