Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết nam bệnh nhân tên N.T.C (quê Bắc Giang) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và không thể qua khỏi do suy kiệt.

Cách đây 3 tuần, anh C. vào viện khám vì đau bụng, chán ăn, nôn ói, đi ngoài phân đen. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, khối u đã lan rộng nên không thể phẫu thuật. Bác sĩ tư vấn anh C. điều trị nội khoa trước để thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, nam bệnh nhân từ chối điều trị để về nhà uống thuốc lá.

Tại nhà, người bệnh uống nước ion kiềm với hy vọng thải độc, thu nhỏ khối u. 20 ngày sau, bệnh nhân vào cấp cứu. Lúc này, mọi nỗ lực của bác sĩ đều không giữ được mạng sống cho anh C.

benh nhan ung thu 2.png
Bác sĩ Nam khám và tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Theo quảng cáo của các nhà sản xuất, nước ion kiềm có nhiều tác dụng như làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ đường ruột, ổn định huyết áp, tăng sức đề kháng, giải độc, phòng chống ung thư, giảm mỡ, giải bia rượu.

Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hiện chưa có nghiên cứu khẳng định tính chính xác về công dụng của loại nước này. Nước ion kiềm đóng chai chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể, nhưng không phải là thuốc. Vì vậy, loại nước trên không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Lợi ích nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng.

Trong khi đó, một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều bao gồm rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường) gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.