Từng có một thời, nghe nhìn là lá cờ đầu tiên phong dẫn dắt ngành công nghiệp điện tử Nhật. Nhưng từ khi smartphone xuất hiện, nó đã đảm nhận thay rất nhiều chức năng của các thiết bị riêng rẽ. Nhu cầu về đồ nghe nhìn đi xuống, thị trường cũng suy giảm chóng mặt, đẩy các công ty phải chật vật tìm cách sinh tồn.
Hôm 15/5, Onkyo thông báo đang đàm phán với công ty Mỹ Sound United, nhằm bán đứt bộ phận nghe nhìn tại gia cho họ. CEO kiêm chủ tịch công ty là Munenori Otsuki giải thích rằng: "Chúng tôi sẽ ngừng sản xuất đồ nghe nhìn và hướng tới tăng trưởng thông qua lĩnh vực khác". Hôm 21, họ thông báo kế hoạch bán lại đã đạt được thỏa thuận trị giá 75 triệu USD. Một phần của thỏa thuận, thương hiệu "Onkyo" vẫn nằm dưới sự kiểm soát của công ty và Sound United sẽ bán sản phẩm dưới cái tên đó, rồi trả tiền bản quyền sử dụng cho Onkyo.
Onkyo sẽ bán đi bộ phận kinh doanh cốt lõi là nghe nhìn tại gia
Bên cạnh đó, Onkyo sẽ thoái vốn ở một công ty con phụ trách bán hàng thị trường nội địa, một nhà máy ở Malaysia. Đồng thời giảm bớt hoạt động tại hai công ty con ở Hồng Kông và Trung Quốc. Tổng số nhân viên toàn cầu của họ chỉ là 1.600 người, việc thoái vốn sẽ đẩy 60% số này mất việc. Một người công nhân tỏ vẻ chán nản: "Tôi nghĩ rằng thương hiệu Onkyo đã không còn cơ hội nào để tồn tại nữa". Vừa rồi, công ty cũng đã bán tháo tài sản trị giá 9,1 triệu USD, gồm cổ phần trong hãng nhạc cụ Kawai và một trung tâm R&D khác.
Tình hình kinh doanh của Onkyo không mấy suôn sẻ. Kết thúc năm tài chính 2018, bộ phận nghe nhìn đạt doanh thu 29,7 tỷ yên, lãi hoạt động 1,7 tỷ yên. Dự báo năm tài chính 2019, tổng doanh thu giảm 43% xuống 25 tỷ yên, còn lợi nhuận chỉ là 500 triệu yên. Con số này khá hơn mức lỗ 1 tỷ yên năm ngoái. Công ty hy vọng bán đi mảng kinh doanh cốt lõi sẽ giúp họ giảm bớt chi phí, đồng thời có nguồn thu ổn định từ cấp phép bản quyền.
Tai nghe đính kim cương có giá 100.000 USD của Onkyo ra mắt ở CES 2017
Onkyo thành lập năm 1946 dưới cái tên Osaka Denki Onkyo. Người sáng lập là Takeshi Godai, một cựu nhân viên làm ở bộ phận phát triển loa của Matsushita (sau này là Panasonic). Từ "onkyo" tiếng Nhật tương đương với "audio" trong tiếng Anh, phản ánh rõ nét tư duy của người thành lập công ty. Ông Godai muốn tập trung tất cả vào chất âm, vì tỏ ra không hài lòng với các loa trình diễn dở tệ đang có trên thị trường. Từ giai đoạn 1960 đến 1980, công ty đã cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Sansui, Denon, và Marantz.
Qua thời gian, dàn âm thanh dần thu nhỏ kích thước và môi trường thưởng thức chuyển từ các phòng gia đình sang cá nhân, hoặc nhóm nhỏ. Các hãng sản xuất đồ âm thanh bắt đầu bán loại dàn mini nhỏ gọn hơn, và Pioneer, Kenwood dần trở nên phổ biến. Nguồn nhạc cũng dần chuyển từ analog (đĩa than, băng từ) sang loại kỹ thuật số (đĩa CD).
Ngày nay, sau hàng chục năm thay đổi, thị trường âm thanh tập trung vào lối nghe nhạc cá nhân và ít ai mua dàn âm thanh chuyên dụng nữa. Các máy nghe nhạc cầm tay phục vụ người yêu nhạc, như của Sony, Astell&Kern, hay phổ biến hơn cả smartphone. Theo thống kê, thị trường đồ âm thanh Nhật Bản đã suy giảm hơn một nửa xuống còn 85,3 tỷ yên, so với 210,4 tỷ yên của 10 năm trước. Thu hẹp khiến Onkyo buộc phải rút lui.
Thị trường âm thanh tập trung vào lối nghe nhạc cá nhân, ít ai mua dàn âm thanh chuyên dụng nữa
Họ không cô đơn. Chính Pioneer đã bán mảng âm thanh gia đình của Onkyo năm 2015. Kenwood mua lại Trio, rồi sáp nhập với Victor trở thành JVC năm 2008. Sansui, từng một thời sánh bước cùng Kenwood và Pioneer, cũng đã nộp đơn xin phá sản hồi 2014. Marantz và Denon sáp nhập vào năm 2005, sau đó được Sound United mua lại vào tháng 3/2017.
Xu hướng này được nhìn thấy cả ở ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Năm 2017, Samsung đã chi 8 tỷ USD để mua lại Harman International, tập đoàn Mỹ sở hữu JBL và Harman Kardon. Thị trường ngày càng trở nên khó khăn, sau khi về dưới trướng công ty Hàn Quốc, Harman cũng chưa đóng góp được đáng kể cho doanh thu và lợi nhuận Samsung.
Onkyo bây giờ sẽ chuyển sang hình thức sản xuất theo hợp đồng. Họ hy vọng có thể kiếm được 30 tỷ yên trong vòng ba năm.