Đầu năm ngoái, những điều tồi tệ bắt đầu xảy ra với hãng sản xuất nội thất nhà vệ sinh lớn nhất nhì Nhật Bản.

Ra đời sau vụ sáp nhập cùng lúc 5 công ty vào nhau trong làn sóng thu mua trên phạm vi toàn cầu, Lixil Group bất ngờ rung chuyển bởi một vụ bê bối kế toán. Sau khi ghi giảm 66,2 tỷ yên (tương đương 642 triệu USD) tài sản, Lixil tìm đến một người ngoài cuộc để lãnh đạo quá trình vực dậy con thuyền đang chìm dần. Đó là Kinya Seto – người đang chìm đắm trong thế giới startup bỗng chốc phải gánh vác doanh nghiệp khổng lồ với hơn 80.000 nhân viên.

Đúng như người doanh nhân 56 tuổi chia sẻ, vì luật lao động của Nhật Bản mà anh có một công việc mới hoàn toàn khác so với những gì đã làm trước đây. Ở đất nước mà bạn không thể cắt giảm nhân viên, giải pháp tốt nhất để giải quyết lực lượng lao động khổng lồ là phải tạo ra việc cho họ làm.

“Khi bạn nhập 5 công ty vào với nhau, suy nghĩ ban đầu sẽ là chúng ta có tới 5 kế toán trưởng và bạn chỉ cần cho 4 người nghỉ việc, giữ lại một. Nhưng điều đó không thể xảy ra ở Nhật Bản. Đó cũng chính là một trong những lý do giải thích tại sao Lixil nên thuê một người như tôi về - một người có thể tạo ra những giá trị mới, những công việc mới”.

Lixil chính là hiện thân cho những khó khăn mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải trong bối cảnh cơ cấu dân số thay đổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng nội địa. Giải pháp mở rộng ở thị trường nước ngoài khiến Lixil phải tìm ra cách điều hành các công ty đã mua về một cách hiệu quả nhất đồng thời cải tiến hoạt động trong nước để tăng hiệu quả.

Một trong những biện pháp cắt giảm chi phí phổ biến nhất trên thế giới – sa thải hàng loạt – không thể áp dụng ở Nhật Bản, nơi các chính trị gia trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe không muốn thay đổi mô hình tuyển dụng suốt đời vẫn còn phổ biến ở các tập đoàn lớn.

Lixil ra đời năm 2011, sau vụ sáp nhập giữa Tostem Corp. (tập đoàn chuyên cung cấp vật liệu xây dựng) và Inax (hãng sản xuất đồ nội thất nhà vệ sinh), cùng với một công ty chuyên sản xuất thiết bị nhà bếp, một công ty sản xuất vật liệu cho nhà cao tầng và một công ty sản xuất hàng rào, cổng sân vườn.

Dưới thời lãnh đạo cũ là Yoshiaki Fujimori, Lixil đã bỏ ra hàng tỷ USD thâu tóm các công ty nước ngoài bằng tiền vay mượn. Với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển Nhật Bản, hãng đồng ý mua lại Grohe Group – tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị nhà tắm – năm 2013. Cùng lúc đó hãng cũng mua America Standard – một thương hiệu của Mỹ.

Tuy nhiên rắc rối bắt đầu xảy ra vào tháng 4 năm ngoái, khi chi nhánh ở Trung Quốc của Grohe bị phát hiện gian lận kế toán. Tháng tiếp theo, chi nhánh này nộp đơn xin phá sản và ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính của Lixil.

Còn công ty đầu tiên của Seto ra đời năm 2000, khi anh đang làm việc cho tập đoàn Sumitomo. MonotaRO là một công ty bán hàng trực tuyến chuyên về dụng cụ công nghiệp đã niêm yết năm 2006 và hiện có giá trị vốn hóa vào khoảng 3,3 tỷ USD. Tổng cộng anh đã thành lập 11 công ty trên khắp châu Á, Mỹ và châu Âu.

Kể từ khi trở thành Chủ tịch kiêm CEO của Lixil từ tháng 6, Seto đã mạnh tay cắt giảm bộ máy lãnh đạo. Một kế hoạch tái cấu trúc vừa được công bố theo đó giảm số người lãnh đạo trong công ty từ 114 xuống còn 53 người.

Công thức mà Seto áp dụng để tăng doanh thu của Lixil là cố gắng mở rộng thị trường nội địa. Ví dụ, anh cho rằng nghề tân trang nhà cửa không mấy phát triển ở Nhật là do thiếu nhà thầu chứ không phải do cầu yếu. Do đó ông tăng cơ hội cho doanh nghiệp của mình bằng cách sản xuất những sản phẩm dễ lắp đặt hơn.

Seto còn đặt chiến lược coi thị trường Nhật Bản như một “phòng thí nghiệm” để phát triển các sản phẩm chuyên dùng cho người già. Già hóa dân số đang là xu thế ở các nước phát triển. Anh quan niệm ở công ty của mình có quá nhiều thứ dư thừa, do đó nhiệm vụ của anh có 2 phần: tạo thêm giá trị ở thị trường Nhật Bản và tiếp theo là nâng cao giá trị của những công ty mà Lixil đã thâu tóm.

Dẫu vậy, trước mắt vẫn còn rất nhiều thử thách. Hiện có giá trị vốn hóa ở mức 6,4 tỷ USD, Lixil đang gánh 8 tỷ USD nợ và tỷ lệ tài sản trên vốn cổ đông đang ở mức 24%. Trong khi đó đối thủ Toto chỉ nợ 268.000 USD và tỷ lệ tài sản trên vốn cổ đông lên tới 52%.

Theo Masahiro Mochizuki, chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng Credit Suisse, vấn đề lớn nhất của Lixil là bảng cân đối kế toán. Công ty đang có tỷ lệ đòn bẩy quá cao. Lixil đã mua Grohe với mức giá quá cao.

Tuy nhiên Seto không vội vã bán tháo tài sản dù sẵn sàng thảo luận về việc này, anh cũng không có kế hoạch tăng vốn trong tương lai gần. “Đúng là chúng tôi đang sử dụng vốn không hiệu quả. Kể từ khi đến đây, mục tiêu hàng đầu của tôi là cải thiện lợi nhuận hoạt động để có dòng tiền bền vững hơn.

Tháng 8, Lixil thông báo lợi nhuận đã tăng 39% trong quý I với nguyên nhân là do đồng yên diễn biến thuận lợi. Cổ phiếu của hãng cũng tăng mạnh nhất kể từ 2008. Seto nói anh không lo lắng về giá cổ phiếu Lixil bởi nếu có thể tạo ra những công việc mới và biến Lixil thành một nơi làm việc thú vị, mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió.

“Với một startup, bạn phải xây dựng tất cả từ số 0 tròn trĩnh, bạn tự làm theo ý tưởng của mình và cũng tự mình hưởng thụ thành quả. Còn với một công ty Nhật Bản truyền thống, câu chuyện hoàn toàn khác”, Seto nói.