Cuộc đời của bà giống như một bộ phim Bollywood với nhiều tình tiết éo le nhưng cuối cùng vẫn có một kết thúc có hậu.

TIN BÀI KHÁC:


Quá khứ kinh hoàng


Sinh ra trong một gia đình tiện dân Dalit, Kalpana Saroj bị bạn bè trêu chọc ở trường và bị ép kết hôn khi mới 12 tuổi. Bà đã phải đấu tranh với áp lực xã hội để rời khỏi chồng mình trước khi cố gắng để làm chủ cuộc sống của mình.

Và bây giờ, bà đã trở thành một nữ triệu phú.

"Lần đầu tiên tới Mumbai, tôi thậm chí không biết phải đi đâu. Tôi tới từ một ngôi làng nhỏ. Hiện đã có hai con đường trong thành phố được đặt theo tên công ty tôi," Saroj nói về cuộc đời thăng trầm của mình.

Hệ thống đẳng cấp tại Ấn Độ tồn tại từ xã hội cũ, chia con người thành 5 giai cấp khác nhau, trong đó Dalit là tầng lớp thấp nhất. Những người thuộc tầng lớp thấp sẽ bị phân biết đối xử.

"Một vài người bạn của cha mẹ tôi không cho tôi bước vào nhà của họ và tôi thậm chí không được tham gia một số hoạt động của trường chỉ vì tôi là một Dalit," người phụ nữ 52 tuổi cho biết.

Mặc dù cha bà đã cho phép con gái được đi học nhưng hầu hết mọi người trong gia đình đều thuyết phục Saroj trở thành cô dâu khi tròn 12 tuổi.

Saroj đã được đưa tới Mumbai cùng với chồng tương lai khi mới 10 tuổi nhưng vô cùng bị sốc khi phát hiện ra mình đang phải sống trong 1 khu ổ chuột.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là thử thách khó khăn nhất mà bà phải trải qua.

"Tôi bị anh chồng và vợ anh ta đối xử tồi tệ . Họ kéo tóc tôi và đánh đập tôi...Tôi cảm thấy hoàn toàn suy sụp vì bị lạm dụng về thể chất và tinh thần," Saroj nói.

Bỏ chồng là một điều tối kỵ trong văn hóa Ấn Độ, nhưng Saroj đã có thể thoát khỏi cuộc sống bị bạo hành nhờ sự ủng hộ của cha bà.

Khi tới thăm con gái ở Mumbai, cha của Saroj đã vô cùng sốc khi thấy con gái hốc hác và mặc quần áo rách tươm. Ông đã đưa con gái về nhà bất chấp dư luận.

Nhiều người dân trong làng nghi ngờ sự trở về của Saroj và xem bà như một kẻ thất bại.

Saroj đã cố gắng lờ đi những lời phán xét và thay vào đó là kiếm một công việc. Bà học nghề may để tự nuôi sống mình.

Mặc dù đã độc lập về tài chính nhưng áp lực từ dư luận vẫn đè nặng lên bà.

"Có lần tôi đã quyết định kết liễu cuộc đời mình. Tôi uống hết ba chai thuốc diệt côn trùng," Saroj kể lại giai đoạn khó khăn nhất của mình.

Bà đã được cứu sống sau khi người dì bước vào phòng và phát hiện cháu gái đang sùi bọt mép và giật liên hồi.

Cơ hội lớn


Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Saroj. "Tôi quyết định tiếp tục sống và phải làm điều gì đó to tát rồi mới chết," bà nói.

Vì thế, năm 16 tuổi, tôi trở lại Mumbai để làm thợ may và ở cùng gia đình một người chú.

Saroj bắt đầu bằng việc kiếm được chưa đầy 1 đôla một tháng nhưng bà đã không ngừng học hỏi để mở rộng công việc kinh doanh của mình và kết quả là thu nhập của bà ngày một tăng.

Tuy nhiên, số tiền mà Saroj kiếm được không đủ để trả cho việc điều trị bệnh cho em gái, đây cũng là thời điểm Saroj hạ quyết tâm kiếm tiền.

"Tôi đã rất thất vọng và nhận ra rằng tiền làm chủ cuộc sống và tôi cần phải kiếm nhiều tiền hơn."

Bà đã vay một khoản tiền lớn từ chính phủ để phát triển kinh doanh nội thất và mở rộng cơ sở may của mình.

Saroj làm việc 16 tiếng một ngày, một thói quen mà tới nay bà không thể bỏ được.

Vài năm sau đó, Saroj tái hôn với một doanh nhân kinh doanh nội thất và có hai đứa con.

Danh tiếng của Saroj đã khiến bà được yêu cầu tiếp nhận hoạt động của một công ty kỹ thuật kim loại, Kamani Tubes, khi đó đang mang một khoản nợ khổng lồ.

Với việc cơ cấu lại công ty, bà đã khiến mọi thứ thay đổi.

"Tôi muốn đem tới sự công bằng cho tất cả những người đang làm việc ở đó. Tôi phải giữ lại công ty. Tôi có thể liên quan tới các nhân viên, những người cần kiếm tiền về nuôi gia đình," Saroj nói về động cơ thúc đẩy khi đó.

Hiện, Kamani Tube đã trở thành một công ty lớn mạnh với trị giá ước tính lên tới hơn 100 triệu USD.

Saroj cũng đã thuê hàng trăm lao động thuộc các tầng lớp khác nhau. Bà từng làm việc với những doanh nhân xuất chúng như Ratan Tata và Mukesh Ambani. Năm 2006, bà đã dành được giải thưởng uy tín trong giới doanh nhân.

Saroj thường về quê và làm từ thiện để giúp đỡ những người khác trong cộng đồng của mình.

Là một Dalit và một người phụ nữ, câu chuyện của bà gây được sự chú ý tại Ấn Độ, nơi có rất ít CEO có xuất thân như vậy.

"Nếu như bạn đặt trái tim và tâm hồn vào công việc và không bao giờ từ bỏ, mọi thứ có thể xảy ra với bạn," bà tiết lộ về câu "thần chú" của mình.

Sầm Hoa (Theo BBC)