- Trước khi cưới, tình yêu lãng mạn, thi vị bao nhiêu thì sau tuần trăng mật, sự thật trần trụi được phơi bày làm nhiều người “vỡ mộng” bấy nhiêu. Nếu không biết cách điều chỉnh, cảm giác chán nản, thất vọng sẽ đẩy cuộc hôn nhân vào ngõ cụt.
LTS: Cuộc sống hôn nhân của hầu hết các cặp vợ chồng đều trải qua 5 giai đoạn thử thách: 1 năm sau khi kết hôn, thời kỳ mang thai, khi vợ vừa sinh con, hôn nhân hậu 7 năm và giai đoạn trung niên. Nếu như không học được cách xử lý khéo léo, bạn sẽ khó vượt qua được 5 cửa ải đó. VietNamNet thực hiện chuyên đề Vượt qua sóng gió hôn nhân với mong muốn thông qua câu chuyện tình huống của các gia đình, mỗi người sẽ có cách lựa chọn phù hợp để vượt qua các thời điểm “sa sút” trong đời sống vợ chồng.
Sau 9 năm kết hôn, chị Nguyễn Việt Anh (hiện đang cư trú ở Chi Ba, giáp Tokyo, Nhật Bản) khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chị đang mang thai bé thứ hai khi con trai đầu 5 tuổi đã học mầm non. Chồng chị là người đàn ông biết lo cho gia đình và chia sẻ việc nhà với vợ.
Cuộc sống hiện tại viên mãn là thế, nhưng ít ai biết rằng, cũng như biết bao gia đình khác, anh chị đã phải trải qua những lúc chán nản, thất vọng về nhau tưởng chừng như không thể gắn kết được nữa. Đặc biệt là năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, chị đã phải điều chỉnh bản thân rất nhiều để phù hợp với tính cách của chồng.
Sau đám cưới, chị Việt Anh đã gạt bỏ tính nhõng nhẽo, lãng mạn của bản thân để phù hợp với tính cách có phần khô khan của chồng. |
Chị chia sẻ: “Sau khi kết hôn, mình có 1 thời gian rơi vào trạng thái thất vọng vì anh khô khan, trầm tính mà mình thì tình cảm và lãng mạn. Tự dưng thấy khoảng cách giữa 2 người ngày một lớn, cảm thấy bất lực trước người bận rộn và yêu công việc, say mê với công việc như anh. Cũng có những lúc 2 vợ chồng mâu thuẫn, cãi nhau... Anh xin lỗi nhưng không mầu mè, không nói những lời ngọt ngào mà cư lẳng lặng biến yêu thương thành hành động như chủ động đưa mình đi chơi, đi ăn, dành thời gian cho vợ nhiều hơn.
Những lúc như thế mình cũng tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân và nhớ lại những ngày tháng sinh viên gian khó anh đã vì mình mà nỗ lực kiếm tiền ra sao, những ngày mưa gió, tuyết lạnh, để bệnh thấp khớp hàng đêm không hành hạ mình, anh đã cõng mình qua những ngày mùa đông giá rét như thế nào... Mình lại tự nhủ rằng trên đời này ngoài bố mẹ chẳng có ai yêu thương mình hơn thế, và mình đã cố gắng vì anh mà thay đổi chính cái bản tính nhõng nhẽo quen được nuông chiều của chính mình”.
Giai đoạn sinh bé đầu lòng cũng là giai đoạn khó khăn của chị. Hồi đó, chồng chị đang làm bên Nhật, còn mẹ con chị ở Việt Nam. Chị bị sinh non, bé sinh ra rất yếu, phải nằm lồng kính nhiều ngày liền. Anh chỉ thu xếp về thăm con được 3 tuần rồi lại sang Nhật tiếp tục công việc. Ban đầu việc chăm bé cực kỳ vất vả, chị rất lo lắng cho sức khỏe của con và cũng rơi vào trạng thái căng thẳng khi không có chồng ở bên.
“Hằng ngày, anh đều gọi điện về động viên. Có 2 bên nội ngoại giúp đỡ, nhất là bố mẹ đẻ đã hỗ trợ cho mình và con rất nhiều nên cuối cùng con cũng khỏe mạnh và lớn khôn”, chị tâm sự.
Mỗi khi bất đồng quan điểm, vợ chồng chị chọn cách ngồi tranh luận thẳng thắn với nhau để giải tỏa khúc mắc. |
Một thời gian sau, chị và con đã chuyển hẳn sang Nhật để sống cùng chồng. Được đoàn tụ với gia đình là một niềm hạnh phúc lớn lao, nhưng cuộc sống ở nước ngoài, thiếu thốn tình cảm đôi khi cũng khiến chị stress. Nhưng bằng sự chia sẻ thẳng thắn giữa hai vợ chồng, mọi vấn đề đều được giải quyết êm thấm.
“Trong cuộc sống hàng ngày, những lúc bất đồng quan điểm vợ chồng mình thường giải quyết bằng cách ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau để giải tỏa khúc mắc và để nghe đối phương giải thích. Mỗi lần như thế, tranh luận thoải mái dựa trên tinh thần tôn trọng và thông cảm cho nhau, cũng may cho đến bây giờ sau bằng ấy năm chung sống chưa có mau thuẫn nào là quá to tát để phải hối hận hay nghĩ đến chuyện buông xuôi cả”, chị chia sẻ.
Gia đình chị không quá coi trọng việc phân công công việc mà đề cao sự thấu hiểu và thông cảm từ đối phương. Do đặc thù công việc của anh bận rộn hơn nên chị chủ động đảm nhận việc bếp núc. Vào ngày nghỉ anh thường giúp chị lau dọn nhà cửa để 2 vợ chồng và con có thời gian đi chơi, dạo phố. Chị đặc biệt coi trọng bữa ăn cho gia đình.
Sống ở nước ngoài nên chị thường xuyên nấu các món ăn Việt để ông xã và con luôn nhớ về quê nhà. |
“Dù biết nấu nhiều món Âu và Nhật nhưng tôi thường xuyên nấu món Việt Nam để ông xã và con trai luôn được thưởng thức những món ăn dân dã mà đầy hấp dẫn của quê hương. Tôi nấu ăn bằng niềm vui và hạnh phúc và hình như cũng học được từ đó cái tĩnh tại, cái dừng lại chậm rãi mà bỏ qua sự bon chen với đời, với sự hối hả bên ngoài mái ấm...”, chị chia sẻ thêm.
Theo chị, người phụ nữ muốn giữ hạnh phúc gia đình thì không chỉ đảm đang việc nội trợ, chăm lo gia đình mà còn phải có óc tổ chức cuộc sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngoan, khỏe. Có kiến thức, biết chăm sóc bản thân và một mực yêu chồng, thương con.
Kim Minh