- Dân mạng Nga cố tìm căn nguyên của “mua bán điểm” qua vụ việc tại một trường đại
học vùng Sibir gần đây, để khắc phục. Khám phá hai dòng chảy của tham nhũng ở ĐH: học
trò “trọc phú” mua điểm, và giảng viên “quái” tống tiền. Cùng kỳ, thống kê cho hay,
tham nhũng ở Nga “mạnh” nhất trong ngành cảnh sát giao thông, trong các vườn trẻ, và
trong giảng đường đại học.
Cung và cầu
Nhất trí với các thành viên mang nickname “Thứ sáu”, “Abba”, sinh viên “zet” cho biết có hai loại sinh viên, loại thứ nhất đến trường để thu nhận kiến thức, loại thứ hai chỉ cần bằng; loại thứ hai sẵn sàng “mua điểm”.
Thường thì rất ít giảng viên lộ mặt trên các diễn đàn phê phán “bán điểm”. Nhưng có một nick là deda 50 (có thể dịch ông già ngoài 50) hỏi cả diễn đàn: các vị có biết lương của giảng viên bao nhiêu không? Với 25 ngàn rúp (khoảng 800 USD), đời sống của giáo sư Nga chưa thể xem là ổn.
Các thành viên khác bổ sung, là Phó giáo sư của “trường điểm”, như ĐH Y Sibir, nếu không ở khoa Lâm sàng, lương có thể chỉ khoảng hơn 400 USD thôi, giới cán bộ giảng dạy có mức lương nằm ở khoảng giữa hai mức này... Tuy nhiên, thành viên Dobrij_Prepod (giảng viên tốt bụng) không nhất trí với ý kiến này, cho rằng lương của giảng viên Nga không thể là nguyên nhân để có thể “tống tiền” sinh viên, thường có mức học bổng kém hơn giảng viên tới 10 lần (1300 rúp/khoảng hơn 40 USD).
Ở những trường đòi hỏi cao về thực học, chuyện “mua bán điểm” ít hơn. Có những trường đang trở thành “tụ điểm” cho học sinh “dốt” nhưng cần bằng cấp – các trường này luôn được xếp hạng (rating) thấp. Thành viên Tenerife cho rằng từ khi xuất hiện các sinh viên học theo diện “trả tiền”, chợ buôn bán điểm định dạng rõ rệt, rằng không nên bàn chuyện trường này “bán điểm” đắt hơn, trường kia rẻ hơn, mất thì giờ, “vì (trong) cả nước hiện nay đều như thế”. zxc01 đồng ý với Tenerife và Dobrij_Prepod, rằng chừng nào còn đầu vào thoáng cho các sinh viên “mít đặc” chịu mất tiền để có bằng cấp, thì tham nhũng còn hoành hành trong giảng đường, dù lương của giảng viên ở mức nào đi nữa.
Newmann, được sự đồng thuận của một số thành viên khác, cho hay số tiền 1.000 rúp (30 độ) mà nữ giảng viên ĐH Kiến trúc – Xây dựng lấy của sinh viên, để rồi bị bắt, không phải là tiền “hối lộ”. Đó chỉ tiền “bồi dưỡng độc hại” do phải làm việc với những kẻ ngu đần. Và nhất là khi “trọc phú” thành tâm dâng cúng, sao “bọ” lại không nhận nhỉ…
Quen mui, bén mùi
Thành viên modwaxed, làm việc cho Phòng giáo dục sở tại cho biết, cả ở các trường đại học lẫn cơ quan quản lý giáo dục, đều có ăn hối lộ. Để chấm dứt chứng bệnh mãn tính này, cần phải thay đổi chính quyền, nhất là những kẻ ngồi quá lâu. Modwaxed cho biết bộ phận tài vụ của các cơ quan quản lý giáo dục làm đủ mánh khóe gian lận để qua mặt thanh tra, đồng thời có những “dây” kết nối quản lý – tài vụ - viện kiểm sát, nên thanh tra nhiều mà vẫn ‘bó tay’. Rằng bản chất của tham nhũng trong giáo dục là “tham ô tập thể”, ăn tiền từ trên xuống dưới.
