Truyền hình OTT đang bị cạnh tranh bởi các trang phim lậu. Ảnh có tính minh họa Internet |
NetFlix được coi là đối thủ đáng gờm của các nhà cung cấp dịch vụ OTT trên toàn cầu nói chung. Trong mấy năm qua Netflix đầu tư không ít tiền của để sản xuất những nội dung riêng, nội dung độc quyền khiến cho ứng dụng OTT này càng trở nên ăn khách. Năm 2015, Netflix đầu tư 5 tỷ USD để sản xuất nội dung có bản quyền, thì đến năm 2018 con số này là 7 tỷ USD. Tính đến hết năm 2018, Netflix có khoảng 130 triệu thuê bao trên toàn cầu, trong đó ở Việt Nam có khoảng hơn 300.000 thuê bao sau hơn 3 năm.
Theo phân tích của một số nhà chuyên môn, Netflix khó bùng nổ ở Việt Nam vì dù giá thuê bao không cao, gói cao nhất là 260.000 đồng/tháng chia sẻ có 5 thiết bị, nhưng số lượng phim có phụ đề tiếng Việt tương đối ít, chủ yếu là những bộ phim cũ, do đó Netflix được coi là dịch vụ kén khách, nên rất khó thu hút được số đông khán giả ở Việt Nam.
Với dịch vụ truyền hình OTT, các gói khuyến mãi và cho xem thử miễn phí trong vòng 1 tháng là vũ khí để lôi kéo khách hàng, nhưng chính nội dung mới là thứ giữ chân họ lâu dài. Năm 2018 có thể coi là năm nhiều khởi sắc đối với truyền hình OTT ở Việt Nam khi các hãng truyền hình trả tiền và các công ty cung cấp dịch vụ OTT đều tăng cường đầu tư cung cấp nội dung đặc sắc dịch vụ OTT đến người dùng. Nếu những năm trước đây các nhà cung cấp nội dung thường chú trọng vào đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thì năm 2019 các nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ tập trung vào khách hàng, thu hút người dùng vào những nội dung đặc sắc, nội dung mua độc quyền. Sự phát triển đa dạng của các thiết bị điện tử cá nhân, cũng như tốc độ băng thông Internet được cải thiện, đã làm tăng “sức tiêu thụ” các nội dung OTT ở Việt Nam trong những năm tới.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của dịch vụ OTT đó là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên những trang phim lậu. Trên Internet đang tồn tại hàng trăm trang web OTT lậu, cung cấp nội dung không có bản quyền nhưng thu hút lượng người xem rất cao.
VTV là đơn vị sản xuất nội dung lớn nhất ở Việt Nam, nhưng cũng là đơn vị bị ăn cắp bản quyền nhiều nhất. Theo đại diện của VTV, ngăn chặn vi phạm bản quyền là thách thức lớn nhất hiện nay, bất cứ một chương trình ăn khách hay một bộ phim mới nào vừa phát sóng là ngay lập tức bị livestream lậu trên mạng.
Vì vậy, theo ý kiến của nhiều người, đối với các nhà cung cấp dịch vụ OTT, để cạnh tranh với OTT lậu trong nước còn khó khăn hơn cạnh tranh với doanh nghiệp OTT nước ngoài. Nếu vấn đề vi phạm bản quyền không được giải quyết thì đơn vị kinh doanh nội dung hợp pháp không thể phát triển được.
Câu chuyện ngăn chặn vi phạm bản quyền nội dung số trên Internet được nói đến từ nhiều năm nay nhưng cũng không thu được kết quả khả quan. Để bảo vệ bản quyền nội dung, hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình của Việt Nam đang áp dụng giải pháp bảo mật DRM của nước ngoài. Hạn chế của việc dùng các giải pháp bảo mật của nước ngoài là chi phí khá đắt đỏ, việc triển khai kết nối để lấy mã bảo mật từ máy chủ của nước ngoài khá phức tạp. Hơn thế nữa, nếu các đối tượng thực hiện quay phát trực tiếp từ màn hình tivi để phát lại thì hầu như không có biện pháp nào ngăn chặn kịp thời.
Mới đây, một doanh nghiệp trong nước là Công ty Thủ Đô Multimedia đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp mã hóa nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung). Hiện tại, Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp Việt duy nhất phát triển thành công giải pháp DRM+Finger Print Online, các giải pháp này được phát triển hoàn thiện theo đúng chuẩn bảo mật quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia) cho biết, đội ngũ kỹ sư của Thủ Đô Multimedia đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số trên môi trường mạng, bằng cách kết hợp DRM (giải pháp mã hóa nội dung số) và Finger Print Online (giải pháp phát hiện nguồn phát tán nội dung).
Bằng việc sử dụng giải pháp DRM trong nước, ngoài nhiệm vụ chính là mã hóa các nội dung số để ngăn chặn việc sử dụng trái phép luồng nội dung,các đơn vị cần bảo mật bảo mật nội dung cũng hoàn toàn kiểm soát và chủ động việc triển khai (có thể cài đặt trực tiếp trên máy chủ tại các trung tâm dữ liệu nội bộ), nhanh chóng hỗ trợ khi xảy ra sự cố cũng như nâng cấp hệ thống.
Giải pháp của Thủ Đô MultiMedia đã hỗ trợ được hầu hết các nền tảng cho truyền hình OTT và báo điện tử bao gồm: Trình duyệt, Smart TV, Smart Box (TV Box, Android Box) và Ứng dụng trên Smart Phone (iOS, Android). Ưu điểm nổi bật trong hỗ trợ trình duyệt đó là giải pháp hoàn toàn thân thiện với người dùng, khách hàng chỉ việc mở trình duyệt và xem các nội dung mà không bị yêu cầu cài thêm bất cứ một modul bảo mật mở rộng nào. Với mảng Smart TV, giải pháp bảo vệ bản quyền cũng hoạt động tốt trên các dòng TV của Samsung, LG, Sony, Panasonic,Asanzo…
Với giải pháp bảo vệ nội dung truyền hình bằng kết hợp DRM và Finger Print Online của Thủ Đô Multimedia về cơ bản đã ngăn chặn được vấn đề vi phạm bản quyền nội dung thông qua việc lấy luồng tín hiệu cũng như quay phát từ màn hình. Việc này cũng giúp cho các đài truyền hình an tâm hơn khi đối tượng vi phạm không thể chèn bất cứ nội dung (ví dụ âm thanh bình luận bóng đá) hoặc can thiệp vào nội dung đang phát, cũng như khi phát hiện nội dung bị can thiệp, cũng có thể tức thời thực hiện việc khóa luồng cũng như nắm bắt chính xác khách hàng nào đang vi phạm việc sử dụng nội dung bản quyền.