Trách nhiệm giải trình của các trường đại học được ví như “chân kiềng” để giữ thăng bằng cho các trường tự chủ.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiện nay, trách nhiệm giải trình hầu như đang được nhìn nhận và thực hiện rất khác nhau giữa các trường đại học và đôi khi, khái niệm giải trình cũng còn chưa được hiểu đúng.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, khi trường đại học được trao quyền tự chủ nghĩa là họ trở thành đối tượng được nhà nước trao quyền và trao gửi sứ mệnh. Nhà nước đóng vai trò tiếp nhận giải trình và do đó, nhà trường phải giải trình trước nhà nước.

Nhưng nhà nước không thể giám sát được tất cả, nên để giám sát hoạt động của các trường tự chủ, nhà nước thường đặt ra các quy tắc để xã hội cùng giám sát. 

Như vậy, các trường cần giải trình không chỉ với các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả với người học và xã hội. Các nội dung trường cần công khai minh bạch là báo cáo hàng năm về các chỉ số kết quả hoạt động; công khai trung thực báo cáo tài chính hàng năm; hàng năm cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện kiểm toán và công khai tài chính.

{keywords}

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong một buổi đối thoại với lãnh đạo trường.

Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, khi bàn về tự chủ đại học cần phải quan tâm đến lợi ích của người học. Cần phải làm rõ những thay đổi khi tự chủ sẽ đem lại cho người học điều gì, kể cả khi người học sẽ phải đóng học phí nhiều hơn. Nếu không làm rõ điều này, về phía người học, họ buộc phải đưa ra quyết định học tiếp hay tìm kiếm một ngôi trường khác có học phí thấp hơn.

“Điều này là không ổn”, ông Tùng nói.

Tại Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, PGS.TS Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, có rất nhiều thứ trường phải công khai rõ ràng, minh bạch cho người học như chương trình đào tạo, cách thức đào tạo, chế độ chính sách. Việc tăng trách nhiệm giải trình cũng sẽ làm tăng trách nhiệm của nhà trường đối với việc đào tạo...

“Chúng tôi đã làm hẳn một cuốn “Cẩm nang sinh viên” công khai mọi thứ liên quan đến người học... Chúng tôi còn tổ chức hình thức đối thoại giống như ở quốc hội. Có những buổi, sinh viên sẵn sàng đứng lên “chất vấn” Ban Giám hiệu và chúng tôi rất cổ vũ điều đó”.

Giải trình còn mang tính hình thức

Hiệu phó của một trường đại học ở Hà Nội cho rằng, khi nhắc đến giải trình, nhiều trường thường chỉ nghĩ đến việc giải trình cho các cấp quản lý thông qua một dạng báo cáo theo mẫu sẵn. Nhưng điều này không thực sự đem lại hiệu quả do còn mang tính thủ tục, hình thức.

“Trách nhiệm giải trình là việc nên làm của các trường và có thực hiện trách nhiệm giải trình, các trường mới có ý thức tốt trong việc thực hiện các quy định, cam kết về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình cũng là thúc đẩy các trường trong việc báo cáo công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm để người học, xã hội cùng đánh giá chính xác và khách quan nhất”, vị này nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, khi tự chủ đại học, các trường không phải thực hiện cơ chế xin - cho, nhưng không có nghĩa là tự do mà phải trong khuôn khổ pháp luật.

“Các trường cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, không chỉ với xã hội, mà với nội bộ, cán bộ sinh viên, người học trong trường và cơ quan quản lý nhà nước. Đó là cơ chế để thực hiện trách nhiệm giải trình”, Thứ trưởng Sơn nói.

TS Lê Trường Tùng cho rằng, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường công khai Đề án tuyển sinh hàng năm với các thông tin về đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất và tài chính, tiếp nối các báo cáo “3 công khai” trước đây. Đây là một bước tiến tới việc minh bạch thông tin.

“Ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc các trường đại học phải công bố công khai báo cáo thường niên là bắt buộc, trong đó phần báo cáo tài chính sẽ được cơ quan kiểm toán xác nhận.

Nếu tìm kiếm trên Internet, chúng ta sẽ dễ dàng có được các báo cáo công bố hàng năm từ các trường đại học Mỹ, Anh, Úc... với đầy đủ thông tin về trường, chiến lược phát triển, các số liệu, kết quả hoạt động trong năm và kế hoạch năm tiếp theo”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho rằng, việc yêu cầu công bố báo cáo đại học thường niên bao gồm báo cáo tài chính đại học có kiểm toán sẽ góp phần chuẩn hóa các nội dung quản trị đại học, tạo sự minh bạch thông tin, cụ thể hoá trách nhiệm giải trình đối với giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh tăng cường tự chủ.

Tại hội thảo Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức ngày 27/11, nói về trách nhiệm giải trình của các trường đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, quan trọng hàng đầu là phải có bộ quy tắc ứng xử một cách đầy đủ, phải giải trình hết sức chi tiết về nhân sự, tiền lương…, công khai để giáo viên, sinh viên, xã hội và những người quan tâm giám sát được.

Về việc xây dựng bộ quy tắc này, theo Phó Thủ tướng thậm chí cần thiết có thể đăng lên mạng để xã hội góp ý, sau đó thông qua hội đồng trường. "Nếu cứ thực hiện như thế thì không có gì phải băn khoăn" - Phó Thủ tướng nói.

 Thúy Nga

Muốn tự chủ đúng nghĩa, hiệu trưởng phải 'vượt rào'?

Muốn tự chủ đúng nghĩa, hiệu trưởng phải 'vượt rào'?

Hiệu trưởng nhiều trường đại học đang thực hiện tự chủ sử dụng những so sánh, ví von mạnh mẽ khi chia sẻ về công việc đang làm.