Giá thuê bao bình quân (APRU) truyền hình trả tiền ở Việt Nam đứng vào hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN, tầm 4USD/thuê bao/tháng. Trong khi đó, chi phí mua bản quyền nội dung ngày càng đắt đỏ, nhất là giá bản quyền các nội dung thể thao quốc tế mùa giải sau luôn bị hét giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba bốn lần mùa giải trước. Thị trường cạnh tranh khốc liệt khiến cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình phát triển thuê bao rất khó khăn, số lượng thuê bao phát triển mới có khi không bù lại được số thuê bao rời mạng.
Truyền hình trả tiền liên tục rớt giá
Tại sao dịch vụ truyền hình của Việt Nam lại rớt giá một cách thê thảm như vậy, đại diện FPT Telecom chia sẻ, ARPU truyền hình tại Việt Nam có xu hướng giảm trong khi thị phần truyền hình không tăng nhiều do nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến là cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, cạnh tranh về giá và ưu đãi thuê bao cho khách hàng. Trong những năm qua, Truyền hình FPT phải đối mặt với những cạnh tranh về giá trên thị trường và tỷ lệ rời mạng rất cao để chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác.
Trước tình cảnh khó khăn như vậy, doanh nghiệp truyền hình phải làm cách nào để có thể khai thác kinh doanh được? Đại diện FPT Telecom cho biết, Truyền hình FPT xác định mục tiêu kinh doanh bằng những nội dung mới lạ, phong phú và phát huy tối đa thế mạnh về công nghệ và tính tương tác để thu hút khách hàng. Vì chi phí đầu tư vào nội dung lẫn phát triển công nghệ rất tốn kém nên Truyền hình FPT xác định không chạy đua về giá.
Theo ông Phan Thanh Giản, CEO ClipTV, vì có nhiều nhà cung cấp dịch vụ cạnh tranh nên để thu hút khách hàng, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải hạ giá thuê bao xuống. Cũng vì nhiều nhà cung cấp dịch vụ nên đơn vị bán bản quyền nội dung cũng tăng giá làm sao có lời nhất. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp truyền hình nói chung cũng như ClipTV nói riêng. Vì vậy, tuỳ vào điều kiện, nền tảng công nghệ và sản phẩm, mỗi công ty sẽ tối ưu tối đa chi phí để thu hút càng nhiều thuê bao càng tốt. Để kinh doanh được, ClipTV phải tập trung vào tối ưu sản phẩm, tập trung vào chăm sóc khách hàng trên những nội dung mình có được để thu hút khách hàng.
Dịch vụ truyền hình trả tiền trong mấy năm gần đây có mức tăng trưởng rất chậm, năm sau chỉ cao hơn năm trước vài trăm ngàn thuê bao, trong khi chi phí đầu tư vào nội dung của các đơn vị truyền hình ngày càng cao.
Truyền hình trả tiền tiếp tục kiến nghị quản lý giá cước và khuyến mại
Bộ TT&TT đang có kế hoạch cùng với Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam để tìm ra giải pháp có thể nâng được APRU lên. Thế nhưng, gần đây liên tiếp các dịch vụ truyền hình OTT giá rẻ bắt đầu ra thị trường. Trong nước có dịch vụ VTVcab ON, OTT xuyên biên giới có thêm Tencent và Baidu đã cung cấp dịch vụ OTT giá thấp vào thị trường Việt Nam cho thấy xu hướng APRU sẽ khó có thể tăng lên, mà còn có nguy cơ ngày càng giảm xuống.
Vậy việc nhà nước ban hành chính sách quản lý giá cước dịch vụ truyền hình trả tiền liệu có là biện pháp chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn trên thị trường hiện nay hay không? Đại diện FPT Telecom cho rằng: “Từ thực tiễn trên thế giới cho thấy có nhiều quốc gia phát triển có áp dụng các chính sách quản lý giá cước và khuyến mại để các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ và những nội dung thế mạnh của từng đơn vị phù hợp với từng nhóm khách hàng. Từ đó giúp các đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền sẽ phải có chiến lược dài hơi hơn, và sẽ đầu tư vào những nội dung chất lượng hơn để phục vụ khách hàng”.
Đại diện Clip TV cũng đồng tình khi cho rằng: “Thật tốt nếu có khung giá chung cho thị trường”. Song đại diện Clip TV cũng lưu ý với xu hướng cạnh tranh hiện nay trong lĩnh truyền hình OTT trên thế giới thì việc định giá cả là do doanh nghiệp tự đưa ra dựa trên kế hoạch kinh doanh làm sao hiệu quả nhất. Giá APRU giảm đồng nghĩa với việc phát triển thuê bao phải tăng lên mới có thể tiến đến điểm hoà vốn, hoặc nếu tăng APRU lên thì dịch vụ phải có nội dung thật đặc sắc, độc quyền.
Việc giá dịch vụ truyền hình bị đẩy xuống thấp còn có nguyên nhân xuất phát từ hiện tượng bù chéo giữa phát triển Internet và truyền hình. Các nhà mạng viễn thông, truyền hình kéo cáp Internet đến đâu thì bán luôn dịch vụ truyền hình đến đó, hoặc nhà khách hàng nếu có Internet thì lắp thêm dịch vụ truyền hình với giá thuê bao tháng rất rẻ chỉ từ 20.000 – 40.000 đồng/tháng. Với cách tính combo 3 dịch vụ trong 1 hợp đồng thì người dùng không biết rõ giá cả của mỗi dịch vụ là bao nhiêu. Và nếu cơ quan quản lý có xem xét thì đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không bị coi là phạm luật.
Liên tục từ năm 2014 tới nay các đơn vị đang khai thác dịch vụ truyền hình như VTC, VTV, VNPT, SCTV, VTVcab đã từng nhiều lần kiến nghị nhà nước quản lý giá để chống bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình, đồng thời đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền để chống bán phá giá. Việc quản lý này nhằm chống nạn bán phá giá, hạ giá để cạnh tranh không lành mạnh, tận diệt đối thủ đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường truyền hình trả tiền.