- Cơn lũ ma túy quét của vùng quê nghèo, gia đình T. có 6 anh chị em thì có tới 3 người không thoát khỏi cám dỗ của 'nàng tiên nâu'. Trên chuyến xe định mệnh từ Kỳ Sơn về Đô Lương (Nghệ An), khi đang vận chuyển thuê 20kg thuốc phiện với số tiền công 2 triệu đồng, T. và người phụ xe bị công an tuần tra bắt giữ.

Gieo gió, ắt gặp bão

Đặng Văn T. sinh ngày 22-07-1975, trong một gia đình nghèo nằm về phía tây tỉnh Nghệ An, huyện Đô Lương, nhưng chọn lập nghiệp bằng công việc lơ xe đường dài tại thị trấn Con Cuông.

Thời đó, địa danh Kỳ Sơn với 5 dân tộc (Thái, Khơ Mú, Mông, Hoa và người Kinh) cùng sinh sống vẫn quen với tập quán trồng cây thuốc phiện, loại cây cung cấp nguồn thu chính cho họ, diện tích trồng có lúc lên đến 3.000 ha.

Người ta ví Kỳ Sơn như 'thủ phủ' của cây thuốc phiện, một điểm nóng về trồng và buôn bán ma túy thời điểm bấy giờ.

Cơn lũ ma túy quét của vùng quê nghèo, gia đình T. có 6 anh chị em thì có tới 3 người không thoát khỏi cám dỗ của 'nàng tiên nâu'.

Trên chuyến xe định mệnh từ Kỳ Sơn về Đô Lương, khi đang vận chuyển thuê 20kg thuốc phiện với số tiền công 2 triệu đồng, T. và người phụ xe bị công an tuần tra bắt giữ.

Lúc ấy, T. mới chỉ 23 tuổi, vừa cưới vợ được 40 ngày.

Đặng Văn T.

Trong trại giam, T. vẫn nhớ rất rõ bản án đã tự chuốc lấy bởi chính lòng tham của mình: “Sau ba chuyến trót lọt lời được 18 triệu đồng tôi cứ tưởng sẽ nhanh chóng làm giàu nhờ gieo cái chết trắng. Nhưng sự đời có ai học được chữ ngờ, và tôi không tránh khỏi lưới trời lồng lộng. Ngày 15-08-1997 trên đường vận chuyển 20kg thuốc phiện đi tiêu thụ, chúng tôi đã bị bắt quả tang.

Trước cơ quan điều tra dù đã đủ bằng chứng buộc tội nhưng tôi vẫn cố biện minh cho tội lỗi của mình. Nhưng cổ nhân đã nói: gieo gió ắt gặp bão, và đến ngày 23-06-1998 tôi đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt tử hình”.

Những tháng ngày nằm chờ quyết định cuối cùng của Chủ tịch nước, T. tình cờ phát hiện ra người anh cả của mình đang ở một nhà giam khác, thụ bản án chung thân, cũng bởi chính thứ cơm đen ấy.

Nhục nhã, ê chề. Nhà có 6 người, 2 đã dính vào vòng lao lý vì buôn thuốc phiện. Thằng em: tử hình. Ông anh: chung thân. Tai họa lại tiếp tục giáng xuống đầu khi T. nghe hung tin: người anh thứ 2 ở quê đã bị chết do sốc ma túy.

Cả gia đình T. đang rơi vào thảm họa của cơn lốc ma túy.

T. vật vã trước những nỗi đau này. Trong tự truyện của mình, T. chua xót: “Việc phải chứng kiến người thân của mình ở cùng cảnh trong trại giam là điều không một phạm nhân nào mong muốn. Đối với tôi điều đó lại càng chua xót hơn, vì tôi là một tử tù!...

Tối hôm đó, tôi bưng bát cơm lên chưa kịp ăn một thìa nào thì nước mắt lại tuôn trào. Tôi khóc vì ân hận cho việc làm tội lỗi của mình, vì thương cho bố mẹ tôi. Chỉ vì suy nghĩ nông cạn của anh em tôi mà bố mẹ đã gần như mất một lúc ba núm ruột của mình…”.

