Nhìn dưới góc độ báo chí, bức ảnh anh thanh niên Việt tên Phạm Văn Thoại bị lừa mua iPhone tại khu Sim Lim (Singapore) phải nài nỉ khóc lóc xin lại tiền được đăng trên báo Straits Times cách đây hơn 1 năm quả là đắt giá.

Vụ việc được chính truyền thông Singapore thổi bùng lên trở thành tâm điểm dư luận "nước mắt Sim Lim". Nhưng giờ đây, tấm ảnh chụp Sim Lim trong cảnh "chợ chiều" vắng hoe hiu hắt lại càng… đắt giá hơn.

Hơn một năm rồi, nhìn lại tấm ảnh anh Thoại được Straits Times đăng tải, với ánh mắt khẩn khoản thất thần và giàn giụa nước, vẫn không khỏi cảm giác xót xa...

{keywords}

Bức ảnh chụp anh Phạm Văn Thoại trên báo Straits Times (Singapore) hồi đầu tháng 11/2014.

Bức ảnh của Straits Times đã làm dấy lên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của người dân Singapore đối với hành vi lừa đảo tại Sim Lim. Bên cạnh việc truy tìm tung tích của chủ cửa hàng Mobile Air khiến người đàn ông này phải đóng cửa hàng và trốn biệt, một chiến dịch quyên góp tiền mua iPhone 6 cho anh Thoại do doanh nhân tên Gabriel Kang đề xướng đã quyên được hơn 10.000 USD từ cư dân mạng Singapore. Mặc dù anh Thoại sau đó đã từ chối nhận điện thoại, số tiền quyên góp được dành làm từ thiện, nhưng câu chuyện này cho thấy rõ người Sing họ được giáo dục và phản ứng mạnh mẽ với cái sai cái xấu như thế nào.

Còn luật pháp Singapore thì khỏi phải bàn. Nhớ lại, sau một năm vụ bán iPhone theo kiểu lừa lọc cho anh du khách Việt Phạm Văn Thoại, chủ cửa hàng Mobile Air tên Jover Chew Chiew Loon đã bị tòa tuyên phạt 33 tháng tù vì lừa đảo khách hàng. Và hàng loạt cửa hàng bán điện thoại, phụ kiện, cung cấp ứng dụng cho smartphone tại khu Sim Lim nằm trong "danh sách đen" lừa lọc đã bị cơ quan chức năng của Sing bố ráp.

Nhưng đó vẫn chưa phải là "vận hạn" cuối cùng của những kẻ làm ăn xấu. Những tấm ảnh được đăng tải trên mạng vài ngày gần đây, cho thấy khu Sim Lim giờ vắng ế, nhiều quầy sạp cửa kéo xuống im ỉm và khu thương mại này chẳng còn mấy bóng người – không chỉ du khách các nước mà ngay cả người tiêu dùng Singapore cũng "cạch mặt" Sim Lim.

{keywords}

Khu Sim Lim vào 11h sáng đầu tháng 3/2016 tại Singapore vẫn vắng hoe không có khách. Ảnh: ICTNews

Hiệu ứng "nước mắt Sim Lim" của anh thanh niên Việt ngày nào, ở đất nước Singapore bị xem như một thứ vết nhơ về danh dự và hình ảnh đầy nghiêm trọng cần phải gột rửa. Và chính họ, đã gột rửa nó dù theo cái cách đau đớn hay tổn thất nặng nề, là phạt tù kẻ vi phạm, là bố ráp đối tượng làm ăn bất chính. Song người tiêu dùng Sing còn dùng đến công cụ trừng phạt nặng hơn, là chẳng mấy người còn tới lui mua sắm khu Sim Lim nữa.

Người Việt nào từng đi Singapore có ghé qua Sim Lim thì rõ. Đây là khu chợ sầm uất với đông đảo du khách và cả người tiêu dùng Singapore. Khu nhà 6 tầng này trở thành địa chỉ mua sắm đã đi vào các chỉ dẫn du lịch của Singapore. Xảy ra "nước mắt Sim Lim", chỉ là vụ việc điển hình, bởi ngoài Mobile Air còn có những cái tên khác trong "danh sách đen" bán hàng gài bẫy và lừa lọc như Gadget Terminal, Mobile22, Mackin Pte Ltd, Megacetrix Technologies, K-One Mobile LLP…, đã nhấn chìn khu Sim Lim vào thảm họa hiu hắt khách hàng. Vụ "nước mắt Sim Lim" đã "làm rầu nồi canh" chung là khu thương mại này. Những người làm ăn buôn bán chân chính đàng hoàng tại đây bị vạ lây, như lời một tiểu thương thì "Jover Chew đã làm vấy bẩn khu vực này, nhiều người đang gánh hậu quả vì anh ta".

Với một đất nước pháp quyền nghiêm ngặt nhưng không thiếu tình người như Singapore, trường hợp một khu Sim Lim chết dần vì một nỗi ô nhục "con sâu làm rầu nồi canh" là chuyện như một tất yếu, song khả năng khu thương mại này được khôi phục lại sự sầm uất ngày xưa với không khí mới, hình ảnh mới sau khi đã tẩy sạch các cửa hàng trong "danh sách đen" cũng là điều không phải không thể xảy ra. Những bài học đắng luôn quí giá đối với những con người, những đất nước có ý thức tôn trọng luật pháp ở trình độ cao. Không biết anh Thoại đã bao giờ quay lại và quay lại Sing bao nhiêu lần sau vụ "nước mắt Sim Lim". Và cũng không biết sau khi những hình ảnh Sim Lim hiu hắt vắng teo khách từ vụ việc mà chính anh là nhân vật trung tâm được lan tỏa trên mạng thì anh đã có lời nào về vấn đề này.

Hơn một năm trước là vụ việc "nước mắt Sim Lim" gây chấn động dư luận xã hội Singapore còn bây giờ là một thảm cảnh "Sim Lim trong nước mắt". Sim Lim đang phải gánh chịu hậu quả của những việc làm, cung cách kinh doanh tai hại do chính một số doanh nghiệp trong khu thương mại này gây ra. Dù rằng trước đó khu thương mại này đã ý thức được hậu quả và tìm cách đuổi các cửa hàng làm ăn sai quấy như Mobile Air ra khỏi Sim Lim nhưng hậu quả giáng xuống vẫn không thay đổi.

Điều này rất khác so với môi trường kinh doanh cũng như thái độ ứng xử của người tiêu dùng Việt Nam. Trên thực tế, luật pháp Việt Nam đã không được thực thi nghiêm nhưng chính người tiêu dùng Việt cũng chưa bao giờ phát huy được hiệu quả nhất quyền tối thượng của mình là quyền từ chối mua/tiêu dùng; quyền tẩy chay những doanh nghiệp làm ăn sai phạm và những thương hiệu sản phẩm lừa dối người dùng.

Theo Thẩm Hồng Thụy/Vnreview

XEM THÊM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT: