Phóng viên “đụng” thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự lần đầu trong không khí chẳng mấy thuận hòa, đó là dịp theo ban chuyên án điều tra vụ Lê Văn Luyện.

Những ngày đó, dư luận cả nước đang sục sôi căm phẫn kẻ gây án, bởi hắn ra tay tàn bạo, giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng và con gái út 8 tháng tuổi, chém trọng thương cháu gái lớn 8 tuổi ở huyện Lục Nam, Bắc Giang. Tất cả lãnh đạo và các lực lượng nghiệp vụ ưu tú nhất của Tổng cục Cảnh sát được huy động vào cuộc, phối hợp cùng công an tỉnh Bắc Giang phá án.

Một trong những yêu cầu đặt ra của Ban chỉ đạo chuyên án là tuyệt đối bí mật thông tin, không cho bất cứ phóng viên báo chí nào vào khu vực trụ sở Công an huyện Lục Nam. Thế nên, khi thấy có phóng viên, tướng Tiến (lúc đó mang quân hàm đại tá, chức vụ Phó Cục trưởng) với chất giọng xứ Nghệ sang sảng chất vấn. Trong lòng không vui vẻ nhưng phóng viên biết đó là nhiệm vụ và yêu cầu của các anh.

Quá trình có mặt ở “đại bản doanh” của Ban chỉ đạo, phóng viên mới dần cảm tình với hình ảnh chiến đấu lăn lóc, không mệt mỏi của người chỉ huy lực lượng hình sự. Mấy ngày trời, hết cầm quân đi các tỉnh truy tìm dấu vết hung thủ, lại vòng lên biên giới Lạng Sơn khi phát hiện Lê Văn Luyện đang có mặt ở đây, anh còn không thay được bộ quần áo trên người.

{keywords}

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (áo xanh đầu tiên bên trái) trong đêm dẫn giải Lê Văn Luyện về trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang

Chính anh là người đề xuất với Ban chỉ đạo chuyên án, trực tiếp là trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, sử dụng biện pháp nghiệp vụ “dụ cáo quay về” khi xác định tên Luyện đã sang Trung Quốc. Chính anh là người có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang suốt đêm 31/8, rạng sáng ngày 1/9/2011 để cùng với điều tra viên hỏi cung cuộc đầu tiên đối với tên sát nhân Lê Văn Luyện.

Sau này, khi được làm việc với thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến trong rất nhiều vụ án, phóng viên thấy được ở anh những tính cách không phải người chỉ huy nào cũng có được. Hầu hết những vụ án nghiêm trọng xảy ra do đơn vị thụ lý hay phối hợp điều tra, anh đều xuống tận hiện trường. Ở hiện trường, anh cũng giống như một điều tra viên ghi chép tỉ mỉ, như một kỹ thuật viên mang điện thoại ra chụp ảnh ở các góc độ.

“Khi chỉ huy có mặt ở hiện trường thì đương nhiên, lính phải rất nghiêm túc. Hơn nữa, có hiểu tường tận mọi chi tiết tại hiện trường, mới có những đánh giá, nhận định chính xác được. Như vụ thảm án ở Bình Phước làm 6 người chết, từ việc xem xét kỹ hiện trường, Ban chỉ đạo chuyên án đã nhận định được chính xác số người gây án, đường đột nhập và thoát ra của chúng, mối quan hệ của những kẻ này với các nạn nhân trong gia đình” - thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Chính vì tính “hay đi” của tướng Tiến nên hầu hết các vụ án lớn của Cục Cảnh sát hình sự chủ trì hoặc phối hợp điều tra đều thấy sự có mặt của anh tại hiện trường vụ án. Dù đó là một tỉnh đồng bằng hay miền núi xa xôi mà các phương tiện giao thông không thể di chuyển đến được.

