- Câu chuyện hy hữu có một không hai trên đất nước Việt Nam lại tồn tại ở làng Chóa, thôn Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Cả làng thành lập đội “tự vệ đỏ” có một nhiệm vụ tối thượng, đấy là ngày đêm canh giữ cây sưa hàng trăm năm tuổi trồng trước cổng đền Chóa – công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ấy là khi có một nhóm thương lái từ đâu lần đến, và đặt thẳng vấn đề trả 1,5 tỷ đồng để đổi lấy cái cây cổ thụ mọc sát mé hồ trước cửa đền Chóa. Lúc ấy, các cụ cao tuổi trong làng mới “ngã ngửa”, rằng đền làng mình có cả một kho báu mà không ai biết. Thế là, “cuộc chiến” của làng Chóa để giữ cây gỗ quý bắt đầu.

“Kho vàng” trước đền Chóa

“Đánh tiếng” hỏi thăm đường từ mãi mạn Từ Sơn, rồi thông một thôi đường đê của con sông Cầu nhất mực hữu tình đất quan họ Kinh Bắc, cuối cùng tôi cũng tìm được đến làng Chóa, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong. Dũng Liệt là xã thuần nông, nên thành thử, làng Chóa cũng là ngôi làng nhất mực chân chỉ của vùng đồng bằng Bắc Bộ: nhà ngói cây mít, đường thôn ngõ xóm lát gạch nghiêng, đỏ au; phiên chợ làng họp dưới bóng râm của chục cây cổ thụ khép tán tròn vành vạnh, và lao xao với cảnh mua bán mớ rau, mớ tép dân dã.
 
Di tích lịch sử đền Chóa, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: K.Trung

Lấy hết can đảm, cuối cùng tôi cũng cất lời thành thật hỏi thăm anh chàng thợ rèn đang xoay trần kéo bễ tôi liềm gặt ở trước cổng chợ, rằng cái cây sưa quý ở trước cổng đền Chóa có còn hay không, vì lý do, Hà Nội thời gian qua, cây sưa to bằng cổ chân đã bị sưa tặc rình mò đốn hạ, nên chắc chắn người dân sẽ nâng cao cảnh giác.

Nếu hỏi không khéo léo chắc chắn rất dễ bị “ăn đòn” hay bị hiểu lệch theo hướng khác. Anh thợ rèn chợ quê ngừng quai búa, rồi hồn nhiên chỉ: đấy, cái khu xanh um bóng cây cổ thụ kia là đền Chóa. Chú cứ vào đó, có các cụ trong BQL Di tích trong đó!

Đền Chóa nằm trên khu đất cao, có lẽ là cao nhất của làng Chóa, và ở vị thế cực kỳ phong thủy: trước đền là hồ nước rộng vài ha, trong leo lẻo, không có bất cứ một đám bèo nổi hay rong rêu nào; xung quanh hồ là cây cổ thụ chen chúc, tán tròn xoe, không lọt nắng, hoặc giả chỉ có hoa nắng lốm đốm xuyên qua.

Khu đền chính năm gian, kiến trúc nội công ngoại quốc, có hai nhà dâng lễ hai bên. Cột gỗ lên nước láng bóng, nóc nhà đền có hai lớp ngói xếp tầng, uốn cong mềm mại như bàn tay em gái đêm hội chèo. Không gian cổ kính, khoáng đạt khơi gợi cái thiện trong lòng người đến, chứ tịnh không có bất kỳ điều gì có thể làm dấy lên ý niệm hải hồ…

 

Cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang là "mục tiêu bảo vệ" ngày đêm của "đội tự vệ đỏ" làng Chóa. - Ảnh: K.Trung
Nhìn qua khe cửa sổ hoa to bằng cái tấm liếp ép dưa. Có tiếng rì rầm nói chuyện của mấy người đàn ông đứng tuổi. Thấy có khách lạ, cả ba người đàn ông đều đứng dậy và nhìn chúng tôi với thái độ hơi... cảnh giác.

"Đội tự vệ đỏ" bảo vệ... sưa

Chúng tôi giới thiệu là nhà báo, họ mới cho biết mình ở đây với nhiệm vụ trông coi đền, kiêm luôn “cảnh giới” cây sưa cực quý ở trước cửa đền. Ông Nguyễn Duy Oanh, 67 tuổi, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Chân Lạc quả quyết: cây sưa này không dưới 150 năm tuổi, bởi cứ tính thảy từ đời cụ kỵ ông bà đến giờ, đời ông là đời thứ ba, tóc đã chuyển màu mà vẫn thấy cái cây này nó sừng sững từ hồi ông còn bé tý.

