- Ba năm trước đây (2008), khi lần đầu tiên các phiên chất vấn được tổ chức tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tại các cuộc họp chuẩn bị bàn, đã nhiều người ngần ngừ về việc nên hay không truyền hình trực tiếp các phiên đó. Cuối cùng thì các buổi chất vấn đã diễn ra suôn sẻ.

Thực ra, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường được truyền hình trực tiếp cách đây hơn 10 năm đã là một bước tiến vượt bậc của việc công khai trong hoạt động Quốc hội với báo chí.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão lúc đó là người ghi dấu ấn đặc biệt quan trọng trong hoạt động này bởi sự kiên quyết của ông. Ông là người chuẩn bị thực hiện, trình và thuyết phục những người có trách nhiệm quyết định.

  Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão: Đổi mới là một quá trình khó khăn. Ảnh: Phạm Hùng
Từ khóa QH đầu tiên đã diễn ra các phiên chất vấn, Hồ Chủ tịch trực tiếp đăng đàn đối mặt với những câu hỏi trực diện. Nhưng về sau, chất vấn trên diễn đàn QH ít dần với quan niệm đây là sinh hoạt nội bộ. Chính bà Sáu Trầu, người đã đọc bản tham luận chấn động nghị trường năm 1985 cũng chia sẻ, bài tham luận này báo chí thời đó không hề biết đến. Thậm chí, đoàn Cửu Long cũng không nộp lại cho Văn phòng QH, nên không hề có trong kho lưu trữ của QH. Ai muốn đọc tham luận cũng đều phải duyệt và nộp trước.

Dường như, QH luôn gặp vướng mắc khi vừa muốn tăng cường hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm QH trước nhân dân, nhưng mặt khác lại khó có thể lường mức độ ảnh hưởng khi công khai các thông tin.

Ý tưởng truyền hình trực tiếp vào năm 1994 được xem là một đột phá táo bạo.

Phiên họp QH đầu tiên được quyết định truyền hình trực tiếp là giữa năm 1994. UBTVQH  đã thảo luận, thống nhất và báo cáo lên Bộ Chính trị.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc, Bộ Chính trị đã "duyệt" ý tưởng.

Vậy mà khi đảng đoàn QH họp với Ban cán sự Đảng của Chính phủ để chính thức triển khai cụ thể thì vẫn còn ý kiến đôi co qua lại về việc nên hay không nên truyền hình trực tiếp.

Ông Vũ Mão kể lại: "Chính không khí sau đổi mới và những bước đi tiến bộ trong hoạt động QH khi đó đã thúc đẩy lãnh đạo QH tìm tòi hướng đi mới, thúc đẩy hoạt động QH ngày càng đi vào thực chất hơn".

Nhưng, vẫn còn không ít e ngại từ phía Chính phủ, bởi lẽ khi truyền hình trực tiếp như vậy, dù ít, dù nhiều, các đại biểu tham dự cũng phải cân nhắc, đắn đo trong câu chữ chất vấn và người trả lời cũng vậy, phải thận trọng hơn trước trách nhiệm chính trị của mình khi công khai cho toàn dân biết. Chưa kể, họ sợ không lường hết được ảnh hưởng của các thông tin sẽ được đưa ra trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

"Bàn bạc, thảo luận với các cơ quan truyền thông xong rồi, thì ngay hôm trước phiên chất vấn, một đồng chí có trách nhiệm về công tác tư tưởng - văn hóa đã đến gặp nhóm phóng viên Đài truyền hình VN nói rằng không nên truyền hình trực tiếp chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn nữa vì dễ lộ bí mật và dễ làm mất uy tín cán bộ lãnh đạo", ông Mão nhớ lại.

Ông An Duyệt, Phó ban Thời sự phụ trách nhóm làm truyền hình trực tiếp vội vàng chạy đến xin ý kiến ông Mão, trưởng đoàn thư ký.

"Tôi nói với các  bạn là Bộ Chính trị đã cho phép, cứ làm. Nhưng vị  phụ trách Tư tưởng - Văn hóa vẫn giữ thái độ lạnh lùng,  buông một câu: "Đã nói rồi, các cậu cứ làm mà xảy ra chuyện gì thì các cậu phải chịu trách nhiệm", ông Mão kể.

Trưa hôm đó, ông Vũ Mão cùng với ông An Duyệt đến xin thêm ý kiến Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Chính phủ.

Nghe tình hình, Thủ tướng và Chủ tịch QH tỏ vẻ ngần ngừ. Chủ tịch QH nêu ý kiến: "Hay là Đài truyền hình vẫn cứ ghi hình toàn bộ phiên chất vấn, sau đó rà lại, bỏ bớt những chỗ gay cấn, phức tạp, đến tối mới đưa lên để nhân dân xem".

Thấy vậy, ông Vũ Mão lập tức "trấn an", rằng, mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, đã thông tin cho nhân dân được biết, không có lý do gì để không tiếp tục làm.

Vậy là trưa hôm sau, phiên chất vấn đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam.

Nay thì các phiên chất vấn tại Quốc hội và UBTVQH đã trở nên quen thuộc với người dân.

Nhờ truyền hình trực tiếp, cử tri thêm ấn tượng với những ông nghị "nói có gang có thép" dám chất vấn cả Thủ tướng về một số thiếu sót, như ĐB Lê Văn Cuông, ĐB Nguyễn Minh Thuyết... Qua đó, cử tri thêm niềm tin với QH.

Cũng nhờ truyền hình trực tiếp, các vị bộ trưởng đã phải cân nhắc hơn chuyện "hứa" và thúc đẩy thực hiện các lời hứa. Đặc biệt, người dân cũng đã quen chờ đợi Thủ tướng đăng đàn mỗi kỳ chất vấn cuối năm, sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi "hóc" nhất. Ngoài chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH cũng đã biết tận dụng tất cả các phiên họp được truyền hình trực tiếp, chẳng hạn thảo luận kinh tế - xã hội, để phát  biểu những vấn đề tâm huyết. Thậm chí, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, rất  nhiều ĐBQH sau đó đã tiếc hùi hụi vì phiên thảo luận sôi nổi chưa từng có về dự án đường sắt cao tốc lại không được truyền hình trực tiếp cho dân xem.

Như vậy, trái với dự đoán ban đầu, không có bí mật quốc gia nào bị "lộ" cũng như không hề có phản ứng tiêu cực từ người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng, ít có hoạt động nào khác của Nhà nước lại giành được sự quan tâm sâu sắc như các phiên chất vấn của QH. Chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp đã trở thành thông lệ.

  • Lê Nhung - Thu Hà