Tôi rất xúc động khi được một cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự cho xem những bức ảnh anh chụp kỷ niệm khi cả đoàn công tác của lội suối, vượt rừng vào hiện trường vụ giết hại 4 người trong một gia đình ở tận bản Phồng, xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An).

Hiện trường vụ án cách trung tâm bản Phồng khoảng 5km, phải đi qua một quả đồi và lội qua nhiều con suối. Đó là hình ảnh tướng Tiến với áo phông, quần đùi (anh mua vội trên đường đi Nghệ An) lội suối đến ngang đùi dẫn đầu đoàn công tác trên đường vào bản, rồi hình ảnh anhn múc nước dẫn từ khe suối dội cho Đại tá Nguyễn Văn Tám - Phó cục trưởng của mình gội đầu vì thời tiết những ngày giữa tháng 7 ở vùng núi Nghệ An quá nóng…

Những ngày lội suối, leo đồi vào phá án của lực lượng Cảnh sát hình sự gian khổ. Sau cơn mưa, trời lại trở nắng gay gắt, có lúc, không chịu nổi cái nóng, cả thầy và trò phải nhảy ào xuống suối tắm cho dịu cơn nóng và những vết sưng tấy do ruồi vàng đốt.

Có hôm vào hiện trường, do địa hình quá khó đi, khi leo lên đỉnh ngọn đồi, tướng Hồ Sỹ Tiến bị ngã xước cả người. Các trinh sát trong tổ công tác ái ngại, muốn lãnh đạo quay trở lại đợi tin ở trung tâm bản Phồng, nhưng ông nhất quyết “có gì, tớ vẫn đi được hết”.

Và hôm sau, dù những vết xước vẫn đau, anh vẫn dậy rất sớm để cùng tổ công tác tiếp tục làm nhiệm vụ.

Hôm bắt Vi Văn Hai, trực tiếp tướng Hồ Sỹ Tiến áp giải hắn trên chiếc xe riêng của mình ra trụ sở Công an huyện Tương Dương. Đường đi ra hôm đó lầy, cứ được một quãng bánh xe ôtô lại xoay tít. Nguy hiểm nhất khi đến đoạn sát bờ vực, chiếc xe bị vướng lầy đột nhiên bị xoay ngang, trơn trượt xuống và chỉ còn cách mép vực có chút xíu.

Ngay trên xe ôtô, dù đường lắc lư và có lúc cận kề nguy hiểm, anh Tiến vẫn kiên trì và khẩn trương khai thác nóng Vi Văn Hai.

Dù ở cương vị cao nhất của lực lượng Cảnh sát hình sự nhưng Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vẫn có thói quen của người lính điều tra. Khi bắt được thủ phạm gây án, nhất là các vụ án nghiêm trọng, hầu như người đầu tiên vào hỏi cung, khai thác hung thủ là tướng Tiến cùng điều tra viên của mình.

Những tên này dù lì lợm, máu lạnh đến đâu cũng khó “đổ bê tông” được với vị tướng quá dày dặn kinh nghiệm. Từ Lê Văn Luyện, Nguyễn Văn Dương (vụ Bình Phước) đến Vi Văn Hai (vụ Nghệ An), đều “qua tay” khai thác của tướng Tiến.

Và kẻ chưa đầy nửa giờ đã phải “đầu hàng”, xin khai. Ngoài những kỹ năng, kỹ thuật hỏi cung bài bản, tướng Tiến còn có cách nhìn nhận và khai thác vấn đề rất nhanh và trí tuệ.

Câu chuyện “Phá án từ… quả chanh” đã đăng trên Báo Công an nhân dân là minh chứng cho khả năng phán đoán và phá án thông minh của tướng Tiến. Để tìm ra chứng cứ bắt Vi Văn Hai, thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã liên tưởng từ những cây chanh mình gặp trên đường vào bản Phồng (chỉ có cây chanh ở vườn nhà các nạn nhân có quả) và việc Vi Văn Hai đang ăn cỗ bỗng bỏ đi đúng thời điểm vụ án xảy ra và mang về cho mọi người mấy quả chanh để ăn.

