- Các bạn có hình dung được sự kinh ngạc của tôi?! Lady Borton (Hoa Kỳ) kể lại trong lần về Hoa Kỳ làm việc mới đây.
Tôi về chỉ có một ngày dành cho mình quyền muốn làm gì thì làm. Tôi chọn tới thăm một cơ quan lưu trữ, cụ thể là Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, mà trụ sở trung tâm nằm trong một khu đại học đẹp tại Maryland, phía trong sát vạch địa giới của Thủ đô nước Mỹ. Tôi muốn một lần nữa soát lại thư mục về Đội Con Nai (the Deer Team), do OSS, tiền thân của CIA, lập ra vào cuối chiến tranh thế giới II.
Vào giữa tháng Bảy 1945, Đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào, một xã nằm ở địa giới giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên. Một tháng sau, ngày 14/8, Tân Trào là địa điểm nhóm họp Quốc dân Đại hội toàn Việt Nam, ra quyết định giành chính quyền từ tay Nhật bằng tổng khởi nghĩa trên toàn quốc - chính là cuộc cách mạng tháng Tám, thực tế diễn ra hầu như không đổ máu. Nhiều năm sau, ở Washington tôi thường hy vọng sẽ dùng kỹ thuật số để nâng chất lượng của những tấm ảnh trắng – đen nguyên bản chụp từ 1945, trong một thư mục lưu trữ tôi từng xem xét nhiều lần.
Dưới đây là quy tắc tra cứu tài liệu lưu trữ của tôi và bí quyết “khám phá”: soi tất tật mọi thứ!
Một cơ quan lưu trữ đâu phải là thư viện, nơi sách báo có thư mục, có số của nó. Hơn nữa, lưu trữ giống như một căn phòng ít người tới trong một tòa nhà cổ nơi một dòng họ sống hàng trăm năm. Nhưng trong một hộp đầy bụi, một hậu duệ có thể chợt thấy, lọt giữa hai tờ của một cuốn sổ có mùi mốc là tấm ảnh thời niên thiếu của người mẹ của mình. Vì nguyên cớ này, khi tới một cơ quan lưu trữ, tôi thường rà soát kỹ từng trang của từng tư liệu, từng cuốn sách, bài báo, bản báo cáo, hay cuốn sách mỏng. Tôi mở từng hình vẽ, từng bản đồ. Tôi soát xét cả hai mặt của từng tấm ảnh. Tôi để ý mọi chi tiết.
Bạn luôn bất ngờ là cái bạn tìm thấy thường không phải là cái bạn đang tìm.
Bởi vậy, tôi đang tận hưởng “ngày nghỉ” của mình trong nắng, chiếu qua cửa sổ cuốn của tòa Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, tay khẽ lật các trang hồ sơ của Đội Con Nai. Rồi bỗng nhận thấy, kẹp ở giữa hai trang giấy khổ thông dụng, là một tấm danh thiếp nhỏ, cỡ bằng những tấm danh thiếp thường dùng hôm nay. Một tấm thiếp in giản đơn, đã vàng đi do năm tháng, hằn vế xước do đính bằng kim vào các tư liệu, một cách làm trước khi ta sử dụng ghim để kẹp tài liệu. Nhưng trên đó có dòng chữ in đậm: VO NGUYEN GIAP và dòng viết nghiêng “Bộ-trưởng Bộ Nội-Vụ”, và “Home minister” viết bằng mực xanh da trời. Rồi con dấu cấp nhà nước mực đỏ, và một thông điệp viết tay, với chữ ký của ông Giáp đằng sau tấm danh thiếp này. Ôi, quả là một “gia tài”!
Tôi bắt đầu đọc thông điệp trên tấm danh thiếp.
“Oh, Mơ xi ơ Buu (M. Buu)!!”, tôi buột miệng, làm những người tra cứu khác ngẩng lên nhìn tôi.
Sao tôi lại không nhận thấy tấm danh thiếp này trước kia? Sao tôi có thể bỏ qua một sự việc quan trọng như vậy.
