NME đưa tin, một bộ quy tắc mới vừa được Facebook công bố trong tuần này đã khiến các ban nhạc bối rối, không biết điều gì có thể xảy ra nếu họ chọn tương tác với khán giả của mình thông qua các bài hát trên nền tảng này.
Theo đó, Facebook sẽ truy quét các tài khoản sử dụng nhạc có bản quyền khi phát trực tiếp (livestreaming) và điều này có thể khiến tài khoản của một nghệ sĩ bị xóa nếu không đáp ứng đủ điều kiện.
Từ 1/10, Facebook sẽ truy quét các tài khoản sử dụng nhạc có bản quyền khi phát trực tiếp và điều này có thể khiến tài khoản của một nghệ sĩ bị xóa nếu không đáp ứng đủ điều kiện. (Ảnh minh hoạ: Awal)
Tất cả những điều này là một phần trong nguyên tắc âm nhạc mới, được đánh giá là khá mơ hồ của Facebook, theo Metal Injection.
Cụ thể, Facebook đã công bố các điều khoản và nguyên tắc mới sẽ được áp dụng từ ngày 1 tháng 10 tới, trong đó có đề cập đến các nguyên tắc âm nhạc, nêu rõ rằng người dùng không được phép sử dụng video để “tạo trải nghiệm nghe nhạc”.
Facebook nêu rõ rằng người dùng không được phép sử dụng video để “tạo trải nghiệm nghe nhạc”. (Ảnh chụp màn hình)
“Bạn không được sử dụng video trên sản phẩm của chúng tôi để tạo trải nghiệm nghe nhạc”, điều khoản được đăng tải trên trang thông tin của Facebook cho biết.
“Chúng tôi muốn bạn có thể thưởng thức các video do gia đình và bạn bè đăng tải. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng video trên các sản phẩm của chúng tôi để tạo trải nghiệm nghe nhạc cho chính mình, hoặc cho người khác, video của bạn sẽ bị chặn và trang, hồ sơ cá nhân hoặc nhóm của bạn có thể bị xóa. Điều này bao gồm phát trực tiếp", theo điều khoản từ Facebook.
Theo Metal Injection, điều khoản của Facebook quy định nghệ sĩ phải đảm bảo rằng trang của họ có giấy phép thích hợp để phát trực tuyến nhạc của chính họ.
Điều khoản của Facebook quy định nghệ sĩ phải đảm bảo rằng trang của họ có giấy phép thích hợp để phát trực tuyến nhạc của chính họ. (Ảnh minh hoạ: Getty Images)
"Việc sử dụng âm nhạc cho các mục đích thương mại hoặc phi cá nhân nói riêng đều bị nghiêm cấm trừ khi bạn đã có giấy phép phù hợp", Facebook cảnh báo.
Cũng theo Facebook: "Nếu bạn đăng nội dung có chứa nhạc do người khác sở hữu, nội dung của bạn có thể bị chặn hoặc có thể bị chủ sở hữu bản quyền hiện hành xem xét và xóa nếu việc sử dụng nhạc đó của bạn không được cho phép đúng cách".
Facebook lên tiếng về điều khoản mới
Người phát ngôn của Facebook hiện đã xác nhận với NME rằng, mặc dù các quy định mới sẽ có hiệu lực trên nền tảng vào tháng 10, nhưng các nguyên tắc về âm nhạc này đã được áp dụng một thời gian, và sẽ không ảnh hưởng đến các nghệ sĩ sử dụng Facebook để phát trực tiếp hoặc chia sẻ âm nhạc của họ.
Facebook đã xác nhận rằng, các nguyên tắc về âm nhạc mới đã được áp dụng một thời gian, và sẽ không ảnh hưởng đến các nghệ sĩ sử dụng Facebook để phát trực tiếp hoặc chia sẻ âm nhạc của họ. (Ảnh: ShutterStock)
“Các nguyên tắc về âm nhạc trong Điều khoản dịch vụ của Facebook đã có từ năm 2018 và chúng tôi đã không thực hiện bất kỳ cập nhật nào kể từ đó,” Facebook cho biết. “Những điều khoản này được đặt ra để cân bằng giữa cam kết của chúng tôi trong việc mang đến trải nghiệm âm nhạc trên các nền tảng của mình, cũng như việc đảm bảo duy trì các thỏa thuận của mình với các chủ sở hữu nắm bản quyền, điều này vẫn sẽ không có gì thay đổi.”
Trong một bài đăng của mình trên Facebook Media Home vào hôm 20/5, mạng xã hội này từng đề cập đến việc "Giải thích nguyên tắc đưa nhạc vào video".
