Kích ứng toàn thân do đứng tắm rồi xả tóc
Nỗi khổ mang tên tóc bạc không chỉ của riêng chị em. Mới đây, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, vừa tiếp nhận một trường hợp liên quan tới thuốc nhuộm tóc. Bệnh nhân là nam giới, tên P.Đ.T. (56 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM.
Ông T. tới khám vì toàn thân nổi sẩn mề đay từng mảng, ngứa ngáy khó chịu. Ban đầu, bệnh nhân không hề nghĩ mình bị như thế là do thuốc nhuộm tóc. Ông lo lắng cho rằng có lẽ mình mắc bệnh về gan nên mới khiến da nổi mẩn.
Để nhuộm tóc ở nhà an toàn, nên lựa loại thuốc một pha và tránh để thuốc nhuộm dính vào mắt |
Sau khi thăm khám, bác sĩ nhìn thấy tóc của ông T. có vẻ như mới nhuộm; vạch tóc ra kiểm tra, bác sĩ ghi nhận vùng da đầu bệnh nhân đang bị viêm. Bác sĩ hỏi ra thì đúng là bệnh nhân tự nhuộm tóc tại nhà cách đây ba ngày. Đây cũng là lần đầu tiên ông T. tự nhuộm tóc ở nhà bởi lo ngại ra tiệm có nguy cơ bị lây bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị kích ứng da toàn thân.
Theo bác sĩ Thanh, ở tiệm, khi nhuộm tóc, chúng ta sẽ nằm trên giường gội để xả tóc, nếu hiện tượng kích ứng xảy ra thì cũng chỉ ở vùng da đầu. Còn ông T., sau khi bôi thuốc nhuộm lên tóc, lúc xả tóc, bệnh nhân lại kết hợp tắm bằng vòi sen đứng. Vì thế, thuốc nhuộm tóc đã theo nước xả hết lên cơ thể, từ đó gây kích ứng da trên diện rộng.
Da đầu nổi mụn nước, rỉ dịch
Không chỉ bác sĩ Vân Thanh, bác sĩ chuyên khoa II Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược, cũng vừa ghi nhận nam bệnh nhân N.V.Đ. (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) bị viêm da kích ứng sau khi tự nhuộm tóc ở nhà. Ông Đ. tới khám trong tình trạng không chỉ da đầu mà các phần dính thuốc nhuộm như cổ và gáy bị sẩn ngứa. Do bệnh nhân cào gãi nên vùng da này trợt loét, có dấu hiệu mưng mủ, bội nhiễm vi khuẩn.
Cách đây vài ngày, thêm một trường hợp phải đi khám do viêm da kích ứng với thuốc nhuộm tóc. Bệnh nhân là chị T.H.Y. (39 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức). Chị Y. bị bạc tóc sớm, tháng nào cũng phải ra tiệm nhuộm phủ bạc chân tóc. Từ lúc tình hình dịch COVID-19 trở nên phức tạp, chị không dám đến tiệm làm tóc nữa.
Tuy hạn chế đến nơi công cộng nhưng hằng ngày chị vẫn phải đi làm, tiếp xúc với đồng nghiệp. Mái tóc với phần chân tóc bạc trắng khiến chị mất tự tin khi tiếp xúc người khác.
Để khắc phục tình trạng đó, chị Y. đã mua thuốc nhuộm về nhà tự xử lý phần chân tóc bạc. Theo hướng dẫn sử dụng, chị trộn thuốc rồi trét lên chân tóc. Sau một hồi bôi trét lấm lem mặt mũi, khăn tắm, chị cũng hoàn tất quá trình nhuộm tóc.
Mái tóc chị sau khi nhuộm, chỗ cần đen lại không đen mà mấy cọng tóc nhuộm màu thời trang từ trước bị dính thuốc hóa đen sì. Khoảng hai ngày sau, da đầu chị nổi các cục mụn nước, chảy dịch dính bết cả tóc. Dấu hiệu kích ứng da đầu chẳng những không thuyên giảm mà chân tóc còn có mủ.
