Vương Ngân (sinh năm 1979, Tứ Xuyên) được mệnh danh thiên tài. Tốt nghiệp ĐH Tứ Xuyên năm 2001, anh nhận được học bổng theo học thạc sĩ rồi lên tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Thanh Hoa - ngôi trường danh tiếng bậc nhất Trung Quốc.
Tại Thanh Hoa, Vương Ngân là một trong những sinh viên ưu tú của khóa. Đầu năm 2005, tại Hội nghị học thuật quốc tế về thiết kế tự động do IEEE tổ chức, anh đã giành giải thưởng xuất sắc cho công trình nghiên cứu của mình.
Vương Ngân từng là niềm hy vọng của gia đình và những người yêu mến. |
Nhiều người tin rằng Vương Ngân sẽ trở thành một kỹ sư phần mềm, chuyên gia công nghệ hàng đầu và tạo ra những sản phẩm tiên tiến.
Thế nhưng, anh nhiều lần bỏ học giữa chừng. Được mời làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft, Vương Ngân cũng nhanh chóng bỏ đi bởi không vừa lòng với chính sách, đãi ngộ.
Từ một thiên tài được kỳ vọng, 7X trở thành “kẻ điên” trong mắt không ít người.
Ba lần bỏ học tiến sĩ
Ngày 22/9/2005, Vương Ngân trở thành người đầu tiên tự nguyện bỏ học tại Thanh Hoa. Lá đơn xin thôi học với tiêu đề “Giấc mơ Thanh Hoa tan vỡ" dài 17.000 từ được Vương Ngân đăng trên trang blog Shuimu Community.
Trong đó, anh giải thích lý do mình thôi học do Thanh Hoa không đáp ứng những nhu cầu của bản thân và lên án những mặt trái của giáo dục đại học trong nước.
Vương Ngân khiến nhiều người ngỡ ngàng khi 3 lần bỏ học tiến sĩ. |
Tháng 8/2006, Vương Ngân rời Trung Quốc, ra nước ngoài và được nhận vào học ngành Khoa học Máy tính tại Cornell - trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Chỉ 2 năm sau, anh viết bài “Thất vọng về Cornell” và bỏ học trong sự ngỡ ngàng của công chúng. Trong bài viết đó anh nói rằng chương trình của trường này chỉ phù hợp cho giới quý tộc ở thế kỷ 18, không phù hợp với thực tế hiện tại.
Năm 2008, Vương Ngân tiếp tục con đường lấy bằng tiến sĩ khi chuyển đến học ngành Khoa học Máy tính tại ĐH Indiana (Bloomington, Mỹ).
Thế nhưng một lần nữa thiên tài Trung Quốc khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu khi bỏ học giữa chừng với bài viết “Vĩnh biệt tiến sĩ”.
Anh tâm sự sẽ không theo học tiến sĩ nữa vì thấy không có ích. "Tôi sẽ làm một thứ gì đó có ích hơn là chỉ ngồi học", Vương Ngân viết.
Từ thiên tài trở thành người bị ghét bỏ
Sau khi bỏ học, năm 2012, Vương Ngân trở thành thực tập sinh cho “ông lớn” ngành công nghệ Google. Anh được nhận xét là lập trình viên xuất sắc và tài năng.
Thế nhưng chỉ sau 4 tháng, vì bất mãn với chế độ làm việc tại đây, anh bỏ đi.
Từng là người được trọng vọng, Vương Ngân trở thành "kẻ điên" trong mắt nhiều người. |
Rời Google, Vương Ngân chuyển đến làm việc cho Microsoft. Nhưng chỉ sau 9 tháng, anh rời bỏ nơi mình từng ca ngợi là “công ty tốt nhất thế giới” khi mới gia nhập.
Trong một bài blog, anh viết rằng Microsoft không trả mức lương thỏa đáng với những giá trị anh đã cống hiến tại đây.
“Microsoft đã nhận được giá trị gấp nhiều lần so với với mức lương họ bỏ ra cho tôi. Tại Microsoft, tôi không được đối xử như một chuyên gia. Tôi càng làm tốt nhiều việc, càng có nhiều người thôi thúc tôi phải làm nhiều hơn. Tôi không thấy mình được đánh giá cao hay được tôn trọng. Mọi người chỉ thúc giục tôi làm việc, tăng tốc nhanh hơn", Vương Ngân bày tỏ.
Anh kể để đáp ứng lịch trình định sẵn, bản thân thường phải làm thêm giờ, làm thêm vào cuối tuần hay vào ban đêm. Với anh, "điều này cực kỳ vô lý".
Sau một loạt chỉ trích của Vương Ngân nhắm vào tập đoàn, Microsoft quyết định "cấm cửa", không cho anh làm việc tại bất cứ chi nhánh hay công ty con nào trực thuộc Microsoft trên toàn thế giới.
Lần lượt rời bỏ những trường đại học danh tiếng, nghỉ việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu bằng cách không mấy êm đẹp, Vương Ngân tạo nên hình tượng xấu trong mắt công chúng.
Dù sau đó vẫn tích cực hoạt động trên mạng xã hội với các bài viết về công nghệ, Vương Ngân phải nhận nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người kêu gọi tẩy chay, gọi 7X là "kẻ điên" vì cho rằng anh quá ngạo mạn, điên rồ.
Trước áp lực dư luận, Vương Ngân âm thầm khóa những bình luận và dừng các hoạt động của mình. Những tin tức về thiên tài một thời cũng không còn được mọi người quan tâm nhiều nữa.
Thế hệ con nhà giàu Trung Quốc: Ăn bám hay thiên tài ngậm thìa vàng?
Sinh ra trong gia đình giàu có, cuộc sống vương giả, các "cậu ấm, cô chiêu" ở Trung Quốc chọn những hướng phát triển khác hẳn nhau.
Theo Zing