Bộ GD-ĐT đã "chốt" những quy định quan trọng đối với những trường, thí sinh dùng kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Theo bản dự thảo cuối cùng của Quy chế Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy được Bộ GD-ĐT công bố ngày 18/12, những quy định về số tổ hợp môn thi, số đợt thí sinh được đăng ký xét tuyển, số đợt xét tuyển... đã được quy định cụ thể.
|
Ảnh Văn Chung |
Tối đa 4 tổ hợp môn thi/ ngành
Nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển được quy định là: Duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui do Bộ GDĐT tổ chức năm 2014 và các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển;
Các trường có thể lựa chọn thêm các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành.
Đối với trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GDĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm .
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, quy định này để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đã có định hướng vào các trường ĐH, CĐ ngay từ năm đầu THPT
Có kết quả thi mới xây dựng tiêu chí đầu vào
Theo Quy định về xây dựng điểm trúng tuyển, ngay sau khi hoàn thành việc chấm thi, trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi ghi kết quả thi gửi về Bộ GD-ĐT.
Căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GDĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển vào học ĐH, CĐ;
Các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức 01 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Các trường có thể xây dựng phương án điểm trúng tuyển chung cho toàn trường hoặc cho từng ngành, nhóm ngành của trường.
Kết thúc xét tuyển đại học trước 31/10
Đối với các trường xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT quốc gia: Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31/10 hàng năm đối với trường đại học và 15/11 hàng năm đối với trường cao đẳng.
Các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến từng đợt xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển và đăng kí nhập học của mỗi đợt xét tuyển; cập nhật 3 ngày một lần thông tin ĐKXT của thí sinh trên trang thông tin điện tử của trường trên trang thông tin điện tử của trường.
Thí sinh được xét tuyển tối đa 4 đợt
Mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng kí xét tuyển tối đa 4 đợt; mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.
Thí sinh nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT cho trường có nguyện vọng học qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hay nộp hồ sơ trực tiếp tại trường. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển được đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi cấp để đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường.Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, được quyền thay đổi ngành học đã đăng kí hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở một đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Chính sách ưu tiên giữ ổn định như năm 2014, chỉ cập nhật Quyết định 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 và Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 08/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm) đối với thang điểm 10. Nếu sử dụng thang điểm 20, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng, giữa các khu vực sẽ được nhân 2 |
Ngân Anh - Văn Chung