Kích ứng với thuốc nhuộm tóc thường xảy ra chậm
Cơ chế thuốc nhuộm tóc ở ngoài tiệm thường được chia thành ba pha: ô-xy hóa sắc tố trên sợi tóc, làm sợi tóc xơ và xốp lên, ủ màu để các hạt màu chui vào tóc khiến sợi tóc có màu. Ngoài tiệm, quá trình nhuộm tóc diễn ra phức tạp hơn nên tóc cũng sẽ bền màu hơn.
Ở nhà, thuốc mọi người mua về tự nhuộm thường đơn giản hơn, các hóa chất trộn chung một lần (gom lại thành một pha), nên màu không bền bằng và nồng độ hóa chất cũng ít hơn ngoài tiệm. Dù bạn nhuộm thuốc một pha hay ba pha, nếu cơ địa nhạy cảm, nguy cơ xảy ra dị ứng vẫn như nhau.
Tuy nhiên, đối với viêm da tiếp xúc, dị ứng sẽ không mẫn cảm, xảy ra lập tức và nặng nề như sốc phản vệ. Phản ứng kích ứng của bệnh nhân với thuốc nhuộm tóc thường xuất hiện chậm (sau khi nhuộm khoảng 2 - 3 ngày).
Tiếp đó, các dấu hiệu bắt đầu xuất hiện từ nhẹ tới nặng tùy từng trường hợp. Bệnh nhân bắt đầu thấy da đầu bị phồng rộp, nổi mụn nước; nghiêm trọng hơn nữa, vùng da tiếp xúc với thuốc nhuộm sẽ trợt, loét, có mủ, nhiễm khuẩn. Lúc này, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng bội nhiễm sẽ trầm trọng hơn, thậm chí diễn tiến thành nhiễm trùng máu.
Một số bệnh nhân sau khi khám được xác định viêm da kích ứng với thuốc nhuộm tóc đã thắc mắc: “Tại sao lần trước tôi đã nhuộm thuốc này nhưng không xảy ra bất thường mà tới lần thứ 2 - 3 mới bị?”.
Bác sĩ Vân Thanh giải thích rằng, có thể do lần đầu cơ thể chưa nhận biết được rõ ràng “chất lạ” nên chỉ xảy ra phản ứng nhẹ hoặc chưa có dấu hiệu lạ. Tuy nhiên, những lần sau đó, do hàng rào bảo vệ cơ thể đã chuẩn bị “vũ khí” đầy đủ để “đánh nhau” với chất lạ, các phản ứng xảy ra mẫn cảm và rõ rệt hơn.
Làm sao để tự nhuộm tóc an toàn?
Để tự nhuộm tóc ở nhà đẹp và an toàn, nên chọn thuốc nhuộm của những thương hiệu lớn, uy tín. Đặc biệt, nên dùng thuốc nhuộm một pha (tuy loại thuốc này không bền màu bằng loại ba pha nhưng nồng độ hóa chất thấp hơn, chẳng may gây kích ứng hay xảy ra sự cố thì cũng ít ảnh hưởng hơn).
Nhuộm tóc có đẹp hay không còn tùy thuộc vào kỹ năng khéo léo của mỗi người, khi trét thuốc có đều lên hết các lớp tóc hay không.
Khi nhuộm tóc, cần tránh để thuốc nhuộm tiếp xúc với mắt (có thể gây tổn thương giác mạc). Lúc xả thuốc nhuộm, nên cúi đầu xuống, tránh tình trạng thuốc nhuộm chảy lan khắp cơ thể.
Rất khó để những bệnh nhân bị viêm da kích ứng sau khi tự nhuộm tóc ở nhà dừng việc nhuộm tóc lại, bởi tóc bị bạc sẽ khiến họ mất tự tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao tiếp, các mối quan hệ xã hội và công việc.
Theo bác sĩ Vân Thanh, những người có cơ địa mẫn cảm với thuốc nhuộm tóc nếu đã chọn được loại thuốc không gây kích ứng da đầu thì nên nhớ và dùng luôn, đừng đổi qua loại thuốc mới. Việc thay đổi thuốc nhuộm tóc khiến da đầu lại thêm một lần cố gắng thích nghi.
Sau khi nhuộm tóc, nếu thấy bất cứ vùng da nào trên cơ thể bị nổi sẩn ngứa, nhất là khi các dấu hiệu này có xu hướng ngày một tăng lên thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng can thiệp, xử trí kịp thời.
Theo Phụ nữ TPHCM