Có rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng của một chiếc xe cũ. Thế nhưng, đồng hồ công-tơ-mét (odo) luôn là chỉ số được người mua quan tâm nhất. Vốn dĩ, những yếu tố khác như chất lượng thân vỏ, nội thất chỉ là sự định tính tương đối. Trong khi đó, odo lại là chỉ số dễ dàng nắm bắt và dễ dàng lượng hóa nhất. Tâm lý này của người tiêu dùng cũng chính là lý do mà rất nhiều các mẫu xe cũ trên thị trường ngày nay đều bị can thiệp vào đồng hồ đo quãng đường đã đi được.
Xem đồng hồ odo vốn dĩ là cách dễ dàng nhất để người mua hình dung chất lượng còn lại của xe.
Người trong cuộc: Tua odo là điều đơn giản!
"Từ xe bình dân như Toyota, Mazda, Hyundai tới những dòng xe sang như BMW, Mercedes-Benz, Audi,… thợ Việt hiện đều có khả năng can thiệp và đủ máy móc, kiến thức để điều chỉnh odo theo mong muốn. Một chiếc BMW 3-Series chỉ mất khoảng hơn 10 phút để tháo rời bảng đồng hồ sau vô-lăng", anh H - thợ máy tại một showroom tư nhân ở Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, người này không tiết lộ thêm thời gian cần có để thay đổi thông số odo trong bảng đồng hồ.
Tua odo xe "cỏ" hay xe sang đều là chuyện nhỏ với trình độ của thợ Việt hiện tại.
"Tuy vẫn có những dòng xe không thể tua công nhưng hầu hết công việc này ngày nay khá đơn giản. Tua odo một chiếc xe sang tới từ châu Âu có thể khó và mất nhiều thời gian hơn so với xe Hàn và xe Nhật, nhưng không phải là không thể", anh Quang Trung - chủ showroom xe cũ có tiếng tại Hà Nội - nhấn mạnh.
"Vậy nên, vấn đề là khách hàng cần chọn được những showroom uy tín, không thì cần chọn được những nơi đủ tin tưởng để kiểm tra trước khi quyết định xuống tiền mua xe", anh Trung đưa ra lời khuyên.
Vậy tua odo có ảnh hưởng gì tới chất lượng của xe?
Dẫu vậy, việc tua lại đồng hồ công-tơ-mét cần được hiểu một cách chính xác. Bởi xét trên lý thuyết, việc tua odo lên/xuống đều không hề ảnh hưởng tới bất kì yếu tố kỹ thuật nào khác trên xe hơi.
"Can thiệp và tăng giảm vào đồng hồ công-tơ-mét hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe. Bộ phận đo quãng đường đã đi thường được các hãng xe thiết kế dưới dạng một bộ đếm độc lập, dù là cơ hay điện tử cũng đều tách biệt với các cơ chế còn lại", anh Xuân Trường - chuyên gia kỹ thuật từng làm cho một hãng xe Nhật ở Việt Nam - khẳng định.
Tuy nhiên, việc thay đổi số km đã đi lại gián tiếp làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của xe. Đặc biệt là với những dòng xe sang có nhiều chi tiết cần chăm sóc, bảo dưỡng.
"Tác hại là điều mà khách hàng sẽ thấy rõ sau một thời gian mua xe. Họ sẽ không biết đc quy trình bảo dưỡng, thay dầu, thay thế các bộ phận trên xe. Thời điểm can thiệp vào odo, cũng không thể biết rằng thợ sửa chưa có vô tình gây hỏng hóc dây chuyền sang các bộ phận khác hay không", anh Quang Trung làm rõ.
"Một chiếc xe sang khi đến hạn cần bảo hành khá nhiều chi tiết để xe vận hành an toàn. Khi số km sai lệch khách hàng sẽ bỏ qua những vấn đề như vậy. Từ đó có thể gây hỏng hóc và trong quá trình sử dụng. Tua odo sẽ không trực tiếp đem tới hệ quả nhãn tiền, nhưng lại gián tiếp mang tới những ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với những dòng xe sang", anh Trung cho biết thêm.
Vậy người mua xe cũ nên làm gì để không bị lừa?
Cách đây không lâu, một khách hàng tại Hà Nội đã mua phải một chiếc Mercedes-Benz C250 Exclusive bị tua lùi odo. Điều đáng nói là khách hàng này đã đặt cọc tới 800 triệu đồng, một con số đặt cọc quá lớn trước khi đi kiểm tra xe.
Trao đổi về việc này, anh Trung cho rằng ham rẻ chính là lý do đã khiến vị khách này mắc bẫy khi thấy xe được niêm yết với giá 1 tỷ 230 triệu đồng, rẻ hơn hầu hết giá thị trường. Thông thường, người mua một chiếc Mercedes-Benz C-Class chỉ phải đặt cọc khoảng 50 triệu đồng, con số sẽ là nhỏ hơn với các dòng xe bình dân khác.
Đừng hám rẻ! Chẳng có ai cho không ai cái gì, chỉ có giá hợp lý với chất lượng thôi.
Quang Trung - Chủ nhân showroom H3T
Theo lời khuyên của anh Trung, quy trình tốt nhất mà người mua xe nên tuân theo là tới xem xe, lái thử xe. Sau khi đã ưng ý thì bắt đầu thỏa thuận giá cả. Đây cũng là lúc mà bên bán xe đưa ra những cam kết về chất lượng. Sau khi đồng ý giá và đặt cọc, hai bên sẽ làm giấy chứng nhận đặt cọc và cam kết chất lượng xe có chữ ký bên bán.
Bước tiếp theo, khách hàng sẽ mang qua hãng xe hoặc nơi tin tưởng nhất để kiểm tra. Sau khi hài lòng về chất lượng xe thì thanh toán tiền và nhận xe. Nếu không hài lòng thì, quay lại showroom trả xe và lấy lại tiền đặt cọc.
Trí thức trẻ