Mùa tuyển quân năm 2015 bắt đầu “nóng” trong những gia đình có con trai trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tăng cường chất lượng tân binh
Từ cuối năm 2014 tới nay, các địa phương trong cả nước đã ra chỉ thị về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015.
Hình ảnh đợt 2 trong năm 2014 thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ. Dù tỏ ra mạnh mẽ nhưng các chàng trai có lúc cũng bùi ngùi xúc động (Ảnh Đàm Đệ) |
Đáng chú ý, một số địa phương năm nay chú trọng đặc biệt tới việc nâng cao chất lượng công dân nhập ngũ, bằng việc chú trọng tuyển chọn cử nhân, công chức, viên chức.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu chú trọng tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề và cán bộ, công chức, viên chức để góp phần thực hiện công bằng xã hội và nâng cao chất lượng quân đội. Phấn đấu cấp huyện đạt tỷ lệ trên 40% cấp quận trên 50% cấp quận công dân nhập ngũ có trình độ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học, chuyên nghiệp.
Năm 2015, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đặt ra ưu tiên về chất lượng trong tuyển chọn gọi nhập ngũ. Chỉ thị của địa phương này nêu rõ: “Trước hết phải ưu tiên về chất lượng, quản lý chắc và gọi đủ số đã tốt nghiệp hoặc hết thời gian khóa học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…, thứ tự chọn từ cao đến thấp, tuyển hết đại học, cao đẳng đến trung cấp, tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu thiếu thì chọn đến lớp 8/12 đối với địa phương khó khăn về chỉ tiêu”.
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục tập nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, trong đó trình độ học vấn phấn đấu tốt nghiệp ĐH, CĐ, TC đạt từ 25% trở lên, các huyện ngoại thành đạt từ 20% trở lên...
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, TCCN, cao đẳng nghề, trung học nghề trên địa bàn thành phố cung cấp danh sách nam HSSV trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ đang học ở các trường, đã tốt nghiệp ra trường hoặc thôi học về Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, để quản lý chặt chẽ nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ…
Tuy nhiên, địa phương nào cũng nhắc tới những mặt còn hạn chế trong việc tuyển quân của năm trước, với những vấn đề chung như: Công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ của một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc; Tổ chức sơ tuyển, khám tuyển phân loại sức khỏe, xét duyệt hồ sơ không chặt chẽ thiếu chính xác; Hay như Hà Nội thì tỉ lệ công dân là công chức, viên chức nhập ngũ chưa cao…
Đừng ép con sống không trung thực
Những đối tượng “phấp phỏng” trong thời điểm này chính là các nam sinh lớp 12, cho tới những công dân 25 tuổi, nhất là những gia đình ở thành phố.
Trên một vài diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện những câu hỏi về việc trốn nghĩa vụ quân sự, và những câu hỏi này được trả lời, chỉ dẫn nhiệt tình. Một số gia đình nhận được giấy báo con trai đi khám sức khỏe cũng bắt đầu nháo nhác chạy hỏi cách làm thế nào để “né”, đặc biệt đối với các gia đình có con vừa tốt nghiệp đại học, hay chuẩn bị thi đại học. Mánh khóe được chỉ cho nhau từ việc đeo các loại kính cận thị, viễn thị, loạn thị, đi xin giấy chứng nhận mắc bệnh da liễu, xăm trổ trên cơ thể…. Tới những lời mách đến “làm việc” thẳng với người phụ trách tuyển quân của địa phương, hay khi đi khám sức khỏe “làm việc” luôn với bác sĩ….
Cũng xuất hiện trên mạng không ít câu chuyện về cuộc sống, sự rèn luyện vất vả trong quân ngũ, khiến phụ huynh thành phố và cả những thanh niên sức dài vai rộng e ngại.
Tuy nhiên, điều mà các phụ huynh đặc biệt lo ngại, đó là cơ hội học tập, làm việc của con em họ liệu có còn nếu thực hiện nghĩa vụ.
Chị Hà Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra khá lo lắng về việc cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học năm trước nằm trong diện đi khám nghĩa vụ. “Thú thực là từ cuối năm trước, khi biết thông tin Hà Nội tăng cường gọi cử nhân nhập ngũ, gia đình cũng khá lo lắng. Cháu nó mới tốt nghiệp đại học, đang xin việc ở một số nơi và rất nhiều khả năng sẽ được nhận vào làm. Điều mà chúng tôi lo là nếu bây giờ đi nghĩa vụ sẽ mất cơ hội việc làm, nhất là ở thời điểm kiếm việc khó khăn như hiện nay”.
Tuy nhiên, chính cậu con trai của chị lại có quan điểm khác: “Bố mẹ buồn phiền lo tôi bị gọi, vì sợ tôi phí mất mấy năm tuổi trẻ, thời gian đó nếu chưa xin được việc thì đi học… thạc sĩ còn hơn.
Tuy nhiên, bây giờ nếu gọi thì tôi sẽ đi, không chạy chọt. Bởi vì tôi không muốn làm những việc gian dối kiểu đó. Và quan trọng hơn là tôi muốn tự thử thách bản thân, sau 16 năm chỉ đi học. Tôi muốn được vào một môi trường khác biệt hơn, kỷ luật hơn, để thử thách, rèn luyện bản thân. Tôi nghĩ 18 tháng, hay thậm chí là 24 tháng, không quá dài, và cũng không quá muộn để sau khi xuất ngũ bắt tay vào gây dựng sự nghiệp”.
Một học sinh lớp 12 tại Hà Nội chia sẻ, em thật sự cảm thấy không thoải mái khi nghe bố mẹ bàn nhau cách xin xỏ, chạy cho em “thoát” việc tuyển quân năm nay. “Em biết là bố mẹ chỉ nghĩ cho em. Em cũng đang ôn thi để dự thi vào đại học tháng 7 này, và thật sự là nếu được gọi đi nghĩa vụ, chắc chắn là em sẽ buồn. Nhưng nếu để em tự lựa chọn, em sẽ đi. Bởi vì quả thực, bố mẹ cứ luôn dạy em phải trung thực, cố gắng, mà bây giờ lại đặt em trong tình trạng gian dối, em thấy không vui”.
“Dù luật quy định như thế nào, nhưng nếu không muốn đi, các gia đình sẽ vẫn tìm được cách đối phó” – anh Nam Thành (Ba Đình, Hà Nội), đã từng thực hiện nghĩa vụ quân sự cho biết. “Theo tôi, nếu như các gia đình thấy rõ môi trường quân đội là nơi rèn luyện, giúp thanh niên phát triển hài hòa nhân cách, đảm bảo cả sự phát triển trong tương lai khi đã rời quân ngũ, cũng như đảm bảo công bằng trong việc tuyển lựa, thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng là tấm vé vào đời của thanh niên chứ không chỉ là tấm bằng đại học…, thì khi đó, môi trường này mới có sức hút để các em tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không phải đắn đo”.
Ngân Anh