Phất lên nhanh chóng nhờ buôn bán BĐS, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) nắm trong tay khối tài sản trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng kỳ thực, khối tài sản ấy chủ yếu hình thành từ vay nợ ngân hàng. Đến khi làm ăn bết bát, nhiều "đại gia" đã vướng vào lao lý.
Thời gian qua, nhiều "đại gia" đã bị các ngân hàng tố cáo vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là các "đại gia" đều có quan hệ vay vốn tại nhiều ngân hàng với các khoản nợ lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
"Con voi chui lọt lỗ kim"
Mới đây, dư luận xôn xao khi ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (Hà Nội), bị khởi tố và bắt giam vì hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" liên quan đến các khoản vay ngân hàng. "Đại gia" Long cũng là Chủ tịch của Công ty Vina Megastar, và nổi tiếng với hàng loạt dự án BĐS tầm cỡ tại Hà Nội, như: dự án chung cư, văn phòng Hesco Văn Quán, dự án 409 Lĩnh Nam (Hà Nội)… Để có tiền đầu tư vào các dự án, Công ty Vĩnh Hưng đã huy động hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, đồng thời thế chấp chính dự án để vay tiền của ngân hàng. Số nợ vay ước tính lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các dự án vẫn nằm "đắp chiếu" nhiều năm qua.
Cơ quan điều tra đang làm rõ việc ông Long chiếm đoạt tài sản gần 30 tỷ đồng của ngân hàng SeaBank. Đồng thời, điều tra khoản tiền hơn 225 tỷ đồng mà ngân hàng Bảo Việt đã giải ngân cho dự án 409 Lĩnh Nam "biến" đi đâu?
Tuy nhiên, điều khó hiểu là bằng cách nào mà ông Long có thể vay được số tiền lớn như vậy của các ngân hàng chỉ với tài sản là các dự án BĐS dở dang? Vì theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ giải ngân sau khi đã thẩm định kỹ dự án, phương án kinh doanh khả thi của DN, nguồn thu của dự án và các nguồn thu khác để đảm bảo trả nợ. Đặc biệt, DN phải có tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao.
Quá trình xét duyệt hồ sơ, thẩm định cho vay của ngân hàng cũng phải trải qua nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt. Thậm chí, với khoản vay lớn, vượt hạn mức sẽ phải trình Hội đồng tín dụng ở cấp hội sở ngân hàng phê duyệt. Thế nhưng, dù có nhiều "cửa" kiểm soát, một số ngân hàng vẫn giải ngân cho vay lượng vốn lớn để rồi sau đó, DN không trả nợ, phải tố cáo chủ DN tội lừa đảo để đòi nợ.
Hiện tại, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ những sai phạm trong quá trình cho vay, sử dụng vốn vay của ông Long. Nhưng rõ ràng, việc cho vay để dẫn tới con nợ không có khả năng trả nợ, có hành vi lừa đảo thì nhiều cán bộ, lãnh đạo ngân hàng cũng không thể vô can.
"Nạn nhân" có nguy cơ mất vốn
Hiện nay, Công ty tài chính Vinaconex-Viettel (VVF) cũng đang "mất ăn, mất ngủ" vì chưa thu hồi được khoản nợ xấu 150 tỷ đồng của Công ty Vina Megastar. Trước đó, năm 2011, VVF đã "ôm" lô trái phiếu do Công ty Vina Megastar phát hành. Khi trái phiếu đến hạn, Công ty Vina Megastar đã không trả nợ vì tình hình tài chính khó khăn. Trong khi đó, phía ngân hàng SeaBank - bên bảo lãnh phát hành lô trái phiếu, đã từ chối thanh toán với lý do hợp đồng bảo lãnh ký vượt thẩm quyền.
Suốt mấy tháng qua, đã có nhiều cuộc họp giữa đại diện ngân hàng, Vina Megastar và VVF để đàm phán, tìm phương án xử lý khoản nợ 150 tỷ đồng này. Trong đó, một phương án được đưa ra là VVF sẽ nhận lại dự án Hesco để đảm bảo cho khoản nợ 150 tỷ đồng.
Đại diện của VVF cho biết: "Đang chờ thu hồi dự án Hesco để bàn giao cho VVF làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ 150 tỷ đồng. Sau đó, có một phương án xử lý nợ là VVF sẽ bán khoản nợ này cho Công ty mua bán nợ và tài sản quốc gia (VAMC)". Theo vị này, cái khó nhất là VVF phải thu hồi được tài sản thì mới đủ điều kiện để bán nợ xấu sang cho VAMC.
Mặt khác, trong tư cách một chủ nợ, VVF đang ở thế "nắm tóc… kẻ trọc đầu" và nguy cơ mất vốn rất lớn. Tuy nhiên, khi chưa giải quyết xong những rắc rối liên quan đến khoản bảo lãnh này thì ông Long - Chủ tịch Vina Megastar, đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Nhưng các chủ nợ của Vina Megastar vẫn còn "may mắn" hơn vì còn có hy vọng thu hồi được tài sản, gỡ gạc lại vốn. Thực tế, có nhiều ngân hàng cho DN vay, nhận thế chấp bằng hàng hóa, vật tư, phương tiện… nhưng đến giờ, không thể thu hồi được tài sản lẫn nợ vay.
Năm 2011, ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Thăng Long (Hà Nội) đã cho Công ty Cổ phần Thương mại nông sản Đức Lợi vay vốn để nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, thế chấp bằng chính hàng hóa này. Trong quá trình giao dịch, bà Nguyễn Thị Lợi - Giám đốc Công ty Đức Lợi, đã bán hết hàng hóa (là tài sản thế chấp) nhưng chỉ thanh toán một phần nợ cho ngân hàng.
Khi phát hiện kho hàng đã "bốc hơi", Sacombank Thăng Long mới tá hỏa đi siết nợ, nhưng chỉ thu được vài trăm tấn đậu còn sót lại, đã giảm chất lượng và giá trị. Trong khi số nợ vay đã lên tới hơn 4,25 triệu USD (tương đương 88 tỷ đồng) giờ đã thành nợ xấu. Sacombank Thăng Long đã gửi đơn lên cơ quan điều tra tố cáo bà Lợi có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, bà Lợi cho biết: "Cơ quan điều tra đã trả lại hồ sơ. Sau đó, ngân hàng cũng chưa có động thái gì". Trước đó, để xử lý khoản nợ xấu 88 tỷ đồng, Sacombank Thăng Long đã thu giữ 6 sổ đỏ nhà đất của bà Lợi và công ty để đảm bảo cho khoản nợ vay. Tuy nhiên, hiện các BĐS đã giảm giá trị, thấp hơn rất nhiều so với khoản nợ của "đại gia" này. Hiện trụ sở Công ty Đức Lợi đã đóng cửa, không có giao dịch. Do đó, ngân hàng khó có thể thu hồi đủ số tiền đã cho vay.
(Theo Kinh doanh)