- TS Trần Đình Bá đã có thư trả lời Bộ trưởng GTVT liên quan đến kiến nghị bỏ đường sắt 'cổ điển', tập trung cho đường sắt tốc độ cao.

VietNamNet xin lược ghi nội dung bức thư với hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện để có một phương án tốt nhất cho sự phát triển đường sắt Việt Nam

Đường sắt khổ 1 mét không thể có tốc độ 120 km/h !

Sau thảm họa lật tàu Dầu Dây – Đồng Nai 1983 làm trên 200 người chết và các cú lật tàu thê thảm kinh hoàng S1,  E1 …thì từ năm 2004 Bộ GTVT đã có “sáng kiến khẩn cấp” thực hiện ngay dự án lớn 26.500 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD, thời giá lúc đó) để đưa tà vẹt ngoại - tiêu chuẩn Nhật Bản 1.067 cắt ngắn thành 1 mét  thay thế loại tà vẹt bê tông 2 cục mét với mục đích tăng tốc 120 km/h để có tốc độ trung bình 80-90km/h .

{keywords}

 

Bộ GTVT và Đường sắt VN lúc đó tuyên bố “Đến năm 2010 Việt Nam sẽ có ĐS tốc độ 120km/h - hành trình Bắc Nam là 15  giờ”

Song, đến nay thời gian vượt quá 3 năm mà hành trình Bắc Nam vẫn 32 tiếng…  Như vậy,  dự án “Tân trang đường sắt cổ “ suốt 9 năm mang lại vẫn chỉ là “đường sắt tốc độ thấp” , nghĩa là tốc độ trung bình không thể vượt qua 50 km/h, hành trình Bắc – Nam vẫn chỉ là 32 tiếng  .

Nâng cấp đường sắt khổ 1 mét bằng tà vẹt BTCT dự ứng lực là sai lầm nghiêm trọng về cả luận chứng kinh tế lẫn kỹ thuật công nghệ đường sắt từ những năm 2004  do thời kỳ đó khi thực hiện dự án nâng cấp đường sắt 2 tỷ USD không thông qua Quốc hội và phản biện khoa học. 

Có thể nói, “sáng kiến đánh bóng đường sắt cổ vật" giống đúc như kiểu tân trang ụ tàu, tàu biển… của tư duy “tân trang đồ cổ “ tồn tại ba thập niên qua ở Bộ GTVT!

“Đường sắt đồ cổ" sau khi “tân trang" lại ngốn thêm 1.200 tỷ đồng hàng năm tiền thuế đóng góp của toàn dân để duy trì hoạt động cứ như “chiếc túi không đáy” của nền kinh tế .

Như vậy, tham vọng 120 km/h đã “tiền mất tật mang", còn để lại hệ lụy cho nhiều thế hệ, bức tử cả sự nghiệp khoa học công nghệ GTVT.  Khổ đường sắt 1 mét đang là "hàm chặn trên" (limitted upper) chặn đứng mọi nỗ lực sáng tạo của hàng trăm Tiến sỹ Bộ GTVT.   

Nay, “Tiếp tục nâng cấp khổ 1 mét tốc độ tối đa 120km/giờ để đạt tốc độ bình quân 100km/giờ" khác nào tiếp tục sai lầm vì bởi không ai dám “liều mình" ngồi lên để thử nghiệm tốc độ 120 km/h trên “đường sắt đồ cổ" chỉ 1 mét vì đó là “tốc độ tử thần”.

Cho đến nay, chưa có một ai dám đứng ra nhận “Sáng kiến nâng cấp đường sắt khổ 1 mét để đạt tốc độ 120km/h" là của mình để chịu trách nhiệm về thiệt hại do sai lầm cả về luận chứng kỹ thuật lẫn kinh tế, an toàn xã hội và cả QP-AN.

Phải xóa sổ “đường sắt đồ cổ" để có chỗ cho tốc độ cao!  

Sau “đổi mới" 1986, tất cả các bộ ngành đều thành công lớn, vậy mà Bộ GTVT thất bại nặng nề do “Đổi mới nửa vời với bảo tàng 3200 km đường sắt cổ" khổ 1 mét. 

Đến nay, dự án đường sắt “tân trang đồ cổ" đã thất bại, lời tuyên bố hùng hồn “đến năm 2010 hành trình đường sắt Bắc - Nam chỉ còn 15 tiếng đã “cuốn theo chiều gió“!

Với 3.200 km chạy dọc đất nước, đường sắt nước ta có giá trị tuyệt vời như một động mạch chủ nuôi sống cơ thể. Đường sắt là kho tài sản quốc gia khổng lồ trên 30 tỷ USD nên không thể được phép biến thành “đường sắt cổ vật”,  “bảo tàng đường sắt” hay như tàu biển đồ cổ để bán phế liệu! 

Tôi khẩn thiết đề nghị rằng chỉ cần đầu tư vào đó 5 đến 6 tỷ USD (chỉ chiếm 10% GDP) thì “lượng đổi – chất đổi", chúng ta sẽ có hệ thống đường sắt hiện đại tốc độ cao mà giá trị sử dụng cũng như giá trị tài sản quốc gia tăng gấp nhiều lần .

Thảm họa mỗi năm 12.000 người chết, 30.000 người bị thương, thiệt hại kinh tế 2 tỷ USD có nguyên nhân từ việc kìm hãm đường sắt khổ hẹp lạc hậu kéo dài làm “vỡ mặt trận đường sắt”, kéo theo hệ lụy quá tải gây thảm họa giao thông trên đường bộ!  

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”!

Hệ thống đường sắt 3.200 km chính là đường sắt quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược kinh tế xã hội lẫn QP – AN.

Hủy các dự án đường sắt cao tốc để làm đường sắt quốc gia tốc độ cao là một sáng suốt hợp lòng dân thì mong Bộ trưởng hãy hủy dự án “Tân trang đường sắt cổ vật” để tránh tổn thất nặng nề về kinh tế và hệ lụy “rác công nghệ đường sắt”, để nhanh chóng mở rộng đường sắt quốc gia 1 mét thành 1.435mm tốc độ cao 150-200 km/h .

Biến đường sắt khổ 1 m thành đường sắt quốc gia 1.435m tốc độ cao làm “Trục giao thông quốc gia” có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược Chính trị - Kinh tế - Xã hội - QP – AN.

Mở rộng đường sắt quốc gia 1.435 m tốc độ cao sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan và thông minh.

Hành trình Hà Nội – TP.HCM 12- 15 tiếng sẽ là hiện thực sinh động, là khát vọng toàn dân đang thu hút sự quan tâm của tất cả các đại biểu QH và cả cộng đồng. Nếu được Bộ trưởng Bộ GTVT nhanh chóng đặt lên bàn Chính phủ và Quốc hội thì “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Vũ Điệp (lược ghi)

Bạn có chung quan điểm với TS Trần Đình Bá hoặc có những quan điểm khác đóng góp cho sự phát triển của đường sắt Việt Nam? Xin gửi Email về banxahoi@vietnamnet.vn