Tuyên Quang: Dạy nghề góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn |
Tuyên Quang có trên 20 mô hình lao động nông thôn sau khi học nghề tạo được việc làm, trong đó có 12 mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 8 mô hình lĩnh vực phi nông nghiệp, các mô hình đều cho thu nhập với mức trung bình từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Giai đoạn 2010 - 2019 tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các chính sách hỗ trợ đào tạo từ các chương trình mục tiêu, đề án, dự án... của Trung ương, địa phương và sự đóng góp các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân để triển khai thực hiện đào tạo nghề với mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một bộ phận lao động ở nông thôn sau khi được học nghề biết áp dụng những kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Ngoài ra, bằng cách tạo thêm nhiều việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… trên địa bàn đã giúp người dân có cơ hội được chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tìm được việc làm ngay tại xã, không phải ly nông, ly hương như trước.
Bên cạnh đó, tạo thêm nhiều nghề nghiệp đồng nghĩa với số người có thu nhập khá cũng tăng dần lên, việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị với nông thôn. Thống kê đến nay cho thấy, tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị giảm từ 3,41% (năm 2010) xuống còn 2,8% (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,83% (năm 2010) xuống còn 19,32% (năm 2017).
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, trong thời gian tới, Sở Lao động - TBXH sẽ tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về tầm quan trọng của việc học nghề.
Chỉ đạo các phòng Lao động - TBXH, các trung tâm dạy nghề huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Trong đó, chú trọng những ngành, nghề đã và đang được duy trì, phát triển ở các địa phương, từ đó thu hút học viên tham gia học nghề nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Bảo Anh