Ông Đỗ Đình Rô, Thanh tra Bộ TT&TT cảnh báo về sự biến tướng của những chiêu thức lừa đảo mới xuất hiện, không chỉ qua con đường SMS truyền thống mà còn rộ lên qua các mạng xã hội như Facebook, qua tổng đài....
Phát biểu tại Hội nghị Giao ban thực hiện Chỉ thị số 82 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng sáng 17/9, ông Rô cho hay ngay nhiều trang thông tin điện tử hiện nay cũng cài sẵn link trên banner quảng cáo, mà khi người dùng vô tình click vào xem nội dung thì lập tức bị trừ tiền luôn.
Rất nhiều người dùng đã nhận được thông báo trúng thưởng xe máy qua Facebook |
Đặc biệt, thời gian gần đây rộ lên hình thức lừa trên Facebook khi gửi tin nhắn cho người dùng thông báo trúng thưởng. Người nhận nếu muốn "hiện thực hóa" giải thưởng thì phải chuyển tiền vào các tài khoản do chúng ấn định, từ 1 - 4 triệu đồng.
Mới đây nhất, hồi tuần trước, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng trên Facebook, Zalo, Viber... 11 nghi phạm đã bị triệu tập để điều tra, sau khi cơ quan công an xác định nhóm này đã bàn bạc, tổ chức lập nên 117 trang web giả mạo. Tổng số tiền mà chúng lừa đảo được lên tới 8.3 tỷ đồng.
Hình thức "bẫy" phổ biến mà chúng sử dụng là thông qua nick Facebook tự lập hoặc hack được của người khác để gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng, dụ người dùng truy cập vào các website giả mạo. Cơ cấu giải thưởng thường rất lớn như xe máy Liberty, SH, phiếu nhận tiền mặt có giá trị 200 triệu đồng... để dụ người dùng cung cấp thông tin cá nhân, gửi mã thẻ cào... để làm hồ sơ nhận giải. Thậm chí nhiều người bị yêu cầu gửi đến 30 triệu đồng với lý do đóng thuế VAT, phí vận chuyển....
Cần cảnh báo dấu hiệu lừa đảo cho thuê bao!
Nhà mạng cần cảnh báo người dùng về các dấu hiệu lừa đảo phổ biến |
Rõ ràng, những vụ lừa đảo nói trên có nhiều sơ hở nhưng một bộ phận không nhỏ người dùng vẫn sập bẫy. Ông Rô cho biết, một phần lý do là bọn lừa đảo hiện nay hết sức trắng trợn, sẵn sàng giả mạo cả cơ quan công an, tòa án, kiểm sát để tiến hành lừa đảo. Chúng chủ đích nhắm vào những mục tiêu là người già, nhiều tuổi, ít am hiểu về công nghệ...
Bên cạnh hình thức thông báo trúng thưởng thì việc giả mạo Tổng đài gọi điện cho cá nhân, cơ quan thông báo nợ cước hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cũng bị phát hiện nhiều trong thời gian qua. Người dùng cần phải hết sức cảnh giác bởi đây hoàn toàn là cuộc gọi lừa đảo.
Mặc dù các hiện tượng này đã được một số tờ báo đăng tải, cũng như chia sẻ trên Facebook để người dùng cảnh giác, song đại diện Thanh tra Bộ đề nghị các nhà mạng cần phải hành động trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ thuê bao của mình. Chẳng hạn như họ nên thường xuyên cảnh báo về các dấu hiệu lừa đảo để người dùng nắm được, ví dụ như chuyện "tự dưng trúng Liberty" hiển nhiên là đáng nghi.
Một giải pháp nữa được đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính VNCERT đề xuất là người dân khi nhận được tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có thể chuyển tiếp đến đầu số 456. Đây là đầu số của VNCERT dành riêng cho việc tiếp nhận khiếu nại, phản ánh liên quan đến tin rác và Trung tâm sẽ có hình thức xử lý, làm việc với các nhà mạng. Các tin nhắn chuyển tiếp hoàn toàn miễn phí.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng đồng tình rằng, bên cạnh việc tích cực thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi lừa đảo, vi phạm quy định từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp, giới truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dùng về các hành vi lừa đảo, giúp họ phân biệt được đâu là tin nhắn hợp pháp và đâu là tin nhắn khả nghi để tránh bị sập bẫy.
T.C