Chắc “M Buu” trên danh thiếp này là Tạ Quang Bửu, một trong những nhà toán học, nhà vật lý học sáng chói nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX, cũng là một nhà hoạt động chính của phong trào Hướng đạo sinh ở Huế. Tốt nghiệp đại học Sorbone và cũng từng tu nghiệp tại Oxford, ông Bửu có một số năm dạy học ở Huế, rồi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng (giữa 1947 – giữa 1948). Ông giữ chức Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp (cuối 1965 – giữa 1976). Điều lạ nhất với tôi, khi nhìn tấm thiếp được lưu hành khoảng 1945 hay 1946, là cảm nhận một trớ trêu của lịch sử: năm 1954, thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt cho Đại Tướng Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ký Hiệp định Geneva!
Nhưng tôi phải chắc được là “M. Buu” trên tấm danh thiếp chính là Tạ Quang Bửu đã.
Khi quay về Hà Nội, tôi đến thăm hàng xóm của mình: ông Phạm Hồng Cư và phu nhân – bà Đặng Thị Hạnh. Bà Hạnh, một giáo sư văn học Pháp, là em của phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng là một trong những người chắp bút cho Tướng Giáp thời chống Mỹ, Hồng Cư tiếp tục cộng tác với Văn phòng Đại tướng nhiều năm, sau khi ông về hưu khoảng giữa những năm 90. 2/9/1945, chưa đầy 20 tuổi, Hồng Cư có mặt trong lực lượng tự vệ chiến đấu, giữ an ninh cho Lễ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Tôi mở máy tính cho hai ông bà xem tấm danh thiếp lưu trên màn hình.
“Ồ, hay nhỉ”, hai ông bà đồng thanh.
Tôi có nhiều câu hỏi. Tôi đã nhận biết được chữ ký ông Giáp trên mặt sau của tấm danh thiếp. Nhưng muốn được chắc chắn, tôi hỏi: “Thông điệp trên tấm các này do tay ông Giáp viết?”
“Chắc chắn”, họ trả lời ngay.
“Nhưng văn bản tiếng Anh này khá chuẩn. Có chắc Võ Nguyên Giáp đã viết thông điệp này? Hay ai đó chắp bút tiếng Anh, rồi ông Giáp chép lại?”
“Không đâu”, bà Hạnh nói ngay, “Ông Giáp biết tiếng Anh khá thạo, đặc biệt có thể viết bằng tiếng Anh chuẩn. Rất chuẩn! Đây chính là thông điệp của ông ấy. Thời ấy không ai viết giúp ông ấy đâu”.
“Vậy thì, ‘M. Buu’ phải chăng là ông Tạ Quang Bửu?”
“Chắc chắn như vậy”, Hồng Cư đáp.
“Nhưng làm sao biết được?”. Tôi gạn hỏi. Tôi thường làm việc với các cựu chiến binh Việt Nam, họ luôn cho tôi được “hỏi khó” để đảm bảo độ chính xác của các sự kiện, và nhân vật lịch sử.
“Tôi từng được làm việc với Tạ Quang Bửu một số năm”, tướng Hồng Cư kể, ông chỉ sang cửa một nhà gần đó, “Nhân tiện, bà (quả phụ) Tạ Quang Bửu hiện sống kề liền đây”. Sau đó ông chỉ phần trên của tấm danh thiếp, hiện trên màn hình máy tính của tôi, “Nhưng phần chữ viết tay trên cùng của tấm thiếp không phải chữ của Võ Nguyên Giáp, mà là của Tạ Quang Bửu”.
“Ông chắc là như thế?”
“Chắc chắn.”
“Thế còn”, tôi hỏi, “L’ancienne Hotel de la Residence Superieure’ (Trụ sở cũ của Tòa Khâm sứ Bắc Kỳ) nay ở đâu?”
“Tôi sẽ giải thích”, Hồng Cư đáp. “Hãy nhìn chữ viết tắt ‘C.P.N.D.L.T.V.N.’ ở dưới cùng tấm thiếp. Nó nghĩa là: Chính phủ Nhân dân Lâm thời Việt Nam”. Chúng ta không rõ ngày tháng của tấm thiếp. Nhưng đây là thời kỳ quân Nhật còn đóng tại nơi nay là Phủ Chủ tịch. Chính phủ lâm thời đóng tại nơi nay ta gọi là Nhà Khách Chính phủ”.
“Nghĩa là tòa Nhà khách trên đường Ngô Quyền?”, tôi hỏi “Bên kia đường, là khách sạn Metropole?”.
“Đúng vậy”, ông trả lời. “Nhưng xem này. Thật thú vị. Có cả số máy điện thoại trực”.