Ông Oanh vui chuyện: “Dưới gốc đa ngoài cửa đền có một cái bia đá. Năm 1999, có người của Sở Văn hóa về đọc chữ Nho trên đó và bảo nó đã có 128 năm rồi. Bia đá đó ghi lại công đức của những người đã hiến ruộng để mở rộng hồ bán nguyệt. 

Khi đó, chắc chắn đã phải có cái cây này rồi, vì người ta chỉ mở rộng hồ đến gốc cây là dừng lại”. Chiếc hồ rộng gần một mẫu, được gần chục hộ dân trong xóm Chóa góp bảy sào ruộng công điền. Gần một vạn ngày công của cả làng góp lại, chiếc hồ bán nguyệt mới hình thành.

 
Những vồng rễ khổng lồ tỏa trên mặt đất để tìm chất nuôi cây. - Ảnh: K.Trung

Nói rồi, các cụ trông coi đền cho chúng tôi địa chỉ của ông trưởng thôn xóm Chóa, tên là Ngô Thế Hồng. Ông Oanh bảo: anh phải thông qua anh trưởng thôn, anh ấy đồng ý thì chúng tôi mới tiếp anh được. Phép vua thua lệ làng, các cụ trong BQL đã thống nhất cái lệ ấy, chúng tôi không thể không thực hiện”.

“Thủ tục hành chính” ấy rồi cũng qua, vì tiếng là “vòng vo Tam Quốc” như thế, chứ người dân quê bản tính chân chất, nhưng thẳng mực tàu. Trưởng thôn mặt đỏ ửng vì nắng đầu hè, cơ chừng anh vừa bươn bả đi việc công, việc làng… Thấy chúng tôi “đề xuất”, anh sốt sắng dẫn đường để chúng tôi tận sở thị cây sưa hàng trăm tuổi của đền Chóa.

Cành sưa rủ phía hồ nước bị kẻ xấu chặt trộm được các cụ trong BQL di tích cất giữ như một vật quan trọng không phải ai cũng được xem. - Ảnh: K.Trung

“Cây vàng cây bạc” đứng ở ngay mé phải trước cửa đền, gần với bờ hồ. Thân cây có đường kính hơn một vòng ôm người lớn, trưởng thôn Hồng phải giang tay hết cỡ mà người vẫn cứ đu đưa như đang tập bơi. Bộ rễ của cây đại thụ choải khắp mặt đất, từ gốc thân chính, tõe ra xung quanh để tìm chất nuôi cây; những vồng rễ lớn vồng lên như những con vật. Anh trưởng thôn tỏ vẻ am tường: cứ vào mùa tháng ba là cây trổ hoa, những chùm hoa trắng ngà, li ti rất đẹp.

Cùng với cây sưa cổ thụ, đền Chóa còn có bốn cây đại thụ khác, được trồng để trấn bốn phía đền. Đó là cây sanh khổng lồ, cây cọ, cây lim và cây sưa này. Cây sanh cổ thụ ôm kín cái miếu thờ trước chiếc hồ bán nguyệt, đến nỗi trưởng thôn Hồng phải vạch đám rễ rủ lòa xòa phía trước mới nhìn thấy bức tường xây đền cổ kính, bị cây “nuốt chửng” tự bao giờ.
 
Cây lim cổ thụ bị đốn hạ từ những năm 60 để lấy gỗ làm cửa nhà kho, một phần chia cho mỗi thôn mấy tấm để chắn thóc, che chuồng lợn. Sau này, có vài nhà mang số gỗ quý đó nộp lại cho xã. Bây giờ, nó được dùng để làm nhà tạm cho bảo vệ ở.

“Khi hạ cây xuống người ta đo được độ dài của nó đến gần 50 mét!” – ông Oang tiếc rẻ. “Trước, người làng lấy cái tán cây xanh ngút, cao nhất làng để làm mốc. Cứ khi nào nhìn thấy cái tán xanh đó là biết sắp về đến làng! “Bạn đồng niên” còn nhiều tuổi như thế, cũng biết cây sưa già cỡ nào”.

Câu chuyện về cây sưa cổ thụ đền Chóa hẳn sẽ mãi bình yên và không có gì xảy ra, nếu như không có sự xuất hiện của mấy tay thương lái đánh xe hơi lên “dòm ngó” rồi thẳng thắn ngã giá hỏi mua cây sưa cổ thụ đền Chóa với giá 1,5 tỷ đồng. Số tiền ấy đối với đền Chóa là một tài sản khổng lồ, và có thể đủ để làm mới toàn bộ khu di tích đang xuống cấp trầm trọng. Nhưng, cũng chính vì nó quá lớn nên đã khiến các cụ bô lão bắt đầu hoài nghi!

Di Linh

(còn tiếp)