Bệnh Glôcôm (glaucoma) còn có các tên gọi khác như thiên đầu thống, cườm nước. Glôcôm là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường. Theo thống kê, tính tới 2020 có tới 78 triệu người trên thế giới mắc bệnh Glôcôm và con số ước tính có thể lên tới 111,8 triệu người vào năm 2040. Các chuyên gia cho biết, có khoảng 50% người mắc bệnh Glôcôm không biết mình bị bệnh và con số này có thể cao hơn ở các nước đang phát triển.

Theo TS.BS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, người mắc Glôcôm thường rất khó để nhận biết những dấu hiệu của bệnh, bởi bệnh thường tiến triển âm thầm và không có các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, người mắc Glôcôm có thể bị ảnh hưởng đáng kể tới thị lực. Người bệnh thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Nếu bệnh trở nên nặng hơn, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn. Lúc này các phương pháp điều trị Glôcôm đã không còn khả năng giúp người bệnh giữ được thị lực.

Bởi tính chất nghiêm trọng của bệnh, Hiệp hội Glôcôm thế giới đã chọn tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm làm Tuần lễ Glôcôm thế giới với nhiều hoạt động được diễn ra tại các quốc gia nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh lý, hướng dẫn, tuyên truyền các giải pháp nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hiệp hội Glôcôm thế giới chọn tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm làm Tuần lễ Glôcôm thế giới

TS.BS Vũ Anh Tuấn cũng cho biết Glôcôm là bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và giới tính nào. Tuy nhiên nhóm đối tượng nguy cơ cao thường bao gồm người trên 40 tuổi; người có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) mắc bệnh Glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh); người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, những người nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc Glôcôm nên được thăm khám định kỳ để tầm soát nguy cơ mắc bệnh ít nhất 1 năm/lần, người có người thân mắc bệnh Glôcôm khám định kỳ 6 tháng/lần. Việc thăm khám là cách duy nhất để phát hiện và điều trị Glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu.

Khi được thăm khám và điều trị sớm, Glôcôm có thể được kiểm soát, giúp làm chậm quá trình tiến triển, ngăn ngừa biến chứng bằng các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc, thủ thuật laser (laser cắt mống mắt chu biên, laser tạo hình vùng bè hoặc laser tạo hình góc tiền phòng) hoặc phẫu thuật (phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật cắt củng mạc sâu không xuyên thủng, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng).

Việc thăm khám là cách duy nhất để phát hiện và chữa trị Glôcôm kịp thời trong giai đoạn đầu

Hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới 2023, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản triển khai chương trình “Tầm soát sớm, điều trị kịp thời” với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh lý Glôcôm. Theo đó, bệnh viện miễn phí kiểm tra nhãn áp cho tất cả các bệnh nhân đến thăm khám trong Tuần lễ Glôcôm (12/3 - 18/3). Bên cạnh đó, bệnh viện cũng dành tặng gói khám “Tầm soát Glôcôm” cho 100 khách hàng là người nhà của các bệnh nhân Glôcôm đã từng thăm khám tại đây.

Để được tư vấn chi tiết, bệnh nhân có thể liên hệ hotline 0902242291 – 02437153666, website https://jieh.vn/ hoặc đến Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản theo địa chỉ: Số 32, Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.

Doãn Phong