Sau này, những lần lên thăm của cha mẹ, tận mắt nhìn thấy khuôn mặt nhăn nheo của mẹ, mái đầu bạc trắng của cha, lần thì mang cho con nải chuối, đùm vừng lạc, lần mấy quả trứng, ít khoai, T. vô cùng xót xa và đau nhói.

Nghĩ đến cha mẹ, nước mắt anh cứ trào ra: “Lòng tôi như có muối xát. Tôi không nghĩ mẹ tôi lại già đi nhanh đến vậy. Choàng đôi tay lên bờ vai gầy của mẹ, tôi thấy đôi vai mẹ đang rung lên và hôm đó tôi đã khóc như một đứa trẻ lên ba.

Mẹ con tôi cứ ôm nhau như vậy rất lâu, như sợ tôi tuột khỏi vòng tay âu yếm của mẹ. Cha dặn tôi dù thế nào đi nữa thì con cũng không được bi quan tuyệt vọng”.

Những cuộc gặp chốc lát ấy đã tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho T. về một điều kỳ diệu, rằng một ngày, “mùa xuân” sẽ đến.

Và có lẽ những củ khoai, quả trứng, những ôm ấp chở che của tình mẫu tử, và những lời dặn dò vững vàng của cha đã khiến người đàn ông đứng trước cánh cửa thần chết có đủ nghị lực để nuôi khát vọng đi tìm sự sống.

Bốn mươi ngày làm chồng


Ba năm sau ngày đi tù, vào một buổi sáng mùa hè trời nổi cơn mưa dữ dội, mưa như trút, nước ngập cả con đường từ trại giam ra phòng tiếp tân của trại.

Mưa như điềm báo cho một nỗi đau sắp tới với người tử tù đang ngồi trong trại giam chờ đợi ngày “hết hạn tạm trú” để ra pháp trường đền tội trước pháp luật.

T. ngậm ngùi nhớ lại buổi sáng hôm ấy đau buồn ấy: “Sau khi mưa tạnh, tôi được cán bộ quản giáo thông báo ra gặp gia đình. Mặc bộ quần áo được vợ may cho ngày cưới khấp khởi vui mừng theo cán bộ trực trại. Trên đường đi tâm trạng tôi lại càng vui hơn khi được cán bộ cho biết là được gặp vợ.

Khuôn mặt tôi lúc đó rạng ngời chẳng khác gì cây khô gặp nước. Tôi được cán bộ dẫn vào phòng gặp số hai mà vợ tôi đã đứng ở đó chờ từ trước.

Có một điều trùng hợp là hôm đó vợ tôi cũng mặc bộ đồ mà chính tôi đã mua cho hôm cưới”.

Có thể đã đoán trước điều đó sẽ xảy ra, dù biết trước ngày đó sớm muộn gì cũng phải tới, bởi T. đang mang trong mình trọng tội, bản án tử hình vẫn đang lửng lơ trước mắt chờ ngày thực thi.

Nhưng có lẽ, từ trong thâm tâm của mình, T. vẫn luôn cầu mong nó đừng đến quá sớm. Bởi, T. luôn coi người vợ mới cưới là chỗ dựa tinh thần, là niềm động lực lớn lao của mình. Nhưng định mệnh là thứ không thể tránh khỏi.

T. nhớ lại: “Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình của tôi, trên đôi má cô ấy dòng lệ bắt đầu tuôn trào, thú thực lúc ấy, tôi nghĩ cô ấy khóc vì thương tôi, vì lo cho cuộc sống của tôi phải đếm từng ngày.

Nhưng thật là đắng cay cho tôi, vì những giọt nước mắt ấy chỉ là “khúc dạo đầu” cho “Bản án tử hình” mà cô ấy đã tuyên cho tôi...

