Đô đốc Robert F. Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ nói rằng, ông quan ngại về những căng thẳng gần đây liên quan tới Trung Quốc và các nước láng giềng ở Biển Đông.

Bình luận của ông Willard diễn ra sau những vụ việc các tàu Trung Quốc chạm trán với các tàu thăm dò dầu khí đang hoạt động của Việt Nam và Philippines. Tuần trước, Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc ba tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp dầu khí của tàu Bình Minh O2 thuộc Petro Việt Nam.

Trong năm 2010, toàn bộ khu vực đã trở nên quan ngại về khả năng các vụ đụng độ ở Biển Đông”, đô đốc Willard nói với báo chí ở Kuala Lumpur, Malaysia. “Vâng, tôi thấy lo lắng bất cứ khi nào chứng kiến căng thẳng gia tăng và va chạm diễn ra ở khu vực rất chiến lược và rất quan trọng với tất cả chúng ta”.

Đô đốc Robert F. Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: dawn

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bác bỏ các bên tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia. Exxon Mobil Corp. (XOM), Talisman Energy Inc. và Forum Energy Plc đều có kế hoạch tiến hành các hoạt động thăm dò ở các lô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Cam kết mạnh mẽ

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại Malaysia, Tư lệnh Mỹ tuyên bố: “Mỹ không đứng về phía nào trong một cuộc tranh chấp. Đó là cam kết mạnh mẽ để thấy rằng các bên tranh chấp gải quyết vấn đề hòa bình và thông qua hội đàm, không đối đầu trên biển hay trên không”.

Tranh chấp hàng hải có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hàng năm mang tên Đối thoại Shangri-La tại Singapore, bắt đầu từ 3/6. Dự kiến sẽ có bài phát biểu từ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Tại sự kiện này năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định, Mỹ phản đối các nỗ lực “đe dọa” những công ty hoạt động trên biển.

Hải quân Mỹ đã tuần tra vùng biển châu Á - Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã không ngừng củng cố lực lượng của họ trong thập niên qua, mua sắm các tàu ngầm hạt nhân và phát triển một tàu sân bay.

Về hai vụ việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông:

- Đầu tháng 3, Philippines triển khai hai máy bay chiến đấu (trong đó có một máy bay ném bom) để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì. Chính phủ Philippines sau đó đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về vụ việc này.

- Sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga, “đây hoàn toàn không phải khu vực tranh chấp, càng không thể nói là khu vực do Trung Quốc quản lý”. Bà Nga nói tại buổi họp báo chiều chủ nhật 29/5: "Trung Quốc đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp".

Thái An (Theo bloomberg)