Sắp tới các trường đại học đủ điều kiện sẽ được tự chủ toàn diện, trong đó có tự chủ cả tài chính thu và chi. Điều này đồng nghĩa với việc học phí tại các trường tự chủ sẽ tăng mạnh.

Vậy nhà nước sẽ hỗ trợ các sinh viên nghèo ra sao, mức trần học phí thế nào? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi về vấn đề này.

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo về quyền tự chủ đại học, được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các trường rục rịch đi vào con đường tự chủ.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, ở thời điểm này, ngành GD&ĐT đang chờ nghị quyết của Chính phủ để thực thi việc tự chủ đại học (TCĐH).

Ông Ga cho biết, Thủ tướng sẽ giao nhiệm vụ cho nhiều bộ, ngành chứ không riêng gì Bộ GD&ĐT, ví như Bộ Tài chính sẽ có vai trò về kinh phí, ngân hàng chính sách xã hội có nhiệm vụ đẩy mạnh cho sinh viên vay vốn.

  {keywords}
Thư viện một trường ĐH được trang bị hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thí điểm quyền tự chủ của các trường ĐH trước đây được ví như vừa tự chủ vừa trói chân. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Từ năm 2009 Bộ GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho 6 trường ĐH thí điểm tự chủ. Trong mấy năm qua, các trường chỉ được tự chủ cơ chế chi, việc thu học phí và thu phí không được vượt quá tầm quy định của nghị định 49.

Bộ không cấp kinh phí chi thường xuyên nhưng các trường lại không được mở rộng nguồn thu, chỉ tự chủ chi mà không được tự chủ thu là khó khăn cho các trường khiến trường ĐH phải mở rộng các hệ đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nên chất lượng không được cao như mong muốn.

Nay, khi được tự chủ nguồn thu thì các trường sẽ tập trung vào đào tạo chính quy, không phải mở rộng những hệ vừa học vừa làm hay các hệ đào tạo khác để tập trung vào chất lượng. Có tác động nâng cao chất lượng, thiết thực hơn tự chủ trước đây.

Xin Thứ trưởng cho biết nội dung tự chủ đại học sẽ được thực hiện trong thời gian tới?

Theo dự thảo mới, các trường được tự chủ cả nguồn thu. Ví dụ mức thu học phí có thể được thu cao hơn mức quy định của nghị định 49, cùng với sự tự chủ toàn diện hơn. Ngoài tự chủ tài chính là quan trọng nhất, Bộ sẽ giao cho các trường quyền tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài- tự phê duyệt theo đúng quy định, hoặc tự chủ về mở ngành đối với một số trường đủ điều kiện tự chủ mở ngành như các ĐH QG.

Các trường cũng được tự chủ đầu tư, được thực hiện các bước phê duyệt, đấu thầu. Nhìn chung, các trường sẽ được tự chủ toàn diện hơn trước đây, hiện Bộ mới chỉ khuyến khích các trường có đủ điều kiện tham gia tự chủ.

Thưa Thứ trưởng, thời gian vừa qua việc mở ngành và liên kết đào tạo đã có những diễn biến phức tạp khiến dư luận không khỏi lo ngại khi trao quyền tự chủ cho các trường. Rồi đây Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện vai trò quản lý trong vấn đề này như thế nào?

    “Việc tự chủ sẽ được đi kèm theo chính sách hỗ trợ học bổng, diện chính sách được hỗ trợ tăng lên, các hộ nghèo sẽ được vay tín dụng. Sắp tới, ngân hàng chính sách sẽ mở rộng mức trần cho vay cao lên để sinh viên có thể theo học được với mức học phí cao” .

    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tự chủ của các trường. Ngoài ra, các trường còn có hội đồng trường, có quyền lực đủ mạnh, theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH. Nay, mọi việc sẽ không phải do một mình ông hiệu trưởng quyết định mà có hẳn một hội đồng kiểm tra, giám sát, đề xuất mục tiêu chiến lược …

Bên cạnh Hội đồng trường còn có công tác thanh tra, giám sát của các bộ, ngành có liên quan được tăng cường. Đặc biệt, việc mở ngành phải nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành và Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra chặt chẽ, nếu việc mở ngành không đúng, sẽ dừng lại, như Bộ đã từng làm.

Tự chủ thu học phí để đáp ứng nhu cầu của các trường sẽ mâu thuẫn với khả năng đáp ứng của nhân dân, đặc biệt, khu vực nông thôn và các tỉnh xa. Con em nông dân và các diện chính sách sẽ được tạo cơ hội để học tập thế nào?

Việc tự chủ sẽ được đi kèm theo chính sách hỗ trợ học bổng, diện chính sách được hỗ trợ tăng lên, các hộ nghèo sẽ được vay tín dụng. Sắp tới, ngân hàng chính sách sẽ mở rộng mức trần cho vay cao lên để sinh viên có thể theo học được với mức học phí cao. Khi các trường thu học phí cao hơn hẳn thì sẽ có thể dành kinh phí đủ lớn để hỗ trợ học bổng giúp các học sinh học xuất sắc theo học.

Vậy khi nào quyền tự chủ tài chính, trong đó có việc tăng học phí, sẽ được thực hiện?

Theo dự thảo của đề án thực hiện quyền tự chủ của các trường ĐH, ngay trong năm nay, nếu được Chính phủ thông qua nghị quyết tự chủ tài chính.

Bốn trường đầu tiên vốn đã từng thí điểm tự chủ, sẽ thực hiện quyền tự chủ này. Sau đó, trường nào đủ điều kiện sẽ đăng ký thực hiện và không giới hạn số trường thực hiện tự chủ.

Học phí sẽ do các trường tự quyết định, mức thu có thể cao hơn mức quy định của nghị định 49 hiện nay, vậy có giới hạn mức trần học phí không thưa ông?   

Trong nghị quyết sắp tới, Chính phủ sẽ quy định mức trần học phí nhất định để các trường có thể thu trong hành lang quy định. Hành lang này sẽ đảm bảo mức chi hiện nay. Tuy nhiên, mức thu học phí cộng với đầu tư bình quân của nhà nước trên 1 đầu sinh viên không vượt quá cao so với mức chi cho đào tạo. Nếu mọi việc chuẩn bị kịp thì sẽ thực hiện ngay từ năm học này.

Cám ơn ông!

Theo Hồ Thu (Tiền Phong)