Trải qua nhiều thử thách,
thiếu thốn về vật chất, TS. Thái Minh Tần, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty truyền
thông đa phương tiện VTC dành hết đam mê và trí tuệ để cống hiến cho ngành
truyền hình.
Muốn thoát nghèo phải học thật giỏi
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của Nghệ An, là con trai cả trong gia đình
có 12 anh em, tuổi thơ của ông là những ngày vất vả lam lũ cùng gia đình với
nhiều bữa đói cơm. Cha ông vẫn thường dạy: “Con phải học, học để nên người, học
để thoát nghèo”.
Cụ Lê Thị Cưu, mẹ của ông tâm sự: “Hồi đó, anh Tần cứ một buổi đi học một buổi
về đi cày, bắt cá ngoài ruộng. Cha mẹ nghèo, anh em thì đông, mà vượt khó để đến
nay được như thế này, tôi cũng phấn khởi”.
Thầy Lê Văn Điều giáo viên chủ nhiệm lớp 8C, trường cấp 3 Lê Hồng Phong ngày ấy
đã sớm phát hiện khả năng đặc biệt về học toán của cậu học trò này. Trong số 200
học trò của khóa đó, ông đã cử Thái Minh Tần đi thi vào lớp chuyên. Và kết quả
không phụ lòng tin tưởng của ông: Cậu trò Thái Minh Tần đã đỗ vào lớp chuyên
toán đặc biệt của tỉnh.
Thầy Điều kể lại: “Nhà Tần rất nghèo lại đông con nhưng cậu học trò này chưa bao
giờ vắng một buổi học nào. Cậu là một học trò nghiêm túc, từ nét chữ, cách lắng
nghe, ứng xử với bạn bè, thầy cô giáo. Là con người biết nghĩ, có tình có nghĩa,
mong là Thái Minh Tần sẽ tiếp tục mang đến cho đời, cho đất nước những thành quả
lớn lao hơn nữa”.
Nói đến khả năng học toán của ông, thầy Phạm San, chủ nhiệm lớp 8C trường cấp 3
Huỳnh Thúc Kháng, lớp chuyên đầu tiên của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ cũng chia sẻ:
"Tôi là chủ nhiệm lớp chuyên toán 8C trong đó có anh Thái Minh Tần. Anh Tần là
một trong những học sinh xuất sắc của lớp. Cuộc sống khi đó rất khó khăn và anh
Tần là một trong những học sinh tích cực nhất cùng các bạn trong lớp 8C ngày ấy
đồng cam cộng khổ để đưa tập thể lớp trở thành lớp tiên tiến xuất sắc".
Năm 1968, ông là một trong số những sinh viên ưu tú được cử sang CHDC Đức học,
nhưng do một số lý do khách quan từ phía nước ngoài nên ông không đi du học nữa
và ở lại trong nước làm sinh viên khoa Vô tuyến điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Năm 1972, khi đang học năm thứ tư Đại học, ông rời ghế giảng đường đi chiến đấu,
rồi được phân công công tác tại sư đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô, tham gia trận
chiến 12 ngày đêm lịch sử . Xuất ngũ, tháng 9/1975, ông học tiếp 2 năm và tốt
nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Rời giảng đường, ông về làm việc tại Đài
Truyền hình Việt Nam.
Người số hóa truyền hình Việt Nam
Những năm gắn bó công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam đã cho ông những kinh
nghiệm quý báu về lĩnh vực công nghệ truyền hình. Khi đó thị trường Việt Nam
đang rất thịnh hành phát sóng truyền hình theo chuẩn analog nhưng ông đã nhìn
thấy trước cần phải có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực truyền hình,
cuộc cách mạng số.
|
Ban đầu, Nhà nước chỉ cho phép tiếp phát lại nội dung của VTV. Dần dần ông đã chứng minh được năng lực về truyền hình số: Chuyển đổi máy phát tín hiệu analog sang máy phát số và chế tạo bộ chuyển đổi (Settop-Box) cho phép thu truyền hình số bằng TV thông thường.
Sự phát triển đột phá của Truyền hình kỹ thuật số VTC đã tạo ra nhiều ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước: tiết kiệm tài nguyên tần số quốc gia, phủ sóng truyền hình đến tận vùng sâu, vùng xa, từ biên giới đến hải đảo, đưa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi người dân, phục vụ tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho mọi đồng bào trên cả nước.
Hiện VTC đang cung cấp tới 100 kênh truyền hình, với 70 kênh SD VÀ 30 kênh độ nét cao HDTV, Truyền hình 3D, với đa phương thức truyền dẫn như: kỹ thuật số mặt đất, phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1, Asiasat 5; phát thanh truyền hình Internet, truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình IPTV. Đài truyền hình VTC sau khi ra đời đã làm thay đổi nhận thức của người xem truyền hình và trở thành Đài cung cấp số lượng kênh lớn nhất Việt Nam.
Năm 2006 Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tiến sĩ Thái Minh Tần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2010, ông vinh dự được nhận Cúp Thánh Gióng do văn phòng công nghiệp Việt Nam VCCI trao tặng cho 100 doanh nhân xuất sắc của Việt Nam.
Một tâm hồn nhân văn
Bao năm qua đi, nhưng ông vẫn vậy: chất phác và giản dị, vẫn đắm say với những khúc hát dân ca, những điệu đò đưa ví dặm. Phố Lê Phụng Hiểu chiều nào cũng vậy, ông đến đây chơi cờ cùng những người bạn sau giờ làm việc. Những lúc này trông ông thật giản dị và gần gũi.
Ông cho rằng thượng đế đều ban cho tất cả mọi người cơ hội, nhưng ai biết nắm bắt cơ hội thì người đó sẽ thành công. Và ông là người như vậy, luôn nắm bắt được cơ hội và đi trước đón đầu.
Khi được hỏi: "Điều gì hiện nay khiến ông trăn trở nhất?". Ông tâm sự: "mong ước lớn nhất và trăn trở nhất của tôi bây giờ là đưa Tổng công ty lên Tập đoàn để ngày một phát triển hơn nữa."
Tối ngày 30/5/2011, tại trường quay S4, Đài Truyền hình KTS VTC, ông lại vinh dự được nhận danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng do Đại học Tổng hợp Glyndwr (Anh quốc) trao tặng, cho công việc và những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện và phát triển giáo dục xứng đáng được trân trọng bởi cộng đồng học giả.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Thái Minh Tần xúc động chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng danh hiệu này không chỉ dành cho cá nhân tôi mà còn là sự ghi nhận những đóng góp cống hiến lớn lao của toàn bộ CBNV Tổng công ty VTC vì những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển nghành công nghiệp Truyền thông đa phương tiện, phát triển lĩnh vực giáo dục, phát triển con người tại Việt Nam.”
-
Trần Hoài Thu - Ảnh: Hồ Quang