“Thế còn người nhận”, tôi hỏi, “ông nghĩ sao về ‘phái bộ quân sự Hoa Kỳ’?”
“Vâng, người nhận thiếp kèm giấy giới thiệu này”, tướng Hồng Cư đáp. “hẳn là Archimedes Patti, trưởng phái bộ Mỹ ở Hà Nội. Patti là tác giả cuốn ‘Tại sao Việt Nam?’. Võ Nguyên Giáp lúc đó ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ, có chức trách giao thiệp với trưởng đoàn Mỹ”.
Chúng tôi bàn tiếp về thông điệp và về niềm hy vọng tràn trề trong câu: “Chúng tôi sẽ rất biết ơn phái bộ Hoa Kỳ về việc tạo điều kiện cho ông Bửu làm việc cho tới khi thiết lập được quan hệ chính thức (giữa hai quốc gia)”.
Tôi bị hút vào tấm danh thiếp.
Phần tưởng tượng trong não bộ của tôi luôn bận rộn với các câu hỏi và các hình dung có tính giả định: Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Hồng Cư, và những người thuộc thời đại ấy, đã đi vào lịch sử bằng việc tham gia vào cuộc Cách mạng tháng 8/1945 - nếu phe thực dân không cố tình bẻ ghi hướng tài năng của họ vào cuộc chiến 30 năm (1945 – 1975 giành độc lập, thống nhất cho Việt Nam), họ sẽ chọn để cống hiến sức sống của mình cho nghiệp nào của xã hội dân sự?
Vào thời trẻ của mỗi người Việt, theo tôi, chắc ai cũng đã nghĩ trở thành thầy – một nghề được xem là nghề cao quý nhất ở Việt Nam - đất nước chịu ảnh hưởng nặng của Đạo Khổng, vốn dĩ nhấn mạnh sự học.
Khi còn trẻ, Võ Nguyên Giáp từng viết những bài báo chín chắn, nhờ khảo sát, nghiên cứu kỹ càng, thậm chí ông viết cả một cuốn sách về chính trị kinh tế học. Hôm nay, ông vẫn là một sử gia lừng danh. Khi còn học tiểu học, Tạ Quang Bửu đã nổi tiếng tại Trường Quốc học Huế, do những sáng chế của mình. Lẽ ra ông Bửu đã khám phá hay phát minh được gì sau khi trở thành cử nhân (nếu không có chiến tranh). Con của ông Hồng Cư nói cha mình lẽ ra đã trở thành thầy dạy toán (tôi thì nghĩ – thầy dạy văn). Hôm nay, tướng Hồng Cư kết hợp cả hai tài năng để viết về các sự kiện lịch sử: dùng những cảm xúc văn học kết nối với toán, để thể hiện mối liên hệ chưa từng đề cập tới, giữa những quan sát kỹ lưỡng với cách hành động chính xác, hợp quy luật.
Tướng Giáp, trong suốt một chiều dài của lịch sử hiện đại, được ghi danh không chỉ như một danh tướng thắng cả quân Pháp và quân Mỹ, mà còn như một tướng soái vĩ đại nhất của thế kỷ XX, và chắc là của lịch sử nhân loại. Nhưng còn một sự thật đau lòng nữa, là cùng thời với tướng Giáp, nhiều người thuộc thế hệ trẻ ở cả hai phía cuộc chiến, hoặc đã phải nằm xuống do chiến tranh, hoặc những năm đẹp nhất của tuổi xuân quên mình vì thời chiến...
Theo tôi, những mất mát như thế kết tinh trong lời bình có phần nuối tiếc của tướng Giáp: “Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”.
Lady Borton (SN 1942 tại Hoa Kỳ). 1969 – 1971 làm cho chương trình cứu trợ Quaker tại Quảng Ngãi. Đại diện tổ chức Quaker ở Hà Nội từ đầu 1980 tới giữa thập kỷ qua. Nổi tiếng vì nhiều bài báo, và tác phẩm về Việt Nam như: Hồ Chí Minh- một chân dung, Tiếp sau nỗi buồn, Cảm nhận kẻ thù, Hồ Chí Minh- một hành trình ... Lady còn biên dịch các sách Điểm hẹn lịch sử - của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Tuổi trẻ Võ Nguyên Giáp, Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan ... ra tiếng Anh. |
- Lady Borton (Hoa Kỳ)/ Lê Thành (dịch)