Có đường biên giới quốc gia dài 58 km, diện tích rộng, đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt, huyện Tương Dương là một trong ba huyện nghèo của tỉnh Nghệ An.

Địa phương có 11 bản, trong đó có 2 bản giáp biên giới với 1.971 hộ/7.806 khẩu người Kinh, Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Tày Pọng cùng sinh sống, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều người dân chưa nói thông thạo tiếng phổ thông. 

Những năm trước đây, Tùng Hương nghèo lắm, cuộc sống hoàn toàn dựa vào nương rẫy và săn bắn hái lượm nơi núi rừng, khe suối. Trong bản khi nào cũng có nhà đứt bữa. Bên cạnh đó là thiên tai, mưa lũ thất thường. 

W-anhminhhoa-1.png
Tương Dương là một trong ba huyện nghèo của tỉnh Nghệ An

Bởi vậy, từ chủ trương của tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tương Dương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế. Xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bền vững đã và đang là một trọng tâm công tác của cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương.

Theo đó, Huyện ủy triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển KT-XH, đã mang lại những thay đổi lớn ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, cuộc sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện từng ngày khởi sắc.

Điển hình như mô hình trồng rừng ở xã Tam Quang, trồng ngô lai trên đất dốc tại xã Lượng Minh, trồng rau sạch ở xã Tam Thái, chăn nuôi đại gia súc ở xã Thạch Giám... Qua đó, nhiều gia đình từ nghèo vươn lên hộ khá.

Hay như tại làng Bãi Sở, đang tập trung phát triển cây thanh long ruột đỏ. Từ mô hình của ông Chiến, nhiều người dân Bãi Sở và trong xã Tam Quang đã học tập nhân rộng loại cây có giá trị kinh tế này. Giờ đây, mỗi năm xã Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở và đến nay diện tích thanh long ruột đỏ tại làng Bãi Sở đã tăng từ 3, 2 ha lên 10 ha với khoảng 55 hộ tham gia, đạt năng suất 7,0 tấn/ha. Mô hình này đã được xây dựng thành HTX và được tỉnh công nhận sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Ngoài những vườn thanh long ruột đỏ rộng lớn, người dân Bãi Sở còn tập trung phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt, lợn nái, lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hay như bên dòng Nậm San có bản Tùng Hương- 1 trong những bản của đồng bào Thái có lịch sử hình thành lâu nhất ở huyện miền núi Tương Dương, đã có từ trăm năm. 700 người Thái đang định cư tại bản. 

Gần 10 năm trước đường vào bản Tùng Hương vẫn là con đường đất, xuyên núi đồi lầy lội. Thế mà bây giờ, đường đang được mở rộng, đổ đá cấp phối thành đường cấp 5 miền núi, ô tô cũng vào đến tận nơi.

Tùng Hương đang được tiếp thêm sinh khí, nhờ những dự án của Nhà nước đầu tư. Từ trên đèo dốc nhìn xuống, Tùng Hương hiện ra với những ngôi nhà sàn nép dưới tán dừa, quần tụ bên dòng khe xanh mát lượn quanh;

Không chỉ có Tam Quan, Tùng Hương đang đổi mới, mà hầu hết các xã trong huyện Tương Dương đang nỗ lực vươn lên. Đến nay, toàn huyện có hơn 500 mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ chỗ có hơn 60% số hộ nghèo (năm 2010) đến nay huyện Tương Dương giảm xuống còn 40%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 25 triệu đồng/năm.

Trong xây dựng nông thôn mới, Tương Dương là huyện duy nhất trong các huyện 30a của tỉnh có hai xã được công nhận đạt chuẩn là Thạch Giám và Tam Thái.

Nhóm PV