- Theo Thông tư mới ban hành của Bộ TT&TT, giá cước kết nối mà các doanh nghiệp chuyển sản lượng điện thoại quốc tế chiều về phải trả cho mạng cố định hoặc mạng di động có thuê bao kết nối cuộc gọi sẽ là 1.100 đồng/phút.

{keywords}

Như vậy là so với mức cước 6-6.1 cent/phút đang áp dụng, tương đương khoảng 1.350 đồng/phút, thì giá cước kết nối mới rẻ hơn và có lợi hơn cho người dùng.

Có hiệu lực từ ngày 15/7, Thông tư số 13/TT-BTTTT ban hành ngày 25/5 quy định một số nội dung liên quan đến giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, với mục tiêu ổn định thị trường, ngăn chặn tình trạng phá giá giữa các doanh nghiệp. Mức giá 1.100 đồng nói trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước và không phải chịu thuế giá trị gia tăng, không phân biệt giờ cao điểm hay thấp điểm.

Văn bản này cũng nêu rõ Cục Viễn thông là đơn vị có trách nhiệm công bố giá cước trung bình của dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, cũng như tỷ lệ điều chỉnh bị cho là giảm giá cước quá thấp (bất hợp lý) cho từng thời kỳ. Những chỉ số này sẽ được tính toán dựa trên tình hình kinh doanh dịch vụ cũng như báo cáo giá cước thanh toán của các doanh nghiệp.

Về phần mình, căn cứ trên giá cước trung bình và tỷ lệ điều chỉnh giá cước quá thấp mà Cục Viễn thông công bố, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành đàm phán với các đối tác nước ngoài để thỏa thuận về sản lượng quốc tế chiều về Việt Nam. Hợp đồng dạng này phải có quy định ràng buộc về kinh tế, đảm bảo rằng đối tác nước ngoài thực hiện đúng sản lượng đã cam kết. Trên cơ sở thỏa thuận sản lượng đó, doanh nghiệp có quyền ký thỏa thuận với doanh nghiệp có thuê bao để mở kênh theo sản lượng tháng và kế hoạch năm.

Khi doanh nghiệp điều chỉnh giá thanh toán dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, họ sẽ phải báo cáo Cục Viễn thông chậm nhất sau 3 ngày giá cước mới được áp dụng.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh trái phép dịch vụ hoặc bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, Thông tư đã đưa ra quy định khá chặt về nghĩa vụ và những hành vi bị cấm đối với các doanh nghiệp có thuê bao. Chẳng hạn như doanh nghiệp có thuê bao không được hạn chế việc chuyển sản lượng điện thoại quốc tế chiều về, phải có biện pháp ràng buộc trách nhiệm thanh toán cước kết nối; phòng chống kinh doanh trái phép dịch vụ; đồng thời đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp có thuê bao cũng như không có thuê bao.

Đáng chú ý, Thông tư cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về phải có nghĩa vụ tham gia ký và thực hiện nghiêm Thỏa thuận phối hợp chống gian lận cước quốc tế, tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc phòng chống kinh doanh trái phép dịch vụ....

Trên thực tế, thời gian qua, không ít lần Thanh tra Bộ TT&TT cũng như cơ quan chức năng đã phát hiện được tình trạng có doanh nghiệp phá giá cước dịch vụ quốc tế chiều về. Cơ quan quản lý cũng thừa nhận, một trong những bất cập của lĩnh vực kinh doanh điện thoại quốc tế chiều về trong nước chính là việc nó chưa tuân theo cơ chế thị trường, không căn cứ theo mặt bằng chung của khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, quyền lợi giữa các doanh nghiệp không được đảm bảo bình đẳng cũng khiến cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng không muốn "mở mạng" cho các doanh nghiệp khác....

T.C