Khóc theo yêu cầu không hề đơn giản nhưng Liu Jun Lin được thuê làm việc đó mỗi ngày, tại các đám tang cho người mà cô không hề quen biết. Cô là người khóc mướn nổi tiếng nhất Đài Loan.


Khóc để kiếm sống vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, một số người cho rằng đó là sự thương mại hóa nỗi buồn, nhưng những người khóc mướn như Liu lại nói rằng nghề này đã có lịch sử lâu đời tại Đài Loan, nơi theo truyền thống những người đã khuất cần tiếng khóc to để đưa họ qua thế giới bên kia.

"Khi một người thân qua đời, bạn đau buồn tới mức đến lúc tang lễ bạn không còn một giọt nước mắt nào để khóc," Liu nói.

"Bạn sẽ phải làm gì để thể hiện tất cả sự tiếc thương của mình?". Những lúc như vậy, mọi người sẽ cần tới sự giúp đỡ của Liu.

Trước kia, những cô con gái thường đi làm xa và giao thông không được thuận lợi như bây giờ. Nếu một ai đó trong gia đình qua đời, họ thường không thể về nhà đúng lúc lễ tang diễn ra, vì thế các gia đình thường thuê một người phụ nữ về khóc thay.

Đám tang truyền thống ở Đài Loan thường trau chuốt, kết hợp các nghi lễ ảm đạm với những trò giải trí để đẩy sự đau buồn đến cao trào.

Về phần giải trí, Liu (30 tuổi) và những người trong nhóm khóc thuê của cô mặc trang phục tươi sáng hơn và thực hiện một số động tác giống như nhảy acrobatic. Trong khi đó, anh trai cô, A Ji sử dụng nhạc cụ truyền thống để đệm nhạc.

Sau đó, Liu sẽ đội khăn tang trắng và mặc áo xô rồi nhoài người về phía quan tài. Trong tiếng đàn organ của anh trai, Liu bắt đầu rên rỉ những tiếng bi ai.

Giọng cô ngân dài, trầm bổng, lúc như khóc, lúc như hát. Liu khẳng định rằng những giọt nước mắt trong lúc khóc mướn là thật.

"Mỗi đám tang bạn tới, bạn phải coi gia đình đó là gia đình mình, vì thế bạn phải đặt cảm xúc của mình vào trong đó," cô nói. "Khi nhìn thấy mọi người đau buồn, tôi thậm chí còn buồn hơn."


Với đôi lông mi dài và má lúm đồng tiền, Liu trong có vẻ trẻ hơn tuổi 30 của cô rất nhiều.

Giám đốc nhà tang lễ Lin Zhengzhang, người đã làm việc với Liu nhiều năm cho biết vẻ ngoài của Liu khiến nhiều người cảm thấy tò mò.

"Thông thường, chúng tôi nghĩ người khóc mướn là một phụ nữ đứng tuổi, nhưng Liu quá trẻ và xinh đẹp. Sự tương phản đó đã thu hút mọi người."

Bà và mẹ Liu đều là làm nghề khóc thuê. Khi còn nhỏ cô thường chơi bên ngoài nhà tang lễ trong lúc mẹ làm việc. Khi về nhà cô lại cùng chị gái bắt chước giọng của mẹ.

"Tôi cầm lấy bất cứ vật gì và giả vờ đó là micro," Liu nói. "Sau đó tôi tưởng tượng trước mặt mình là quan tài rồi trườn người tới đó."

Cả cha và mẹ Liu đều mất khi cô còn nhỏ, để lại cho bà cô ba đứa trẻ và một khoản nợ lớn. Vì thế, bà Liu đã buộc để anh em cô phải đi khóc thuê khi cô mới 11 tuổi.

Liu phải dậy từ tờ mờ sáng để tập khóc và thường phải bỏ học để đi làm. Khi tới lớp, Liu thường bị bạn bè chế giễu vì công việc và trang phục kỳ quặc của mình.

Không những vậy, những người khóc mướn như Liu thường bị người khác coi thường.

"Đôi khi trước khi bắt đầu thực hiện công việc của mình, gia quyến người quá cố thường tỏ ra rất khó chịu khi nói chuyện với chúng tôi. Nhưng sau khi mọi việc kết thúc, họ đã khóc và nói lời cảm ơn," Liu chia sẻ.

Cùng với thời gian, Liu nhận ra mục đích thực sự của nghề nghiệp mà cô đang theo đuổi. "Công việc này có thể giúp mọi người thể hiện sự giận dữ của mình hay giúp họ nói ra điều họ sợ phải nói," Liu cho biết. "Nó cũng giúp ích rất nhiều cho những người sợ khóc vì mọi người sẽ khóc cùng nhau."

Liu và anh trai đã có nhà riêng và mỗi lần biểu diễn của cô có thể thu được tới 600 USD. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do kinh tế suy thoái nên mọi người cũng tổ chức các đám tang đơn giản hơn, ông Lin Zhengzhang cho biết. "Truyền thống khóc thuê dần dần bị dẹp bỏ," ông nói. "Vì thế những người như Liu đang phải tìm cách để sống với nghề hoặc tìm con đường kiếm sống khác."

Điều này không hề khiến Liu nản lòng. Đó là lý do tại sao cô tuyển dụng thêm 20 nữ trợ lý. Họ là những cô gái trẻ, ưa nhìn, trong trang phục đen trắng, những người giúp giám đốc nhà tang lễ thực hiện các nghi lễ và họ khiến Liu được chú ý hơn.

"Chưa có ai làm như vậy ở bắc Đài Loan và nó thành công hơn tôi nghĩ," Liu nói. "Trong ngành công nghiệp này, tôi biết tôi cần tìm thấy những thứ mới mẻ mà không phải ai cũng khám phá ra." Liu nói rằng cô sẽ không bao giờ từ bỏ truyền thống của gia đình. "Đây là những gì mà bà nội tôi đã vất vả để gây dựng nên và tôi phải truyền đạt cho người khác những điều bà đã dạy tôi và tiếp tục sự nghiệp của bà."

Sầm Hoa (Theo BBC)