Nghệ sĩ Việt Thắng (tên đầy đủ Trần Ngọc Thắng), sinh năm 1982, hiện đang là một gương mặt nổi bật của Nhà hát Chèo Hà Nội vừa được phong danh hiệu NSƯT. Anh là nghệ sĩ theo âm nhạc truyền thống trẻ nhất được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này.
Việt Thắng chia sẻ, anh đã chờ đợi tới ngày này rất lâu rồi. Danh sách giả thưởng của nghệ sĩ với hơn chục năm theo nghề nhưng đã có 4 huy chương vàng gồm có: vai Nguyễn Công Trứ trong vở “Nguyễn Công Trứ”, vai Moonpie trong vở “Cánh chim trắng trong đêm”, vai Khoá hồng trong vở “Cô Son” và vai Moonpie vở “Cánh chim trắng trong đêm” của Liên hoan Sân khấu Thủ đô. Riêng giải Tài năng xuất sắc là của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Nghệ sĩ Việt Thắng nhận danh hiệu NSƯT do Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trao tặng. |
Nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống có gì ngoài danh hiệu
Dù theo tiêu chí của Hội đồng, Việt Thắng thừa huy chương huy chương nhưng anh vẫn hồi hộp và lo lắng.
Anh vui tới độ khi biết sẽ được vào Nhà hát Lớn nhận danh hiệu cao quý, anh còn giảm cân để mặc thật đẹp chiếc áo dài màu mận có những hình ảnh đẹp nhất. Điều này cho thấy, Việt Thắng chỉn chu với mình, với nghề như thế nào.
Sinh ra trong gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng Việt Thắng từ bé lại được sống trong những làn điệu chèo cổ của thôn Nham Lang, Tân Tiến, Thái Bình. Khi lớn lên, Việt Thắng thường xuyên ra đình nghe các cụ nghệ nhân hát chèo, những làn điệu chèo cổ với lời ca sâu sắc cứ ngấm dần vào tâm hồn yêu ca hát của Việt Thắng.
Học hết phổ thông, Việt Thắng thi tuyển ở Nhà hát chèo Hưng Yên và trúng tuyển nhưng bố mẹ không ai đồng ý. Anh đành ngậm ngùi gác giấc mơ sân khấu với những ánh đèn mê hoặc để về đi làm công nhân.
Nhưng Việt Thắng bảo, chèo là cái duyên – nghiệp của anh, bởi vậy, 2 năm đi làm công nhân, không lúc nào trong đầu anh không vẩn vơ những làn điệu quê nhà. Để cuối cùng, bố mẹ cũng phải khuất phục trước đam mê cháy bỏng của Việt Thắng. Anh đi học trở lại sau 2 năm lao động chân tay.
Đi học lại, Việt Thắng học tại Nhà hát chèo Thái Bình cách nhà 30km. Hàng tuần, anh đạp xe 30km về nhà xin trợ cấp từ bố mẹ. Nhà nghèo, mỗi tháng bố mẹ Việt Thắng chỉ có thể lo cho anh 25.000đồng, còn lại là tiền trợ cấp từ Nhà hát nhưng không nhiều.
Không giống như nhiều môn nghệ thuật khác, chèo học theo kiểu truyền nghề nhiều hơn. Chính vì vậy, Việt Thắng cùng các bạn thời đi học vẫn phải miệt mài theo các đàn anh đi diễn tỉnh, ngồi cánh gà để học hỏi.
“Cứ 3 giờ chiều là tôi và các bạn theo đoàn của nhà hát tới huyện để làm sâu khấu, dựng sân khấu xong chờ tới giờ diễn chúng tôi ngồi cánh gà nhìn các đàn anh đàn chị diễn để học theo. Diễn xong, chúng tôi lại ra thu dọn sân khấu. Vất vả vô cùng nhưng bữa cơm chúng tôi cũng chỉ dám ăn 1.000 đồng thôi, góp tiền vào mua thức ăn nấu chung. Mà chúng tôi ai ai cũng đam mê, học không vì danh hiệu gì cả”, Việt Thắng chia sẻ.
Ra trường rồi, Việt Thắng xin thực tập ở Nhà hát chèo Hà Nội, đến đợt xét tuyển, anh mạnh dạn thi và được nhận luôn. “Hội đồng xét tuyển lúc đó có NSND Quốc Chiêm, NSND Thuý Mùi khen tôi hát hay và nhận tôi luôn. Vai diễn đầu tiên của tôi ở nhà hát là anh Khoá Hồng nhưng tôi chưa có nhiều đất để phát huy. Mãi sau này tôi vào vai quan Pháp trong vở Cánh chim trắng trong đêm, tôi được khán giả yêu mến và nhớ tới”, Việt Thắng chia sẻ.
Nghề diễn cho Việt Thắng nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều người, những môi trường khác nhau, có những lời mời, lời khuyên anh chuyển sang dòng nhạc quê hương, cũng có những lời khuyên anh nên Nam tiến nhưng Việt Thắng đều “lắc đầu”. Với anh, những làn điệu chèo sâu sắc và thâm thuý không thể bỏ được.
Nam nghệ sĩ chia sẻ: “Nếu ai đã trót theo đuổi chèo rồi khó mà có thể từ bỏ. Bởi, từng câu từng từ trong chèo, nó như là thứ âm nhạc bác học vậy, vô cùng sâu sắc thấm thía vô cùng. Tôi có thể hát dòng nhạc quê hương và mức thu nhập hơn hát chèo thật đó như đã nói, chèo đã ngấm vào máu thịt của tôi khó mà bỏ được”.
