Có dễ nhận học bổng hàng trăm triệu, hàng nghìn đô?
Theo báo Tuổi Trẻ, những suất học bổng toàn phần hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn USD được các trường công bố trong thông báo tuyển sinh thật ra không phải SV nào cũng đủ khả năng để nhận được “toàn phần” cho bốn năm học.
Hàng loạt điều kiện được đặt ra cho thí sinh nếu muốn nhận được những suất học bổng ấy. Tuy nhiên những điều kiện ấy không dễ ăn chút nào.
Trường ĐH Tân Tạo đã dành những suất học bổng toàn phần cho SV năm nhất. SV sẽ được tài trợ hoàn toàn chi phí kí túc xá laptop, ăn uống và chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, để được nhận học bổng toàn phần, thí sinh cần đạt điểm trung bình ba năm học THPT từ 9,5 trở lên, điểm thi ĐH ít nhất là 26 (không cộng điểm ưu tiên).
Ngoài ra, thí sinh phải có chứng chỉ TOEFL 500 PBT (61 iBT) của Hoa Kỳ không quá hai năm (đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh).
SV sau khi kết thúc năm nhất phải có điểm trung bình học tập từ 3.5 trở lên mới được nhận học bổng toàn phần (dựa trên thang điểm 4 của Hoa Kỳ). Nếu ít hơn số điểm này thì sẽ nhận học bổng từ 50% đến 75%. Dưới 2.5 điểm không được nhận học bổng và phải đóng học phí 3000 USD/ năm.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Quốc tế Miền Đông tuyển sinh lần đầu nên đưa ra học bổng khá hấp dẫn. Quỹ học bổng Becamex của trường gồm 20 tỷ đồng, trong đó dành 6 tỷ để phát trực tiếp cho thí sinh tại lễ khai giảng.
Còn lại 14 tỉ đồng dành cho tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường để tham gia chương trình đào tạo Anh ngữ quốc tế IELTS.
Trong khi đó, học phí của trường ở nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ 20 triệu đồng/năm và điều dưỡng 15 triệu đồng/năm.
Thí sinh muốn nhận học bổng của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM phải thỏa mãn ba điều kiện sau: có đăng ký NV1 vào trường, đạt điểm thi ĐH từ 21 điểm trở lên và đạt điểm trung bình các môn trên 7 điểm trong quá trình học.
Đối với thí sinh đăng ký NV2, 3 nếu đủ các điều kiện tương tự cũng được học bổng toàn phần (không bao gồm học phí tiếng Anh).
Sau năm đầu tiên, một SV muốn nhận học bổng 100% phải có điểm trung bình trên 8, học bổng 50% cho hai SV tiếp theo và 20% cho 5 SV kế tiếp. Học phí của trường là 6,9 triệu đồng/ tháng.
|
Những thí sinh đạt điểm trên sàn đang được nhiều trường ĐH săn đón. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Rải tiền "câu" thí sinh
Cũng báp này cho biết, việc tặng tiền cho thí sinh, trả tiền “môi giới” cho những ai giới thiệu được thí sinh đến trường nhập học là những “chiêu” đang được nhiều trường ĐH tung ra trong tuyển sinh năm nay.
Có vẻ như đợt xét tuyển NV2 còn là cuộc cạnh tranh khốc liệt của các trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập trong “chiến dịch” lôi kéo thí sinh vào trường mình.
Trường ĐH Thái Bình Dương thông báo ưu đãi đặc biệt cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường: miễn giảm học phí nhập học năm học này, bậc ĐH, CĐ được giảm 20% học phí cho năm học đầu tiên.
Thí sinh có tổng điểm ba môn thi ĐH từ 16-19,5 sẽ được nhà trường tặng 700.000 đồng và tặng thêm 1 triệu đồng/thí sinh có điểm từ 20 trở lên.
Trước đó, Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho biết sẽ tặng quà là tiền mặt cho thí sinh, điểm càng cao tiền thưởng càng nhiều. Nhà trường còn dành tiền môi giới cho các đơn vị về việc thông báo cho các em về các ưu đãi trên, với 250.000 đồng/ thí sinh.
Chưa đến lúc trao quyền tự chủ tuyển sinh
Báo Tiền Phong hôm nay đăng tải ý kiến bạn đọc về việc có nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông khi kết quả tốt nghiệp đạt tới hơn 90%? Tiếp tục thi ĐH, nên giữ “3 chung” hay trả về cho các trường quyền “tự chủ tuyển sinh”? Có nên thi ĐH nhiều môn thay cho việc thi theo các khối như hiện tại?...
Phải dám chắc một điều nếu như bỏ kì thi tốt nghiệp THPT thì việc chạy theo thành tích, các bệnh tiêu cực trong giáo dục như nâng điểm, chạy điểm... là điều không thể tránh khỏi. Vậy thì kết quả học tập của HS trong các năm học liệu có đáng tin hay không?
Nhiều ý kiến khác cho rằng nên trao quyền “tự chủ tuyển sinh” cho các trường ĐH, CĐ vì mỗi trường, tùy theo ngành nghề đào tạo có những yêu cầu tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, dù HS có thi vào trường ĐH hay CĐ đào tạo nghề chuyên sâu theo hướng nào thì nền tảng kiến thức để các trường ra đề thi vẫn là chương trình học phổ thông.
Nếu để các trường tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề thi thì sẽ quay trở lại tình trạng trường ĐH, CĐ nào cũng có lớp, có trung tâm luyện thi, GV vừa ra đề, vừa luyện thi. Như vậy, có đảm bảo được công bằng đối với các em HS không có điều kiện tham gia lớp học luyện thi?
Giảm tải, không phải thay sách giáo khoa
Báo Giáo dục online cho biết, mặc dù dự kiến từ năm học 2011 - 2012 việc dạy học sẽ theo hướng giảm tải nội dung nhưng không vì thế GV, HS sẽ phải mua sách giáo khoa (SGK) khác.
Theo dự thảo Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học mà Bộ GD&ĐT mới đây đưa lên mạng lấy ý kiến toàn ngành, việc giảm tải năm học 2011 – 2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính.
Giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình - SGK để dạy học ở nhiều môn khác nhau. Giảm tải nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên. Giảm tải bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi HS. Nhóm thứ tư là rà soát, điều chỉnh kiến thức mang đặc điểm địa phương.
Theo Bộ GD&ĐT, vấn đề quá tải có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do chương trình hiện hành được viết tương đương trình độ các nước tiên tiến thế giới.
Trong đợt giảm tải này, Bộ GD&ĐT khẳng định, đối với các bài, các phần được hướng dẫn “không dạy” hoặc “đọc thêm” thì không ra bài tập, không kiểm tra, không thi. Tài liệu hướng dẫn giảm tải thể hiện cụ thể việc điều chỉnh với từng môn.
Giảm tải không phá vỡ tính chỉnh thể của chương trình - SGK, các nội dung dạy học không bị “cắt” một cách cơ học mà “cắt” trên cơ sở tính toán loại bỏ những phần không hợp lý, đảm bảo giữ được mạch của chương trình, tính logic của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.
GV có trách nhiệm hướng dẫn HS đánh dấu những bài, phần không yêu cầu phải học, phải làm. Vì vậy, GV và HS hoàn toàn không phải mua SGK khác để dạy học trong năm học này.
- Diệu Thanh - Ánh Tuyết (tổng hợp)