Còn Nttn bình luận giáo dục Nga đang sai về hướng đi. Trong số cùng lớp với Nttn, những “bạn” nào học giỏi thường chọn ĐH Tổng hợp hoặc ĐH Bách khoa, cho dù sau khi tốt nghiệp ra, chỉ có 30% con ngoan trò giỏi này có điều kiện làm đúng nghề. Kiến thức dạy trong nhà trường vẫn xa với đòi hỏi của xã hội hiện tại. Trong khi đó các bạn học yếu hơn thì chọn các trường như Kiến trúc – xây dựng, hay sư phạm... Tuy nhiên, đầu ra của ĐH Kiến trúc – Xây dựng, chẳng hạn, lại rất cần trong nền kinh tế hôm nay. Vậy là đã “tậm tịt”, dễ dính “tiêu cực”, mà vẫn “đắt hàng”!
Phụ huynh pbyfblf đồng ý với một số thành viên diễn đàn, rằng nữ giảng viên “bán điểm” với giá 1.000 rúp thì bị bắt, còn những kẻ bán với giá cao hơn nhiều thì vẫn chưa bị sờ gáy.
Vài thành viên khác lập tức tán thưởng đây là tình trạng chung của tham nhũng ở các lĩnh vực, trên cả nước, kiểu “cá nhỏ mắc lưới, cá to phá lưới mà ra”.
Thuyền rách có lành?
Newmann nghĩ rằng giáo dục Nga nên đi theo xu hướng thị trường tự do, càng giàu và càng dốt thì càng phải trả nhiều hơn.
Pila cho hay, ở Đức sau hai năm học, sinh viên cần phải qua sát hạch về “độ phù hợp với ngành nghề”, nếu không qua được thì không được nhận vào bất cứ trường nào có chuyên ngành tương tự.
Ở Nga hiên nay, bị thôi học trường nay thì nhập trường khác, cùng chuyên ngành. Một kinh nghiệm khác của Đức là xử lý tiêu cực đến tận gốc. Chẳng hạn khi vị Bộ trưởng quốc phòng Đức đạo văn, thì không chỉ mất chức, mà những giáo sư nào đã hướng dẫn vị này trước bảo về đều bị “sờ gáy”....
TatianaV đề xuất cần chấm dứt hiện tượng các giảng viên viết tiểu luận, luận văn cuối khóa, luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, hiện rất phổ biến trong mọi trường ĐH ở Nga. Rằng đây chính là một dạng tham nhũng.
Tcz, tốt nghiệp ĐH Kiến trúc – Xây dựng này nhiều năm trước, thành đạt, đến hôm nay vẫn biết ơn thày cô thời xô viết.
Bà viết rằng trường ĐH Bách khoa sở tại đã luôn cố đánh bóng minh từ xưa đến nay, nhưng khi “cải tổ” của Gorbachov xảy ra, các nhà hóa học, công nghệ, điều khiển học, toán học (tốt nghiệp Bách khoa)... phải ra chợ bán hàng thuê. Đến hôm nay, phần lớn cử nhân, kỹ sư của trường Bách khoa vẫn không tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành.
Nguyên nhân vẫn là trường Bách khoa cố tô son vẽ phấn cho mình, để hút sinh viên giỏi vào, qua đó mà hút được tiền nhiều hơn từ ngân sách giáo dục của nhà nước.
Tcz nghĩ rằng các trường ĐH Nga hôm nay nên trọng thực học, “trọng đạo”, không nên phô trương màu mè, càng không nên tung tin, “xì...” lẫn nhau, tăng bậc trên bảng xếp hạng đại học cho trường mình bằng cách “dìm hàng” trường khác…
- Lê Đỗ Huy