Sau vài phút choáng váng, tôi đã trấn tĩnh lại để ký vào “bản án tử hình” mà vợ tôi mang đến”.

Phòng biệt giam của T.

Sự mất mát ấy đối với tử từ Đặng Văn T. thật quá lớn lao. Phạm nhân này tâm sự, thực lòng, cũng đã cảm thấy một chút vui, vì đã đem lại tự do cho vợ. Nhưng phần nhiều là cảm giác nặng nề, suy sụp.

T. kể lại từng phút giây khủng hoảng tinh thần mình đã trải qua: “Tôi nghĩ đến cảm giác cô đơn gặm nhấm tâm hồn trong những ngày còn lại của kẻ tử tội, nên tôi đã ném tung gói quà mà cô ấy gửi cho. Đêm hôm đó, tôi như một kẻ điên loạn, tôi hét tên cô ấy rất to trong đêm khuya thanh vắng”.

T. đã dứt lòng để người vợ ra đi. “Bản án” như một dấu ấn khó có thể phai mờ trong tâm hồn người đàn ông chỉ có 40 ngày được hưởng hạnh phúc làm chồng ấy.

“Đó là vào ngày 15-07-2000, ngày mà chắc chắn suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên được. Vì ngày hôm đó được xem như ngày tôi phải nhận thêm một bản án tử hình khác – án tử hình dành cho con tim”.

Sau sự kiện tưởng chừng như khó vượt qua đó, T. quyết định viết hai lá đơn, một lá đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan điều tra để lập công chuộc tội trong trường hợp Chủ tịch nước bác đơn miễn án tử hình.

Lá đơn thứ hai xin tự nguyện hiến xác cho khoa học với mong muốn làm được việc gì đó có ích trước lúc đền tội. Cả hai lá đơn đều được bỏ sẵn ở trong gối.

Nhưng một cánh cửa mới mở ra khi cánh cửa cũ khép lại sau lưng, và niềm tin vẫn cho người ta cơ hội thấy được thứ ánh sáng le lói phía cuối đường hầm.

Một vị quản giáo tình cờ phát hiện thấy hai lá đơn của T. và đem nộp lại cho Ban giám thị. T đã thành khẩn khai báo tất thảy hành vi phạm tội của mình, những điều mình làm, mình biết trước cơ quan điều tra.

Sự cố gắng của anh đã có kết quả: “Đó là vào một ngày nắng thu đẹp, tôi được đọc tờ công văn hoãn thi hành án tử hình cho tôi do cơ quan điều tra soạn thảo. Và một sự kiện lớn cũng làm tôi cảm thấy hy vọng hơn là văn bản Hướng dẫn Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 1999 được đưa lên thông tin đại chúng”.

Việc T. thật thà kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình, bằng cách anh nhớ tỉ mỉ từng “sáng mùa hè”, “một ngày nắng thu đẹp”, “buổi chiều cuối xuân”, mới thấy được hết cái khái niệm ngày giờ của những người tử tù đang chịu tội trong bốn bức tường giam.

Nó không chỉ dài hơn, bức bối hơn, mà nó còn là từng giây từng phút ghim sâu vào trong tâm trí họ, sau những ngày, tháng, năm dài đằng đẵng, đằng đẵng. Để những người mang tội gieo rắc cái chết trắng như T. thấm thía rằng: “Ma túy hoàn toàn không phải là con đường dẫn đến thiên đường giàu sang và hạnh phúc. Mà là con đường đưa ta đến địa ngục. Tội lỗi mà tôi gây ra không chỉ mình tôi gánh chịu mà còn cả gia đình, người thân nữa. Với tôi không chỉ có tội với pháp luật mà còn tội lớn với bố mẹ và gia đình. Tôi xin kính tặng quý bạn đọc câu chuyện buồn của cuộc đời tôi”.

Hoàng Sang – Vân Anh
(còn nữa)

(Bài viết sử dụng nhiều tư liệu trong cuốn tự truyện của phạm nhân Đặng Văn T.)