Năm 1992, Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm cổ phần hóa, nhưng phải đến giữa năm 1998 mới thực sự bắt đầu, khi Nghị định 44 của Chính phủ được ban hành.

Sau 6 năm thực hiện thí điểm, chỉ có vẻn vẹn 25 doanh nghiệp cổ phần hóa. Tiếp đó cho tới cuối năm 2004 đã có hơn 2.000 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, góp phần giảm tỷ trọng của khu vực nhà nước trong GDP từ 42% vào đầu những năm 1990 xuống còn 39% vào năm 2003. Cuối năm 2004, Chính phủ ra Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Điểm mới quan trọng trong Nghị định này là quy định việc bán cổ phần lần đầu phải được thực hiện bằng hình thức đấu giá tại các trung tâm giao dịch chứng khoán. Đến năm 2008, khoảng trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ được cổ phần hóa.

Theo thống kê của Vietnam Report về Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong 3 năm công bố gần đây thì số lượng Doanh nghiệp Nhà nước lọt vào Bảng xếp hạng giai đoạn 2010 - 2013 đã giảm khoảng 2% so với các giai đoạn xếp hạng trước đó (2008-2011 và 2009-2012). Có thể thấy, về cơ bản, quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2008 - 2013 đã đạt được kết quả là giảm số lượng doanh nghiệp, chuyển hướng mục tiêu "tập trung vào ngành nghề cốt lõi" thay vì "đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực" nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và cạnh tranh của khối Doanh nghiệp nhà nước, và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng trong tương lai.

{keywords}

Cơ cấu số lượng doanh nghiệp FAST500 trong 3 năm công bố 2013, 2014, 2015 (tương ứng với giai đoạn xếp hạng 2008 - 2011, 2009 - 2012 và 2010 - 2013) theo loại hình doanh nghiệp. (Nguồn: Vietnam Report)

Năm 2015 là năm cuối của Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn còn chậm chạp vì nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết phải kể đến nguyên nhân từ việc chính bản thân các doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa vì có thể làm động chạm đến lợi ích nhóm. Trong năm 2014, dưới sức ép của Chính phủ, quá trình cổ phần hóa đã được đẩy mạnh hơn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm đã có 71 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tức gần bằng cả năm 2013, được cổ phần hóa. Sau khi rà soát bổ sung lại danh mục các doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 nâng tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2015 lên 532 thay vì 432 doanh nghiệp như trước. Đây quả là một thách thức không hề nhỏ khi tốc độ cổ phần hóa trong những năm trước tiến hành cực kỳ chậm chạp, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục tái cơ cấu, trọng tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả công ty nông lâm nghiệp. Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối (trên 50%) ở những lĩnh vực then chốt, đặc biệt quan trọng.

Đánh dấu cho sự tăng trưởng phát triển mạnh sau cổ phần hóa phải kể đến Ngân hàng Công thương Việt Nam Vietinbank. Từ tháng 7/2009 Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) chính thức ra mắt với tổng tài sản 240.388 tỷ đồng, vốn điều lệ là trên 11.252 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Nhà nước nắm giữ 89,23% và cổ đông ngoài Nhà nước nắm 10,77%. Sau cổ phần hóa năm 2009, tốc độ tăng trưởng của ngân hàng này luôn ở mức cao trên tất cả các lĩnh vực. Các chỉ số tài chính chủ yếu đều đạt ở mức cao và đảm bảo các chỉ số an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. Đến 31/12/2014, tổng tài sản của VietinBank đạt 660 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2013 và đạt 103% kế hoạch đại hội đồng cổ đông; Hoạt động cấp tín dụng đạt số dư 544 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% so đầu năm (tăng trưởng toàn ngành là 12,62%), đạt 104,7% kế hoạch, trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 440 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013. Hoạt động đầu tư 2014 đạt số dư 174 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản với danh mục đầu tư. Năm 2014, VietinBank tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về lợi nhuận kinh doanh trong hệ thống các ngành thương mại Việt Nam khi đạt lợi nhuận trước thuế là 7.300 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch Đại Hội Đồng Cổ Đông giao. Trong đó, thu dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị tuyệt đối tăng 13% so với năm 2013 và tỷ trọng trên tổng thu nhập tăng đạt mức 10%.

Nằm trong đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ hoàn thành cổ phần hóa ngay trong năm nay để đưa VNPT hoạt động theo mô hình mới. Quá trình này sẽ tách hãng di động lớn Mobifone ra khỏi VNPT. Công ty Thông tin di động (VMS - Mobifone) sau khi tách khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông sẽ hoạt động 5 ngành nghề kinh doanh chính, xoay quanh lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin. Trước đó VNPT đã quyết định bổ nhiệm thay đổi một số lãnh đạo chủ chốt của Công ty Thông tin di động VMS-MobiFone. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc sẽ làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone. Theo nhận định của các chuyên gia giá trị hiện tại của Mobifone được ước tính khoảng 3,4 tỷ USD. Song con số này có thể lên hơn 4 tỷ USD nếu doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng sau khi tách khỏi VNPT.

Rõ ràng cổ phần hóa đem lại lợi ích tốt hơn cho doanh nghiệp, nhưng cần được thực hiện mạnh tay hơn nữa nhằm thúc đẩy hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Cụ thể, rất nhiều công ty mẹ sau khi được cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ mức cổ phần trên 51%. Điều này dẫn đến hầu hết vị trí trong hội đồng quản trị, ban giám đốc đều sẽ do Nhà nước bổ nhiệm, dễ dẫn đến tâm lý làm việc "theo nhiệm kỳ" bởi họ không phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự thua lỗ của doanh nghiệp.

Buổi Lễ công bố và tôn vinh 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 dự kiến sẽ được Vietnam Report và VietnamNet tổ chức vào ngày 22/4/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Hoàng Trung