Đa phần các trường đại học chưa có dự tính sâu cho phương án tuyển sinh năm 2017.
Băn khoăn phương án tính điểm xét tuyển
Ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhận xét “Thực chất của "bài thi tổ hợp" chẳng qua chỉ là gom 3 môn thì thành 1 bài thi nhằm để rút ngắn thời gian thi từ 4 ngày xuống còn 2 ngày, để báo cáo với xã hội rằng Bộ GD-ĐT đã cố gắng hết sức để tiết kiệm chi phí cho xã hội”.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Thế nhưng, câu hỏi mà ông Xê đặt ra đối với "bài thi tổ hợp" là “Mỗi môn thi thành phần chỉ có 20 câu hỏi trắc nghiệm liệu có đủ để đánh giá đúng kiến thức của môn học đó không?”.
Ông Xê phân tích cụ thể với tổ hợp môn theo khối A (Toán, Lý, Hóa): Môn Toán được thi bởi 60 câu hỏi, còn môn Lý và Hóa chỉ có 20 câu hỏi thì liệu điểm của 3 môn này có tương đồng với nhau không?
Một tình huống khác cũng được ông Xê đặt ra là: Điểm sàn hoặc xét tuyển đại học theo khối thì trước đây tính tổng điểm của 3 môn theo hệ 10 điểm. Vậy nếu lấy khối A làm ví dụ, Bộ GD-ĐT xử lý điểm của các môn Lý và Hóa như thế nào?
“Câu trả lời lời có thể là "Lấy điểm thành phần của môn đó nhân với 3 thì điểm đó sẽ tương đương như thang điểm 10". Có đơn giản như vậy không? Nếu làm như vậy được thì sẽ có người hỏi "cho 10 câu hỏi thôi sau đó sẽ lấy điểm của 10 câu nhân với 6 để được thang điểm 10". Làm như vậy sẽ tiết kiệm thời gian nhiều hơn nữa”.
Những trường tính sớm
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM là một trong những trường sớm có phương hướng tuyển sinh cho năm sau. Ông Phạm Thái Sơn, Phụ trách tuyển sinh cho biết năm 2017 nếu được phép trường sẽ áp dụng tuyển sinh 2 đợt/ năm vào các tháng 3 và tháng 8.
Trường sẽ duy trì phương án tuyển sinh như năm 2015, 2016 là áp dụng xét tuyển từ kết quả thi THPT và kết quả học bạ THPT kết hợp với phương án sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực theo mô hình của ĐHQG Hà Nội.
Trường cũng sẽ dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi của các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn Khoa học tự nhiên trong kỳ tuyển sinh năm 2017.
Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cho biết, hiện phương án thi mới của trường còn đang là dự thảo, phương án xét tuyển chính thức phải chờ quyết định từ Bộ.
Tuy nhiên, ông Khải cũng "tiết lộ" là trường sẽ vẫn sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển chứ không đưa phương án tuyển sinh riêng để đỡ phức tạp. Nếu năm nay có các bài thi tổ hợp, trường dự kiến sẽ lấy điểm của toàn bài thi Khoa học tự nhiên để xét tuyển, tức là có cả Lý, chứ không chỉ lấy 2 môn Hóa và Sinh.
“Dù trước này chỉ xét tổ hợp là Toán, Hóa, Sinh, nhưng tuyển các em có kiến thức về Lý nữa cũng là một cái tốt. Những thí sinh giỏi về khoa học tự nhiên, tôi cho đều sẽ đáp ứng được khối ngành Y - Dược. Lấy được học sinh học giỏi đều nhiều môn hơn càng tốt và tôi nghĩ việc này không ảnh hưởng gì cả” - ông Khải nói.
Theo ông Khải thì thậm chí điểm Lý của thí sinh có cao hơn điểm Hóa cũng không sao. Nếu cần thiết, trường có thể thêm tiêu chí phụ để xét tuyển.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì cho biết dự kiến, sang tháng 10 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mới bàn tới phương án tuyển sinh cho năm 2017.
Tuy nhiên, theo ông Triệu, về cơ bản trường đồng thuận với phương án tuyển sinh của Bộ. “Phương án cụ thể thì chưa thể nói được gì vì trường vẫn chưa bàn, trong khi vấn đề này phải bàn và thảo luận nhiều. Nhưng từ phương diện cá nhân, cơ bản tôi nghĩ phương án tuyển sinh năm nay có thể dựa vào kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ đưa ra” – ông Triệu chia sẻ..
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Ông Triệu cho rằng việc tổ chức xét tuyển như thế nào thì trường vẫn phải bàn kỹ hơn về mặt kỹ thuật, hơn nữa, các trường vẫn phải chờ quy chế chính thức của Bộ xem chi tiết thế nào.