"Giải thích nguyên tắc đưa nhạc vào video" của Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
"Chúng tôi muốn khuyến khích việc biểu đạt âm nhạc trên nền tảng của mình, đồng thời vẫn đảm bảo việc tuân thủ các thỏa thuận với người giữ tác quyền âm nhạc. Những thỏa thuận này là để bảo vệ nghệ sĩ, nhạc sĩ và các đối tác - những nhân tố cốt lõi của cộng đồng âm nhạc. Chúng tôi rất cảm kích vì sự sáng tạo tuyệt vời mà họ mang lại cho chúng ta lúc này.
Sự cộng tác giữa chúng tôi với những người giữ tác quyền đã đưa mọi người đến với nhau, xoay quanh âm nhạc trên nền tảng của chúng tôi. Theo các thỏa thuận cấp phép, có những giới hạn về lượng âm nhạc được phép đưa vào video hoặc các buổi phát trực tiếp.
Mặc dù các chi tiết trong thỏa thuận cấp phép là bảo mật, hôm nay chúng tôi chia sẻ một số nguyên tắc tổng quát để bạn lên kế hoạch cho video thuận lợi hơn:
- Không có giới hạn về những nội dung như âm nhạc trong Tin hoặc các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống (ví dụ: quay phim một nghệ sĩ hoặc ban nhạc đang trực tiếp biểu diễn).
- Càng sử dụng nhiều bản nhạc ghi âm có thời lượng đầy đủ trong video thì khả năng bị giới hạn càng cao (xem thêm bên dưới để biết định nghĩ về "giới hạn").
- Bạn nên dùng các clip âm nhạc ngắn hơn.
- Luôn luôn nên có thành phần hình ảnh trong video, âm thanh không nên là mục đích chính của video.
Những nguyên tắc này là nhất quán đối với video trực tiếp cũng như quay sẵn trên cả Facebook và Instagram, đối với mọi loại tài khoản - tức là trang, trang cá nhân, tài khoản đã xác minh và chưa được xác minh.
Mặc dù chúng tôi cung cấp khả năng sử dụng âm nhạc trên nền tảng của mình ở hơn 90 quốc gia, nhưng vẫn có những nơi chưa sử dụng được âm nhạc. Do đó, nếu có nhạc thì video của bạn có thể không dùng được ở những nơi này", theo Facebook.
Facebook cũng nói rõ rằng, nếu bạn đang phát trực tuyến tài liệu có bản quyền, trước tiên họ sẽ đưa ra một cảnh báo yêu cầu bạn ngừng phát bài hát trước khi buổi phát trực tiếp bị xóa.
Facebook nói rõ rằng, nếu bạn đang phát trực tuyến tài liệu có bản quyền, trước tiên họ sẽ đưa ra một cảnh báo yêu cầu bạn ngừng phát bài hát trước khi buổi phát trực tiếp bị xóa. (Ảnh: Facebook)
"Chúng tôi biết rằng mọi người có thể thất vọng nếu buổi phát bị gián đoạn hoặc video phải tắt tiếng một phần do có nhạc. Để giảm thiểu những gián đoạn trên và tránh những băn khoăn về cách sử dụng âm thanh, chúng tôi cũng cải thiện thông báo trong sản phẩm của mình. Những thông báo này dùng để báo cho bạn biết khi hệ thống của chúng tôi phát hiện buổi phát hoặc video tải lên của bạn có khả năng đang dùng nhạc theo cách vi phạm thỏa thuận cấp phép của chúng tôi.
Giờ đây, các thông báo sẽ rõ ràng hơn và được hiển thị sớm hơn để người đang phát trực tiếp nhìn thấy. Như vậy, mọi người có thời gian điều chỉnh buổi phát, tránh bị gián đoạn nếu chúng tôi phát hiện họ có khả năng phạm phải giới hạn. Đồng thời, nếu video của bạn bị tắt tiếng hoặc bị chặn, chúng tôi sẽ nói rõ bạn có thể làm gì để không bị gián đoạn nữa."
BTS đã phá kỷ lục Guinness thế giới về buổi livestream được xem nhiều nhất với chương trình Bang Bang Con: The Live vào tháng 6 vừa qua. (Ảnh: Big Hit Entertainment)
Theo NME, nhiều nghệ sĩ đã sử dụng chức năng Facebook Live để tổ chức các hợp đồng biểu diễn trực tiếp trong vài tháng qua do ảnh hưởng của COVID-19. Chẳng hạn, BTS đã phá kỷ lục Guinness thế giới về buổi livestream được xem nhiều nhất với chương trình Bang Bang Con: The Live vào tháng 6 vừa qua.
(Theo Saostar)
Facebook thử nghiệm cho phép xem Stories Instagram ngay trên Facebook
Facebook tham vọng lớn trong việc tích hợp sâu hơn các dịch vụ mà mình sở hữu vào lẫn nhau.