Từng bỏ làm công nhân để đi theo những làn điệu chèo tha thiết, có được danh hiệu NSƯT ở tuổi 38 là cả nỗ lực không ngừng nghỉ của nghệ sĩ Việt Thắng. |
Yêu nghề, nghề không phụ
Yêu nghề tới cháy bỏng là vậy, nhưng Việt Thắng vẫn thoáng buồn khi nghĩ về những dị nghị của dư luận mỗi kỳ xét tặng NSND, NSƯT. Anh bảo, có nhiều người nói rằng, NSND, NSƯT gì mà không ai biết tới là ai.
Nhưng Việt Thắng bảo, nghệ sĩ theo nghệ thuật truyền thống thực sự không có gì ngoài niềm đam mê và đi theo tiếng gọi của khán giả khắp mọi miền tổ quốc, không vì cát sê cao hay thấp – là vì duy nhất đó là nhiệm vụ. Bởi tất cả những nghệ sĩ thuộc biên chế nhà hát, nếu đã nhận show hát ở bên ngoài nhưng khi nhà hát gọi về đi công tác vùng sâu vùng xa, cát sê ngoài cao tới mấy, cũng phải từ bỏ. Vậy họ phải đánh đổi nhiều thì việc được một danh hiệu chẳng phải là niềm an ủi lớn lao hay sao.
Thêm vào đó, Việt Thắng bảo, thiệt thòi của diễn viên theo nghệ thuật truyền thống là họ thường xuyên phải hoá trang trên sân khấu. Dũ bỏ lớp hoá trang dày đặc, ra ngoài khán giả đôi khi còn không nhận ra được diễn viên. Nghệ thuật truyền thống là khuôn vàng thước ngọc, khổ luyện vô cùng, rất lâu mới có thể hát được 1 bài.
Việt Thắng trong vở Nguyễn Công Trứ. |
“Tôi kể ra đây không phải kể khổ, tôi dùng từ “được “ để nói về nghề mình theo đuổi có nghĩa là, tôi đã lựa chọn nó một cách vui vẻ. Trong quá trình làm việc, tôi được đi biểu diễn nhiều nơi, đến những nơi cực kỳ gian khổ, 2 năm liền đi phục vụ cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa. Năm 2007 chuyến đi đầu tiên của tôi ra đảo. Thời điểm đó một năm chỉ có chuyến tàu duy nhất, tàu không hiện đại, rất bé, đi gặp biển động, tất cả thành viên trong tàu say sóng kinh khủng. Bữa ăn trên tàu, ăn cơm chúng tôi phải khoác vai nhau mới giữ được thăng bằng để ăn. Đi 20 ngày về ai cũng gầy rộc cả người ra nhưng không ai kêu khổ.
Lên đảo hát cho chiến sĩ nghe, họ đồng cảm và chia sẻ nỗi nhớ nhà da diết. Chúng tôi hát cho nhau nghe thâu đêm”, Việt Thắng tâm sự.
Không chỉ biểu diễn ở những nơi xa xôi của tổ quốc, những lần lưu diễn cho kiều bào nước ngoài tại các nước Châu Âu cũng khiến cho Việt Thắng nhớ mãi. Mỗi lần được thông báo đi diễn ở nước ngoài, anh thường lo lắng bởi không biết họ đón nhận âm nhạc truyền thống như thế nào. Việt Thắng phải chuẩn bị mấy bài nhạc trẻ để phòng thân nhưng cuối cùng, những người con xa xứ lại thiết tha nghe điệu nhạc quê hương.
“Tôi hát chèo xong, có cô tâm sự, 20 năm mới được nghe chèo trực tiếp nên nhớ quê, nhớ nhà và rơi nước mắt. Lúc đó, có bao nhiêu tiền trong túi cô đưa cho tôi hết, có ít tiền Việt trong túi, cô cũng lấy nốt cho tôi. Họ trân trọng nghệ sĩ thực thụ. Điều này đã tiếp sức cho tôi theo đuổi con đường âm nhạc của mình. Dù có khó khăn gian khổ, là nghiệp mình phải theo, phải không ngừng cố gắng”, Việt Thắng chia sẻ.
Có được ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, Việt Thắng bảo, anh có một hậu phương vững chắc. Một người vợ chăm lo các con, đối nội đối ngoại trong gia đình để anh chuyên tâm theo nghề, thành công này, danh hiệu lần này của anh, có bóng dáng và sự hy sinh của người vợ.
Lớn lên từ gốc lúa bờ tre, thành công có được cũng nhờ niềm yêu chèo tha thiết, Việt Thắng bảo, danh hiệu không phải là cái đích cuối cùng mà nghệ sĩ hướng tới, nhưng danh hiệu lại khiến nghệ sĩ phải cố gắng, động lực thúc đẩy để làm nghề làm sao cho xứng đáng với danh hiệu đó. Việt Thắng vẫn mãi một niềm tin “Yêu nghề, nghề không phụ”.
Tình Lê
'Sao mẹ đi diễn nhiều thế mà không được danh hiệu gì?'
NSƯT Hoa Thuý bảo, trong khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội, chị đã trả lời được câu hỏi của các con "Sao mẹ đi diễn nhiều thế mà không được danh hiệu gì?"