Thiếu tướng Tiến hỏi “tấn công” Hai ngay:

- Anh hái chanh ở đâu về?

- Cháu hái ở vườn.

- Nói láo, chanh ở đây làm gì có quả. Anh hái ở vườn nhà anh Thọ (nạn nhân - PV) đúng không?

Uy lực trong giọng nói của vị Cục trưởng khiến Hai toát mồ hôi. Hắn bắt đầu lúng túng, buộc phải nhận hái chanh ở vườn nhà nạn nhân. Anh Tiến bồi tiếp:

- Thế đi hái chanh sao quần áo lại ướt? (trong tình tiết vụ án có việc vợ con anh Thọ bị giết khi chạy ra giữa dòng suối).

- Nóng quá cháu xuống suối tắm.

- Tắm mà mặc cả quần áo à?

- Cháu ngượng.

- Ngượng với cả rừng núi à?

Tiếng cười sang sảng của tướng Tiến càng khiến Hai lo lắng, hai đầu gối hắn run bần bật.

Xác định Hai chính là hung thủ gây án, lực lượng Cảnh sát hình sự lập tức dùng mẹo đưa tên này ra trung tâm bản Phồng, sau đó áp tải luôn lên xe của hiếu tướng Hồ Sỹ Tiến về Công an huyện Tương Dương. Lúc đầu tên sát nhân cũng rất ngoan cố, không khai.

Trên đường đi, cùng với các câu hỏi khai thác, anh Tiến chỉ lên trời và nói với tên Hai: “Cậu xem phim Mỹ có biết vệ tinh không, chúng tôi cũng có vệ tinh ở trên trời kia kìa, nó quay lại được hết tất cả những gì diễn ra trên mặt đất. Vì thế cậu nên thành khẩn khai báo, nếu không ra kia chúng tôi mở vệ tinh cũng sẽ biết hết hành vi của cậu, còn cậu sẽ bị xử lý nghiêm vì ngoan cố đấy”.

{keywords}

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cùng tổ công tác lội suối vào hiện trường vụ thảm án tại bản Phồng (Nghệ An)

Mặt tên Hai tái đi, hắn suy nghĩ về “cái vệ tinh trên trời” của tướng Tiến. Đằng nào ra kia công an cũng biết, thôi thì hắn khai luôn. Thế là tên Hai khai tuồn tuột, trong lúc tướng Tiến và mọi người trên xe thở phào và cố nhịn cười về câu chuyện “vệ tinh trên trời”.

Cánh phóng viên chúng tôi cũng rất thích được xin ý kiến và phỏng vấn tướng Tiến về những chuyên đề liên quan đến an ninh trật tự, chẳng hạn như: Làm thế nào để hạn chế tình trạng giết người do nguyên nhân xã hội, những vụ trọng án có nguyên nhân từ rượu, tình trạng trộm cắp trong công sở… Bởi anh luôn đưa ra được những ý kiến hay, ý tưởng mới về công tác phòng, chống tội phạm mà nhiều khi phóng viên chúng tôi chưa nghĩ được tới.

Nhiều người bảo thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến có duyên phá những vụ án nghiêm trọng, cứ thấy anh xuất hiện tại hiện trường là y như rằng, vụ án được phá thành công. Anh cũng cười khiêm tốn: “Có lẽ mình có duyên với tội phạm”.

Tướng Hồ Sỹ Tiến trải lòng về sức ép điều tra các vụ thảm án

Nói về tính chất vụ thảm sát ở Bình Phước, ông Cục trưởng Cảnh sát hình sự của Bộ Công an cho rằng, so với Lê Văn Luyện thì hành vi của Dương và Tiến dã man và nghiêm trọng hơn.

Theo Thu Hòa/An Ninh Thế Giới