Thượng Trạch là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nằm về phía Tây của huyện Bố Trạch, Quảng Bình với 3.209 nhân khẩu và 719 hộ, hơn 90% là đồng bào Ma Coong sinh sống. 

Với nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, diện mạo xã đã có những khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 77,25% (năm 2021) xuống còn 65,37% (năm 2023). Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 14,6 triệu đồng/năm, chất lượng dạy và học chuyển biến rõ nét, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám, chữa bệnh được quan tâm chú trọng.

Đáng chú ý, nhận thức của cán bộ và người dân trong công tác phát triển kinh tế, bảo vệ rừng được nâng lên, nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Hiện xã có 118 hộ trồng keo với diện tích 265ha, 29 mô hình chăn nuôi bò, lợn bản địa, ngan đen theo hình thức chuồng trại...

ảnh 1.jpg
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế, bảo vệ rừng được nâng lên

Là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn so với toàn huyện, xã ý thưc được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Toàn xã hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 73.384,95ha, rừng phòng hộ 6.563,94ha, rừng đặc dụng 54.060,84 ha, rừng sản xuất 12.583,65ha. 

Để bảo vệ rừng tốt, bên cạnh việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính quyền xã và các ban, ngành còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và thực hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép. 

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương phân công cán bộ, công chức thường xuyên họp, quán triệt bà con về cách thức đốt nương rẫy và theo dõi việc đốt nương rẫy đúng, không để tình huống xấu xảy ra.

Đặc biệt, địa phương nỗ lực huy động cộng đồng dân cư bảo vệ và phát triển rừng bằng việc kết hợp giữa truyền thống, tập tục tốt đẹp của cộng đồng với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhận thấy lợi ích của việc phát triển rừng, đến nay người dân đã từ bỏ tập tục lạc hậu đốt rừng làm rẫy, hăng hái tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng.

Thời gian tới, xã Thượng Trạch đề xuất cấp trên xem xét, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất) tại bản Cồn Roàng và bản Troi. Hỗ trợ kinh phí cải tạo đất để nhân dân ổn định canh tác trên diện tích đất hiện có, tránh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, lắp đặt thêm các trạm thu phát sóng mạng di động (BTS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con thông tin liên lạc, đặc biệt là khi ốm đau, đồng thời bảo đảm công tác quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại khu vực biên giới...

Vừa qua, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong nỗ lực gắn phát triển kinh tế - xã hội với công tác bảo vệ rừng. Nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sinh kế bền vững.

Đáng chú ý là công tác giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, những nỗ lực đó đã góp phần hạn chế tình trạng chặt phá rừng, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Xác định phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền các cấp với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng đóng vai trò then chốt.