- Biển Đông với những "phép thử" trong quan hệ song phương, hai chuyến thăm cấp cao quan trọng, cùng việc thiết lập thỏa thuận các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển khiến 2011 là năm đáng chú ý của quan hệ Việt - Trung.
Khôi phục đà quan hệ
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra tháng 12 vừa qua là sự kiện lớn cuối cùng của năm quan hệ song phương Việt - Trung 2011. Trong mục tiêu duy trì tiếp xúc cấp cao, củng cố và phát triển quan hệ song phương, chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình mang nhiều ý nghĩa. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam trong 5 năm qua.
Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa những kết quả, nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như theo nhận thức chung của các cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian gần đây.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011. Ảnh: Tân Hoa xã |
Kể từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hồi năm 2008, cho đến 2011, lãnh đạo cấp cao Đảng của Việt Nam có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra giữa tháng 10 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ hai nước nổi lên vấn đề Biển Đông, nhất là bối cảnh giữa năm 2011, vụ tàu Bình Minh 2 và tàu Viking của Việt Nam bị cắt cáp ở vùng biển chủ quyền đẩy quan hệ hai nước vào thế "căng".
Với nhận thức chung, lãnh đạo cấp cao hai nước thẳng thắn nhìn nhận vấn đề Biển Đông không phải là toàn cục trong quan hệ Việt - Trung, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp vì liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, lãnh đạo hai nước tin tưởng có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Trên tinh thần đó, thỏa thuận các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là những nỗ lực củng cố quan hệ theo chiều hướng tích cực, góp phần ổn định và khôi phục đà phát triển quan hệ hai nước.
Trên bình diện chung, quan hệ Việt - Trung tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về kinh tế thương mại được đẩy mạnh. "Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại" Việt - Trung ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hai bên thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch song phương đạt khoảng 60 tỷ USD vào 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch hai nước đạt 31,7 tỷ USD, ước tính cả năm đạt khoảng 35 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cam kết cung cấp 300 triệu USD vốn vay tín dụng ưu đãi bên mua mới cho Chính phủ Việt Nam dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như trong lĩnh vực hợp tác khác. Như vậy, tính đến nay, Trung Quốc đã dành cho Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD tín dụng ưu đãi.
Về Thỏa thuận trên biển
Trong các văn kiện, thỏa thuận ký kết trong năm qua giữa Việt Nam và Trung Quốc, đáng chú ý nhất là Thỏa thuận các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam tháng 12/2012. Ảnh: Reuters |
Thứ nhất, đó là việc hai bên quyết định sẽ căn cứ vào chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển.
Thứ hai, hai bên cam kết trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC). Điều quan trọng, trong DOC, các bên quy định việc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Thứ ba, một nội dung quan trọng thể hiện quan điểm về phương thức giải quyết vấn đề trên biển là cả song phương lẫn nhiều bên. Bản thỏa thuận nói rõ: đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
Với điều khoản cam kết cho nội dung trên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một văn bản chính thức nói rõ quan điểm giải quyết đa phương tranh chấp ở Biển Đông, đó là những tranh chấp liên quan nhiều bên thì phải trao đổi, tham vấn ý kiến của các bên liên quan. Điều này có thể là cơ sở cho việc mở ra một diễn đàn đàm phán nhiều bên liên quan, trong điều kiện tính tới quan điểm của các bên liên quan.
Thứ tư, đó là việc hai bên nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận, tức việc hợp tác cùng phát triển cũng căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Giống như việc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ và phân giới, cắm mốc trên bộ, hai bên cũng đã từng thiết lập Thỏa thuận những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết cho hai vấn đề này (1993) và đạt được những kết quả mà hai bên cùng chấp nhận.
Với vấn đề trên biển chứa đựng nhiều phức tạp, khó khăn hơn, thỏa thuận các nguyên tắc mới chỉ là bước đi đầu tiên, khởi đầu cho việc giải quyết những tồn tại về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề lớn nhất, nhạy cảm nhất trong 3 vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ song phương.
Linh Thư