"Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Chiều 12/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội và Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương khẳng định: "Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian".
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức bày tỏ kính trọng người nghệ sĩ, chiến sĩ Nguyễn Đình Thi bởi "cái gì cũng hay, cái gì cũng hấp dẫn, không chỉ tài hoa mà còn đậm dấu ấn văn hóa".
"Nguyễn Đình Thi là người thứ hai trên thế giới được xem là nhà triết học thế giới ở trong từ điển của Pháp ở Paris", ông Đức chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc, văn học, kịch bản sân khấu, lý luận phê bình; và hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của ông trong và ngoài nước...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn qua hội thảo, văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng, không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.
"Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó là, chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước, sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp, hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng", ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Nguyễn Đình Thi để để lại dấu ấn với các tác phẩm văn xuôi, như Xung kích, Thu đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao... Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn (giai đoạn 1946-1985).
Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam "vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần", "rũ bùn đứng dậy sáng lòa"...
Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản Con nai đen (1961), Hoa và Ngần (1974), Giấc mơ (1977), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980)... đều toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi.
Trong lĩnh vực âm nhạc dù "dừng chân" không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: Căm hờn, Diệt phát xít, Du kích quân (1945), Người Hà Nội (1947), Con voi (1948), Đất nước yêu thương (1977)) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ.