Bài viết thể hiện quan điểm của Keza MacDonald, biên tập viên game và công nghệ tại Guardian.
Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình trong thế giới ảo. Tôi đã chơi game từ năm 6 tuổi và tính đến nay tôi đã viết về game và văn hóa game được 16 năm.
Tôi đã chứng kiến các công ty kiếm được hàng triệu, rồi hàng tỷ USD từ việc bán quần áo và vật phẩm ảo trong game. Tôi đã gặp những người quen nhau qua thế giới ảo, nảy sinh tình cảm và kết hôn ngoài đời thực. Họ gặp được nửa kia của mình và có những trải nghiệm đáng nhớ trong thế giới ảo. Nhưng dường như khái niệm này đang dần bị bóp méo dưới tên gọi mới: Metaverse.
Một nền tảng hứa hẹn
Hỏi 50 người xem metaverse nghĩa là gì và bạn sẽ nhận được 50 câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, một điều mà mọi người đều đồng ý là metaverse đang tạo ra rất nhiều tiền. Epic Games và Facebook đang đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm cho nền tảng này. Microsoft cũng đã bước chân vào mảnh đất metaverse màu mỡ sau thương vụ mua lại nhà phát hành game Activision với giá 70 tỷ USD hôm 19/1.
Thế giới công nghệ dường như đang hướng về khái niệm về thế giới ảo hồi đầu những năm 2000, khi mà mọi người sẽ đeo kính thực tế ảo và sống ở một thế giới trong mơ, nơi bạn có thể có bất cứ thứ gì bạn muốn.
Tôi không phủ nhận rằng một số người thích tầm nhìn này. Nhưng khái niệm về metaverse trong mắt các tỷ phú công nghệ như ông Zuckerberg hay CEO Bobby Kotick của Activision lại chỉ là một công cụ kiếm tiền.
Hãy xem bài thuyết trình của Mark Zuckerberg về tương lai của metaverse – một thế giới tuy yên bình nhưng lại trống rỗng và vô hồn. Đó là tầm nhìn về tương lai của một người có trí tưởng tượng nghèo nàn.
Meta (Facebook) cố vẽ ra một thế giới quen thuộc trong metaverse. Ảnh: Facebook. |
Thế giới ảo có thể là một miền đất hứa, nơi mà mọi người đều bình đẳng. Chúng ta sẽ không được đánh giá bởi ngoại hình hay xuất thân, mà bởi những giá trị bên trong, theo cách chúng ta muốn được đánh giá.
Một thế giới ảo, nơi các tầng lớp xã hội và giới hạn của thế giới thực biến mất, nơi ai cũng có thể trở thành anh hùng, nơi những người nghèo khổ và chán nản có thể thoát khỏi thực tế của mình và sống ở một nơi nào đó thú vị hơn.
Thế giới ảo và thế giới thực
Tuy nhiên, thế giới ảo vốn dĩ không tốt hơn thế giới thực. Người lao động vẫn bị bóc lột, nạn phân biệt giới tính và kỳ thị đồng tính vẫn tồn tại. Phân biệt chủng tộc cũng tương tự và thậm chí còn được ủng hộ.
Ý tưởng rằng metaverse sẽ giải quyết một cách kỳ diệu các vấn đề trên là điều hoàn toàn viển vông. metaverse chỉ phản chiếu lại hình ảnh đời thực của những người dùng và những tỷ phú tạo ra nó. Tất cả những trải nghiệm trước đây của tôi trong các thể giới ảo khiến tôi không có nhiều hy vọng vào ý tưởng metaverse, vì nền tảng này được xây dựng bởi những người hầu như chưa bao giờ trải qua các vấn đề của thế giới thực.
Bối cảnh trong bộ phim Ready Player One khá giống với khái niệm metaverse hiện nay. Ảnh: Warner Bros. |
Trừ khi các công ty thực sự nỗ lực xóa bỏ những định kiến và thành kiến vô thức, chúng sẽ được sao chép y nguyên vào những thế giới ảo mà họ tạo ra. Chưa có ai tìm ra cách kiểm duyệt hiệu quả các nền tảng trực tuyến nhằm tránh bị bị lạm dụng và thao túng bởi những người xấu. Với những gì đã xảy ra với Facebook, liệu bạn có tin tưởng vào Meta hay Microsoft?
Và metaverse sẽ như thế nào? Ai sẽ là người quyết định? Liệu metaverse sẽ là một thế giới bóng bẩy nhưng vô hồn như ý tưởng của Mark Zuckerberg, một thế giới vô tổ chức như Fortnite và Roblox, một nền tảng độc hại như VRChat? Hay cuộc chạy đua dường như bất tận của những nhà sản xuất NFT mà hầu như mỗi NFT lại kèm theo một metaverse riêng của mình?
Mỗi khi tôi nhìn thấy một bộ NFT mới được rao bán, tôi lại nghĩ rằng đây như một trò chơi cho trẻ em, và sẽ chẳng ai bỏ tiền ra mua những NFT nhàm chán này. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại liên tục bán hết. Đây hiện là những người xác định tương lai sẽ như thế nào. Thật là chán nản.
Cách kiếm tiền mới của các công ty
Tôi sẽ cảm thấy tốt hơn về ý tưởng metaverse nếu nó hiện không bị chi phối bởi các công ty đang cố gắng tìm ra cách kiếm nhiều tiền hơn khi tài nguyên của trái đất đang dần cạn kiệt. Metaverse trong mắt những gã khổng lồ công nghệ không phải là một thế giới mới đầy hứa hẹn cho nhân loại, mà chỉ là một nơi khác để những tỷ phú kiếm thêm tiền.
Theo như những gì tôi thấy, những công ty lớn đang áp dụng sự khan hiếm giả tạo để khiến người dùng muốn những thứ mà họ hoàn toàn không cần. Cơn sốt NFT chứng minh rằng mọi người sẵn sàng trả hàng chục nghìn USD để mua hình ảnh những con vượn trên máy tính. Điều này đang làm tôi mất dần niềm tin vào nhân loại.
More Than Gamers là một trong nhiều bộ NFT được gắn với các ‘metaverses’ của riêng mình. Ảnh: morethangamersnft. |
Tất cả điều này đang xảy ra trong khi Trái đất tiếp tục nóng lên và tài nguyên đang dần cạn kiệt. Tôi không thể không tự hỏi liệu những công ty khổng lồ này có ý định đưa ra ý tưởng về một tương lai ảo để đánh lạc hướng chúng ta khỏi những gì họ đang làm trong thế giới thực hay không.
Tôi đã dành toàn bộ cuộc đời trưởng thành của mình trong những thế giới ảo, nghiên cứu về những gì mọi người làm và ý nghĩa mà họ tìm thấy ở đây. Meta hiện sở hữu công nghệ có thể theo dõi những gì người dùng thấy và chuyển động cơ thể của họ để phục vụ quảng cáo. Đây chính là tương lai của thế giới ảo – nơi các công ty theo dõi từng hành động của chúng ta để kiếm tiền, thậm chí còn hơn cả trong đời thực.
Thế giới ảo từng là lối thoát khỏi những bất bình đẳng và bất công của thế giới thực. Việc các phương tiện truyền thông và công nghệ lớn đang bóp méo những nơi từng là lối thoát của tôi và hàng triệu người khác là điều đáng lo ngại. Tôi sẽ không giao phó tương lai của mình cho ngững công ty này.
(Theo Zingnews)
Chủ sở hữu TikTok thử nghiệm mạng xã hội tương tự như metaverse
ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok, đã tung ra một ứng dụng xã hội ở Trung Quốc cho phép người dùng tương tác trong một cộng đồng ảo thông qua hình đại diện trong bối cảnh metaverse đang ngày càng được quan tâm.