"Dự thảo mới đây chỉ mới chung chung, chưa đi vào chi tiết kỹ thuật. Để có phương án chi tiết cần phải bàn thêm và nhất là phải có quy chế chính thức của Bộ" - ông Triệu cho biết.
“Với phương án thi theo 5 bài thi, các trường hoàn toàn có đủ cơ sở để tuyển chọn thí sinh theo ý của mình dựa vào 5 bài thi này. Đây chỉ là bài kiểm tra đánh giá đầu vào thôi nên không cần quá khắt khe. Bây giờ các trường cũng chuyển hướng đào tạo, không chỉ chú trọng đầu vào đầu ra mà còn chú trọng cả quá trình đào tạo, chương trình đào tạo nữa"- ông Triệu nói.
Tuy nhiên, ông Triệu cũng cho rằng, cần lưu ý nhiều hơn tới tính nghiêm túc của kỳ thi. "Năm nay một số kỹ thuật thay đổi như tăng trắc nghiệm, chấm thi cũngthay đổi đó cũng là cách nâng cao tính nghiêm túc, lòng tin vào chất lượng của kỳ thi".
"Chúng tôi chờ phương án chính thức"
Bên cạnh những trường đã phác thảo những nét ban đầu cho kỳ tuyển sinh năm sau, thì nhiều vẫn hoàn toàn chưa tính đến.
Ông Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết trường chưa tính đến phương án tuyển sinh năm 2017.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Với đặc thù tuyển sinh khối B (các môn Toán, Hóa, Sinh), về việc các môn hóa, sinh được đưa vào bài tổ hợp, ông Lình cho rằng đây là các môn chủ chốt khi tuyển sinh vào ngành y dược.
“Bây giờ, điểm của hai môn này chỉ bằng 1/3 so với cách thi theo khối trước đây, lại xuất hiện thêm môn vật lý, nên sẽ là việc phải tính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa dự kiến phương án sẽ làm thêm bài thi bổ sung hay chỉ lấy bài tổ hợp để tuyển sinh. Chúng tôi chờ quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT rồi mới dự tính những việc cho kỳ tuyển sinh năm sau” – ông Lình thông tin.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp thì cho biết hiện nay trường vẫn còn đang thực hiện công tác tuyển sinh của năm 2016 nên chưa hề tính đến việc tuyển sinh cho năm sau. “Hơn nữa, tất cả mới đang là phương án dự kiến. Nhà trường sẽ chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT để có phương án cho mình”.
Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ông Nguyễn Ngọc Hà, cũng cho biết vì tuyển sinh 2016 chưa xong nên chưa thể tính tới phương án tuyển sinh cho năm 2017. Theo ông Hà, dù “muốn nói gì, bàn gì cho kế hoạch tuyển sinh mới cũng phải hoàn thành việc tuyển sinh năm nay”.
Theo thông tin từ bà Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, thì hiện tại trường mới đang lên dự thảo phương án tuyển sinh cho năm mới. "Thời gian tới, hội đồng sẽ phải họp để đưa ra quyết định. Cho tới hiện tại, vẫn chưa họp chính thức giữa các bên với nhau nên chưa có phương án cụ thể để thông tin được".
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường Bách khoa HN cũng cho biết trường chưa lên phương án tuyển sinh cho năm học mới.
"Hiện tại trường đang có nhiều việc khác quan trọng hơn tuyển sinh nên chưa quan tâm tới phương án tuyển sinh mới và vẫn chờ phương án chính thức của Bộ" - ông Điền khẳng định."Tuy nhiên, tinh thần chung là Bách khoa sẽ lựa chọn phương án để xã hội không bị xáo trộn, thí sinh sẽ không có gì phải thử nghiệm. Đó là trách nhiệm với xã hội của Trường ĐH Bách khoa".
Trong tháng 9 và đầu tháng 10, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ xây dựng phương án tuyển sinh 2017. Ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết phương án tuyển sinh sẽ được Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường thảo luận công khai, sau khi thống nhất sẽ đưa lên trang web của trường.
“Tôi nghĩ đề án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển mà Bộ vừa đưa ra là phù hợp với cả Luật GD và Luật GD Đại học - đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đại học. Sắp ới các trường đại học sẽ có những bàn bạc cụ thể để vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa đảm bảo cho việc sử dụng các kết quả đánh giá của trường khác nếu thấy hợp lý cùng với việc đảm bảo cho kỳ xét (hoặc thi tuyển nếu có) một cách đỡ lãng phí nhất”.
Nhóm phóng viên